08:28 14/09/2017

Thành tỷ phú nhờ gia công giày cho Nike

Kim Tuyến

Chỉ học hết cấp 2, Park Yen-cha hiện sở hữu tài sản 1,3 tỷ USD nhờ đề chế gia công giày cho Nike

Park Yen-cha, ông chủ đế chế gia công giày Nike - Taewang - Ảnh: Yonhap.<br>
Park Yen-cha, ông chủ đế chế gia công giày Nike - Taewang - Ảnh: Yonhap.<br>
Park Yen-cha hiện sở hữu tài sản 1,3 tỷ USD nhờ đế chế sản xuất giày cho Nike xây dựng từ cuối những năm 1980, theo Bloomberg.

Đón đầu xu hướng thuê sản xuất ngoài của các thương hiệu lớn, sau gần 40 năm thành lập, công ty Taekwang Industrial của Park Yen-cha hiện hơn 70.000 nhân viên và sản xuất 60 triệu đôi giày, tương đương 12% tổng sản lượng giày của Nike trong năm ngoái. Hiện công ty này chuyên sản xuất giày Nike tại các nước Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc.

Theo Bloomberg, Park hiện sở hữu tài sản trị giá 1,3 tỷ USD, chủ yếu nhờ vào hơn 98% cổ phần tại Taekwang. Ông cùng gia đình vừa nắm giữ cổ phần trực tiếp vừa thông qua Taewang tại hãng sản xuất ống nhựa Jeongsan Aikang và công ty Huchems Fine Chemical với vai trò chủ tịch.

Trước khi vươn lên hàng tỷ phú với Nike, 10 năm trước, Park từng là tâm điểm của bê bối tham nhũng nhiều triệu USD liên quan tới nhiều chính trị gia Hàn Quốc. Năm 2011, ông bị kết án 30 tháng tù vì tội trốn thuế và hối lộ.

Ông Park, năm nay 71 tuổi, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo và chỉ học hết cấp hai. Trong một xã hội mà mối quan hệ gia đình và hệ thống trường học là nhân tố chủ yếu dẫn tới thành công, Park đã tự mình xây dựng và khai thác mối quan hệ với những người có quyền lực.

Khi Park ngồi tù, Taekwang phải thuê nhiều quản lý chuyên nghiệp về điều hành công ty, nhưng ông vẫn là người đứng sau các quyết định kinh doanh quan trọng từ trong tù. Trong thời gian đó, tăng trưởng doanh thu của Taewang đạt hơn 20%/năm.

Sau khi ra tù vào năm 2014, Park lập tức khôi phục vị trí điều hành Taekwang. Trong số 4 người con, con trai duy nhất của Park, hiện ngoài 30 tuổi, được coi là người thừa kế và đang giữ một vị trí điều hành trong công ty. Năm ngoái, doanh thu của Taewang tăng trưởng 14,5% lên 1,82 nghìn tỷ Won (1,6 tỷ USD), gần gấp đôi so với năm 2011.

Được thành lập vào năm 1971, Taekwang là một trong hàng trăm công ty sản xuất giày đã giúp biến Busan, thành phố lớn thứ 2 tại Hàn Quốc, trở thành kinh đô giày thể thao trong suốt những năm 1970 - 1980. Các hãng bán lẻ đồ thể thao toàn cầu như Nike, Adidas AG và Reebok International đổ xô tới các nhà máy giày của Hàn Quốc, chủ yếu bởi chi phí thấp, lao động dư thừa và năng suất cao.

“Ban đầu Taekwang không phải là cái tên nổi bật trong ngành”, Michael Ku, cựu phó chủ tịch Taekwang, người làm việc tại công ty từ năm 1984 tới 1997, nói. “Tuy nhiên, nó nhanh chóng thích nghi với môi trường sản xuất với sự hỗ trợ của máy tính, chuyển từ chiến lược lấy người lao động làm trọng tâm sang hướng tiếp cận lấy công nghệ làm trọng”.

Ví dụ, một đôi giày được sản xuất thủ công không thể chuyển tải đầy đủ thiết kế, trong khi đó, công nghệ với sự hỗ trợ của máy tính cho phép tạo ra các đường cong và hình khối 3D”, Ku nói.

Quan hệ hợp tác bền chặt giữa Taekwang với Nike là yếu tố sống còn đối với hoạt động của công ty này khi ngành công nghiệp sản xuất giày của Hàn Quốc gặp biến cố lớn vào cuối những năm 1980.

Khi đó, các thương hiệu nước ngoài bắt đầu chuyển sang các nước có lao động rẻ hơn, khiến nhiều nhà máy sản xuất giày lớn của Hàn Quốc phải đóng cửa. Nhờ hợp tác bền vững với Nike, Taekwang tiếp tục thành lập công ty Taekwang Vina, và trở thành một trong 5 nhà thầu của Nike tại Việt Nam vào năm 1995.

Một người phát ngôn của Nike cho biết tất cả các nhà máy của Taekwang đều tuân thủ quy trình hướng dẫn của Nike, đáp ứng hoặc thậm chí vượt qua các tiêu chuẩn quốc tế và thường xuyên được kiểm tra, kiểm toán.

Hiện nay, hai nhà máy tại Việt Nam của Taewang chiếm tới gần 71% sản lượng sản xuất của công ty. Công ty đang xây dựng nhà máy thứ 3 tại Cần Thơ để nâng khả năng cung ứng hàng cho Nike lên 15%, từ mức 12% hiện nay.

Sản lượng sản xuất của công ty tại Indonesia và Trung Quốc lần lượt có tỷ trọng lần lượt là 17% và 13%, đồng thời cũng có kế hoạch nâng sản lượng tại Indonesia.

Hiện công ty này cũng đang lấn sân sang các dự án dài hạn khác. Tháng 7 vừa rồi, công ty được cấp phép để xây dựng một nhà máy điện 1.200 megawatt tại miền Bắc Việt Nam với mức đầu tư 2,3 tỷ USD. Dự kiến hoàn thành vào năm 2022, nhà máy này cho phép Taewang bán điện trong 25 năm.

Từ năm ngoái, Taewang cũng bắt đầu dự án nhà máy phân bón với mức đầu tư 60 triệu USD tại Việt Nam. Người phát ngôn của công ty cũng cho biết Taewang đang thảo luận để mua lại cổ phần tại một hãng khai thác cảng của Việt Nam.