13:06 30/03/2022

Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn tại 13 tỉnh

Chu Khôi

Hiện các vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa phục vụ chế biến và xuất khẩu vẫn chưa được quản trị bài bản, hạ tầng yếu kém, thiếu cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Ký kết xây dựng vùng nguyên liệu nông sản đạt chuẩn.
Ký kết xây dựng vùng nguyên liệu nông sản đạt chuẩn.

Chủ trì hội nghị triển khai Đề án "Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 – 2025” và Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”, ngày 29/3 tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, do chưa hình thành được các vùng nguyên liệu gắn với liên kết phục vụ chế biến, tiêu thụ với các doanh nghiệp nên triển khai các chính sách của nhà nước chưa được thực hiện đồng bộ.

XÂY DỰNG 5 VÙNG NGUYÊN LIỆU NÔNG SẢN ĐẠT CHUẨN

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, nhằm sản xuất nông sản quy mô lớn phục vụ chế biến xuất khẩu, nhiều vùng nguyên liệu đã dần hình thành. Tuy nhiên, hiện các vùng nguyên liệu nông sản vẫn chưa được quản trị bài bản, hạ tầng yếu kém, thiếu cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã vùng trồng.

“Do chưa hình thành được các vùng nguyên liệu gắn với liên kết phục vụ chế biến, tiêu thụ với các doanh nghiệp nên triển khai các chính sách của nhà nước chưa được thực hiện đồng bộ, nhất là các chính sách tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, quản lý chất lượng vùng trồng gắn với liên kết theo chuỗi giá trị. Những hạn chế này là nguyên nhân làm hạn chế chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, thu nhập của người nông dân còn thấp”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định.

Giới thiệu tổng quan về Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, Đề án sẽ được triển khai thực hiện trên địa bàn 46 huyện, thành phố của 13 tỉnh (Hòa Bình, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang).

 

Trong giai đoạn 2022 - 2023, sẽ hình thành được 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn, quy mô tập trung với tổng diện tích khoảng 166.800 ha. Cụ thể: 14.000 ha cây ăn quả vùng miền núi phía Bắc; 22.900 ha gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững (FSC, PEFC, VFCS,…) ở vùng Duyên hải miền Trung; 19.700 ha cà phê Tây Nguyên; 50.000 ha lúa gạo vùng Tứ Giác Long Xuyên; 60.200 ha cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười.

Mục tiêu chung của Đề án là hình thành 5 vùng sản xuất nguyên liệu sản phẩm nông, lâm nghiệp quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Đồng thời hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, HTX và nông dân liên kết trong các vùng nguyên liệu. Giảm chi phí đầu vào trong sản xuất từ 5 - 10% cho các thành viên HTX và nông dân; giảm tổn thất sau thu hoạch 5 - 10% và tăng giá trị từ 10 - 20%. Qua đó, tăng thu nhập 5 - 10% cho thành viên HTX và nông dân.

Bên cạnh đó, Đề án cũng tăng cường năng lực cho ít nhất 250 HTX nông nghiệp trong các vùng nguyên liệu; phát triển cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến và thương mại sản phẩm cho các HTX, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ. Đồng thời, thí điểm hình thành 136 tổ khuyến nông cộng đồng và tổ chức 770 lớp tập huấn tư vấn phát triển HTX, kết nối thị trường.

Cùng với đó, áp dụng phần mềm quản lý sản xuất vùng nguyên liệu có chứng chỉ, cà phê, lúa gạo, trái cây chất lượng cao; số hóa thông tin, cơ sở dữ liệu vùng nguyên liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Trong giai đoạn 2024 - 2025, Đề án mở rộng xây dựng 5 trung tâm sơ chế, chế biến, bảo quản nguyên liệu (logistic) hỗ trợ HTX, gồm: Trung tâm logistic chuỗi lúa gạo (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang); Trung tâm logistic lúa - tôm hữu cơ (huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang); Trung tâm logistic chế biến tôm (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng); Trung tâm logistic trái cây Mỹ Hiệp (tỉnh Đồng Tháp); Trung tâm logistic chuỗi cà phê (tỉnh Gia Lai).

HÌNH THÀNH TỔ KHUYẾN NÔNG CỘNG ĐỒNG VÙNG NGUYÊN LIỆU

Trình bày về Đề án khuyến nông cộng đồng, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết Đề án nhằm củng cố kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo hướng mở rộng đa chức năng dịch vụ.

Mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2023, sẽ thành được ít nhất là 26 tổ khuyến nông cộng đồng trên địa bàn 13 tỉnh thuộc vùng nguyên liệu. Đồng thời, xây dựng được bộ học liệu phục vụ đào tạo tổ khuyến nông cộng đồng bao gồm tài liệu đào tạo ToT và các video clips/ Giai đoạn 2024 – 2025, Đề án nhân rộng mô hình khuyến nông cộng đồng ra 15 tỉnh tiếp theo thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Miền Trung

“Đề án về khuyến nông cộng đồng là quyết định mang tính chất bản lề, tạo cơ hội mới vô cùng quan trọng cho hoạt động, cơ chế, hình thức cũng như bản chất hoạt động của đội ngũ khuyến nông. Bởi đây là vấn đề liên quan đến hệ thống khuyến nông cơ sở, là những người trực tiếp với người sản xuất. Tổ khuyến nông cộng đồng sẽ là cầu nối chặt chẽ nhất với người sản xuất”, ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết hiện công ty đang xây dựng vùng nguyên liệu cà phê trên địa bàn 4 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và Đắk Nông. Đội ngũ cán bộ của công ty thường xuyên phải di chuyển khắp 4 tỉnh, nên việc xây dựng vùng nguyên liệu gặp nhiều khó khăn nếu không kết hợp với khuyến nông cơ sở.

 

“Nếu có các tổ khuyến nông cộng đồng sẽ là mô hình rất tốt, giúp cho doanh nghiệp giảm được nhiều áp lực về nhân sự khi xây dựng vùng nguyên liệu. Đề án là một cú hích quan trọng cho nỗ lực xây dựng vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp”.

Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp

Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Long An bổ sung thêm, quá trình hợp tác cho thấy, để thay đổi tư duy của họ từ tự làm theo ý của mình sang hợp tác sản xuất theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp là rất khó. Nếu khuyến nông đứng ra hướng dẫn, đào tạo nông dân sản xuất theo các tiêu chuẩn của doanh nghiệp thì hiệu quả cao hơn rất nhiều so với doanh nghiệp tự làm.

Ghi nhận ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, để triển khai thành công 2 Đề án này đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, sự hợp sức của các địa phương, doanh nghiệp.

Do đó, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan, các tỉnh tham gia đề án, các doanh nghiệp, HTX và nông dân cần nắm rõ nội dung và trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện đề án; đánh giá, dự báo được những khó khăn, thách thức, bàn các giải pháp triển khai các nội dung đề án đạt hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế.

“Phải thống nhất đầu mối chỉ đạo và thực hiện, nhất là đối với UBND các tỉnh, như thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng vùng nguyên liệu. UBND các tỉnh cần chỉ đạo các sở ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nội dung của Đề án, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì triển khai thực hiện các nội dung chủ chốt”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.