Thị thực chung Đông Nam Á, Việt Nam được lợi gì?
Theo thông tin tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các quốc gia trong ASEAN đang thực hiện phấn đấu thống nhất các loại giấy tờ. Theo đó, ASEAN đang hướng tới việc thống nhất không sử dụng visa tương tự như cộng đồng châu Âu...
Năm 2023, các quốc gia Đông Nam Á đón tổng cộng 70 triệu lượt khách quốc tế và thu về doanh thu 478 tỷ USD. Theo ông Anup Kumar Keshan, Tổng biên tập Tạp chí Du lịch Thế giới (TTW), dự đoán doanh thu du lịch của Đông Nam Á trong năm nay có thể vượt qua giai đoạn trước đại dịch. Và nếu sử dụng cơ chế thị thực chung cho toàn khu vực giống như những quốc gia khối Schengen đã làm vào năm 1995, ngành du lịch Đông Nam Á sẽ phát triển hơn bao giờ hết.
VISA CHUNG ĐỂ THU HÚT DU KHÁCH
Nhu cầu áp dụng thị thực kiểu Schengen đối với ngành du lịch Đông Nam Á đang lớn hơn bao giờ hết, đặc biệt là ở 6 quốc gia Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Lào, Malaysia và Myanmar", ông Keshan nhận xét. "Cơ chế này sẽ giúp các công ty du lịch mang đến nhiều trải nghiệm thú vị hơn cho du khách và kích thích lượng khách quốc tế đến Đông Nam Á".
Nghiên cứu cho thấy việc ủng hộ sáng kiến visa chung với các nước láng giềng ở Đông Nam Á cũng phù hợp với mục tiêu của Việt Nam trong việc thu hút các du khách thuộc nhóm này. Các nghiên cứu chỉ ra những nhóm khách chi tiêu nhiều mà sáng kiến nhắm tới cũng giống các nhóm đã tới Thái Lan, Malaysia và nhiều nước Đông Nam Á khác. Những khách này thường tìm kiếm các trải nghiệm văn hóa đa dạng, những điểm đến tự nhiên và cơ hội du lịch độc đáo, vốn cũng là những điều rất phổ biến ở Việt Nam.
Thêm nữa, dữ liệu từ các tổ chức nghiên cứu du lịch cho thấy các khách đã tới Thái Lan, Malaysia và những nước khác trong khu vực cũng sẽ thường tham gia các tour nhiều điểm đến, khám phá nhiều địa danh ở Đông Nam Á trong cùng một hành trình. Do đó, nếu tham gia sáng kiến visa chung, Việt Nam có thể trở thành một phần liên tục trong lịch trình khám phá của những du khách đó, giúp họ có được sự thuận lợi trong đi lại xuyên biên giới mà không bị rườm rà với thủ tục nhiều lần xin visa.
Bà Marisa Sukosol Nunbhakdi, cựu Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Thái Lan, nhận định một loại visa chung có thể thu hút những du khách từ các nước khác đưa ra quyết định dễ dàng hơn. Bà cho biết, bất kỳ chương trình mới nào cũng nên cấp thị thực có thời hạn 90 ngày để giúp khách du lịch có thể dành nhiều thời gian hơn ở mỗi quốc gia mà họ chọn đến thăm.
Tuy nhiên, việc đưa sáng kiến này đi vào thực tế có thể sẽ cần nhiều thời gian hơn. Mỗi quốc gia Đông Nam Á có chính sách và phí thị thực riêng. Việc áp dụng visa chung theo dạng Schengen đòi hỏi sự hợp tác và thỏa hiệp giữa các quốc gia, cũng như đạt được sự cân bằng trong chính sách giữa các nước.
Theo ông Thitinan Pongsudhirak, Giáo sư tại khoa khoa học chính trị của Đại học Chulalongkorn, đối với chương trình visa chung, việc phê duyệt phải có sự phối hợp đồng đều và việc thiếu các tiêu chí nhập cư tiêu chuẩn giữa các quốc gia tham gia sẽ đặt ra nhiều thách thức. Bên cạnh đó, mối quan tâm về an ninh cũng là yếu tố quan trọng. Việc tiêu chuẩn hóa các giao thức bảo mật dữ liệu trên sáu quốc gia là điều cần thiết để đảm bảo một hệ thống thị thực mạnh mẽ. Do đó, việc phát triển cơ sở hạ tầng và hậu cần cho hệ thống dữ liệu này có thể mất nhiều thời gian, nguồn vốn và nguồn nhân lực cần thiết.
KỲ VỌNG CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT
Sáng kiến visa chung 6 nước của Thái Lan nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của các chuyên gia trong và ngoài ngành tại Việt Nam. Theo đó, việc sử dụng visa chung cho 6 nước kể trên được cho là rất có lợi, khi Việt Nam hiện đang có đường bay thẳng đến Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Yangon (Myanmar)… Việc áp dụng visa chung cũng sẽ thúc đẩy thêm về du lịch đường bộ qua đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp xây dựng tour đường bộ liên tuyến Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, Myanmar, Malaysia.
Khu vực thị thực chung 6 quốc gia cũng được kỳ vọng sẽ giúp tăng sức cạnh tranh du lịch của 6 nước so với các cường quốc du lịch ở châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Hiện tại, Thái Lan đang miễn visa cho khách đến từ hơn 80 quốc gia, trong khi đó, Việt Nam mới miễn visa đối với khoảng 30 nước. Nếu tham gia chính sách visa chung sẽ là bước nhảy vọt với sự cải thiện chính sách visa du lịch của Việt Nam.
Dưới góc độ doanh nghiệp lữ hành chuyên đón khách quốc tế, bà Phạm Phương Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP truyền thông Du Lịch Việt cho biết: Việt Nam là nước có nhiều cơ hội đón khách khu vực “thị thực chung” hoặc điểm cuối hành trình, vì có lợi thế 10 sân bay quốc tế và mạng bay rộng khắp cả nước. Giao thông đường bộ cũng khá thuận lợi. Đây chính là cơ hội nâng cao vị thế cho ngành du lịch bằng tiềm năng và tài nguyên du lịch sẵn có.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc An, đại diện doanh nghiệp Vietlux Tour, cho biết: "Đề xuất chung thị thực sẽ tạo cơ hội cho du lịch Việt Nam trong việc thu hút khách trong khối ASEAN. Khách tham quan cũng được hưởng lợi bởi có thể đi nhiều nước thuận tiện, không tốn thêm chi phí xin visa. Theo quan điểm của tôi, Việt Nam nên tham gia cùng Thái Lan. Hiện nay, thị trường du lịch Đông Nam Á đang có sức cạnh tranh khốc liệt. Nếu khi thành lập khối thị thực chung mà không có Việt Nam, ngành du lịch nước ta sẽ càng khó khăn hơn khi ganh đua với các thị trường đối thủ trong khu vực".
Đại diện các doanh nghiệp cũng nhận định rằng khi số lượng khách từ Thái Lan được chia sẻ tới thị trường Việt, các khách sạn, công ty du lịch sẽ có thêm nguồn thu nhập lớn, từ đó có thêm động lực để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo ở nước ta. "Tuy nhiên, muốn tăng sức cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam so với của các nước trong khu vực, trước tiên doanh nghiệp du lịch cần nâng chất sản phẩm, còn các điểm đến cần giải quyết vấn nạn chặt chém du khách, ô nhiễm môi trường du lịch. Các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá truyền thông cho các sản phẩm đặc trưng, đặc thù của Việt Nam", ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông TST Tourist, đề xuất.
Ở góc độ cơ quan quản lý du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết việc xem xét, tiến tới thực hiện visa chung 6 nước cần cân nhắc các yếu tố chính trị ổn định, đảm bảo các vấn đề quốc phòng - an ninh, ngoại giao của tất cả các nước trong nhóm nước đề xuất visa chung. Mặt khác, cần xem xét tính khả thi của đề xuất, bởi trong thực tế, hợp tác du lịch khu vực, cơ chế hợp tác 5 nước ACMECS (Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan) đã nhiều lần đưa ra sáng kiến visa chung, nhưng đến nay chưa thực hiện được.