Thị thực Schengen tăng giá từ ngày 11/6
Từ 11/6, phí thị thực Schengen tăng 12% từ 80 lên 90 euro (gần 2,5 triệu đồng) với người lớn, trẻ em từ 40 lên 45 euro. Ủy ban châu Âu giải thích việc tăng giá thị thực là do lạm phát ở các quốc gia thành viên…
Khối Schengen gồm 29 thành viên, trong đó có các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) ngoại trừ Ireland và đảo Cyprus. Na Uy, Iceland, Lichtenstein, Thụy Sĩ không thuộc EU nhưng cũng tham gia Công ước Schegen. Bulgaria và Romania đã gia nhập một phần Schengen vào 31/3, cho phép đi lại bằng đường hàng không và biển mà không cần thị thực và hộ chiếu. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát đường bộ vẫn được duy trì.
Khách có thị thực Schengen có thể đi lại tự do giữa các nước trong khối với mục đích du lịch, thăm thân nhưng không được phép làm việc. Với thị thực Schengen, du khách có thể nhập cảnh và lưu trú tối đa 90 ngày trong 6 tháng. Ủy ban châu Âu thường đánh giá lại các khoản phí visa 3 năm một lần và được phép tăng dựa trên các "tiêu chí khách quan" như tỷ lệ lạm phát, mức lương trung bình của công chức tại các quốc gia thành viên.
Việc tăng giá visa được đề xuất vào ngày 2/2 và đông đảo các quốc gia thành viên ủng hộ. Cơ quan này nhận định mức thu phí hiện tại vẫn "tương đối thấp" so với các quốc gia khác, chẳng hạn thị thực ở Anh Quốc có giá 134 euro (khoảng 3,6 triệu đồng), Mỹ thu 185 euro (gần 5,1 triệu đồng) còn Australia thu 117 euro (xấp xỉ 3,2 triệu đồng) từ du khách, theo Euronews. Trong khi phí cấp thị thực Schengen tăng, thì phí gia hạn visa vẫn giữ nguyên giá 30 Euro (820.000 đồng).
Hiện thị thực Schengen được cấp miễn phí cho 6 đối tượng: Trẻ em dưới 6 tuổi; Học sinh, sinh viên, sinh viên sau đại học và giáo viên đi kèm các chuyến đi cho mục đích học tập hoặc đào tạo giáo dục; Nhà nghiên cứu từ các nước thứ ba sang khối Schengen với mục đích thực hiện nghiên cứu khoa học; Vợ, chồng, con cái thuộc khối EU/EEA (EEA: Nauy, Iceland, Lichtenstein), hôn nhân dưới 21 tuổi phải được các nước đối tác EU công nhận; Người có hộ chiếu ngoại giao và Đại diện tổ chức phi lợi nhuận dưới 25 tuổi đến khu vực Schengen tham gia hội thảo, hội nghị, sự kiện thể thao, văn hóa, giao dục,... do tổ chức phi lợi nhuận tổ chức.
Trước đó, ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua chính sách điều chỉnh, theo đó những người đăng ký thị thực thăm các nước trong khối Schengen của châu Âu sẽ được cấp loại giấy tờ này theo hình thức trực tuyến. Việc chuyển đổi sang số hóa quy trình cấp visa sẽ giúp những người đăng ký không phải hẹn trước tại các lãnh sự quán hoặc văn phòng cung cấp dịch vụ để dán visa lên hộ chiếu của họ.
Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha Fernando Grande-Marlaska, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch EU, cho biết hệ thống thị thực kỹ thuật số sẽ đơn giản hóa quy trình nộp đơn cho khách du lịch. Sau khi quy định này được áp dụng, những người đăng ký lưu trú ngắn hạn ở khu vực Schengen sẽ tải lên các tài liệu, dữ liệu và bản sao điện tử hồ sơ du lịch của họ cùng thông tin sinh trắc học và trả phí, tất cả đều thông qua một nền tảng trực tuyến.
Nếu được phê duyệt sau khi kiểm tra chéo cơ sở dữ liệu, họ sẽ nhận được một mã số để in ra hoặc lưu trữ trong thiết bị. Tuy nhiên, một số người nộp đơn xin cấp visa lần đầu hoặc những người có hộ chiếu mới hoặc dữ liệu sinh trắc học đã thay đổi có thể vẫn phải tuân thủ trình tự cấp thủ tục như trước đây.
Trong hầu hết các trường hợp, công dân từ hơn 60 quốc gia trên thế giới, bao gồm Australia, Anh, Canada, New Zealand và Mỹ, không cần phải xin thị thực Schengen cho những chuyến du lịch ngắn ngày. Tuy nhiên, họ sẽ vẫn phải tuân thủ việc đăng ký trực tuyến để được sàng lọc trước theo Hệ thống Thông tin và Cấp phép du lịch châu Âu (ETIAS), tương tự như Hệ thống điện tử cấp phép du lịch (ESTA) của Mỹ.
Trở thành một phần của khu vực Schengen, đồng nghĩa với việc các nước sẽ không tiến hành các biện pháp kiểm tra tại biên giới nội bộ quốc gia, ngoại trừ trường hợp cho thấy có mối đe dọa cụ thể. Tuy nhiên, các nước Schengen sẽ thực hiện việc kiểm soát tại biên giới chung bên ngoài dựa trên các quy tắc chung của Schengen.
Khu vực Schengen đảm bảo quyền tự do đi lại cho hơn 425 triệu công dân EU, cùng với những công dân không thuộc EU nhưng có mặt hợp pháp tại EU, bao gồm những người đang sinh sống ở EU hoặc đến thăm EU với tư cách là khách du lịch, sinh viên trao đổi hoặc vì mục đích kinh doanh.