09:57 06/06/2024

Du lịch đêm: Tránh tình trạng "không làm thì thiếu nhưng làm xong có khi lại bỏ"

Đỗ Phong

Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các tỉnh/thành phố thực hiện thí điểm mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 địa phương là địa bàn trọng điểm phát triển du lịch. Tuy nhiên, đây là vấn đề còn mới và rất khó, cần nghiên cứu có giải pháp phát triển phù hợp...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao, và du lịch Nguyễn Văn Hùng chiều ngày 5/6, đại biểu Vũ Thị Liên Hương, đoàn Quảng Ngãi, cho rằng với điều kiện tự nhiên, khí hậu và thời tiết của Việt Nam, “du lịch đêm” là một hướng đi đúng đắn để phát triển du lịch.

Tuy nhiên hiện nay, sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm đa dạng, đặc sắc để thu hút và giữ chân du khách, mặt khác tiềm ẩn các nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội…

CHỌN 12 TỈNH, THÀNH PHỐ THÍ ĐIỂM PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐÊM

Giải đáp vấn đề phát triển sản phẩm du lịch đêm, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, trong đó có giao nhiệm vụ cho Bộ xây dựng thí điểm, ban hành một số sản phẩm du lịch đêm.

 Theo ông Hùng, Bộ lựa chọn 12 tỉnh, thành phố để tập trung thực hiện một số sản phẩm du lịch ban đêm. Nhìn lại từ khi ban hành đề án, với sự nỗ lực của Bộ và các địa phương trong vùng trọng điểm kinh tế du lịch, thường xuyên có khách quốc tế việc phát triển sản phẩm du lịch đêm đã có những tín hiệu bước đầu tích cực.

Ví dụ như Hà Nội, Ninh Bình, TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh khác đã tìm thấy nhiều sản phẩm du lịch đêm thu hút và đáp ứng được nhu cầu của du khách. Các sản phẩm này tập trung loại hình văn hóa, phố đi bộ thưởng ngoạn các chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật đường phố, ẩm thực đường phố…

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Một số sản phẩm du lịch đêm nổi bật được các địa phương xây dựng, như "Tour đêm Văn Miếu- Quốc Tử Giám- tinh hoa đạo học", "Đêm Hà Nội- điểm chạm của những xúc cảm", "Đêm cố đô Hoa Lư- Ninh Bình" ,"Quận 1- Sắc màu đêm Sài Gòn"...

Tuy nhiên ông Hùng phân trần, đây là vấn đề mới và khó. Du lịch là ngành mũi nhọn nhưng là sản phẩm của ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành.

Theo đó, để giải bài toán căn cơ phát triển kinh tế du lịch đêm, ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng các địa phương cần giải bài toán quy hoạch, xác định rõ khu vực/địa điểm phát triển kinh tế đêm và phải nghiên cứu thị trường. Cùng với đó, cần có chính sách, chế độ cho những người tham gia phát triển kinh tế đêm, du lịch đêm (như diễn viên biểu diễn chương trình nghệ thuật, lực lượng đảm bảo an ninh trật tự...)

Nhấn mạnh vấn đề cần phải  nghiên cứu thị trường, Bộ trưởng cho rằng điều này tránh tình trạng "không làm thì thiếu nhưng làm xong có khi lại bỏ", rất lãng phí. Thực tế có những địa phương đã phát triển xong khu vực kinh tế du lịch đêm nhưng chỉ được một thời gian ngắn, sau đó lượng khách hạn chế, dịch vụ không bán được.

Đưa ra hướng tiếp cận trong thời gian tới, ông Hùng cho biết Bộ sẽ gợi mở một số nhóm sản phẩm dựa trên văn hóa từng địa phương  để thiết kế tạo trải nghiệm cho du khách; phát triển các loại hình ẩm thực, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, mở các cửa hiệu đáp ứng nhu cầu mua sắm.

Nếu làm được những việc này, sản phẩm du lịch đêm sẽ tránh đơn điệu và thành công hơn. Ông Hùng nhấn mạnh: “muốn làm được phải dựa trên các yếu tố từ quy hoạch đến đào tạo… thì khi đó sản phẩm du lịch đêm mới trở thành hiện thực. Nếu không sẽ rất khó khăn sau những thành công bước đầu.

HÃY TẬP TRUNG LÀM DU LỊCH NGÀY THẬT TỐT, SAU ĐÓ CÓ THÊM SẢN PHẨM DU LỊCH BAN ĐÊM

Có cùng quan tâm vấn đề này, đại biểu Lưu Bá Mạc, đoàn Lạng Sơn, cho rằng các sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu, chủ yếu là hình thức phố đi bộ, khu mua sắm, khu ẩm thực đêm, chợ đêm và một số hoạt động giải trí. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp trong đổi mới sản phẩm du lịch đêm cũng như lộ trình của việc thí điểm, nhân rộng loại hình du lịch này trong thời gian tới?.

Về sản phẩm du lịch đêm, Bộ trưởng nêu rõ hiện tại không có vướng mắc bởi quy hoạch vùng, địa phương đã được phê duyệt và các địa phương cũng đã công bố quy hoạch. Trong quy hoạch đã đề cập rất rõ các dự án dành cho du lịch, khu vực làm du lịch…Điều quan trọng là việc lựa chọn các dự án nào để tập trung phát triển làm du lịch đêm…Đây là thẩm quyền của địa phương.

Du lịch đêm: Tránh tình trạng "không làm thì thiếu nhưng làm xong có khi lại bỏ" - Ảnh 1

Còn gói sản phẩm về du lịch đên mà Bộ đưa ra chỉ mang tính chất hướng dẫn, thí điểm ở 12 tỉnh thành phố, ở các điểm lớn. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành văn hóa, thể thao và du lịch nhấn mạnh "phải xác định nguyên lý của thị trường: bán sản phẩm dịch vụ người dùng cần, chứ không phải bán cái mà mình có".

Ông Hùng nói thêm: sản phẩm du lịch ban đêm còn phụ thuộc vào thị hiếu, tập quán, thói quen, nhu cầu của nhiều loại khách khác nhau. Do đó, cần phải phân loại, phân tầng, phân nhóm, phân hạng, sau đó thiết kế các gói phù hợp. Qua tìm hiểu kinh nghiệm của một số nước triển khai gói sản phẩm du lịch đêm theo phân khúc thị trường để lựa chọn, và làm ở các điểm có tính trọng yếu.

Nhấn mạnh đây là vấn đề mới và khó, cần nghiên cứu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tin tưởng sau quyết định của Thủ tướng, và sự vào cuộc của các địa phương, chúng ta sẽ dần định hình và làm được.

“Chúng ta hãy tập trung làm du lịch ngày cho thật tốt, sau đó có thêm một số sản phẩm du lịch ban đêm phụ trợ đi kèm. Đây cũng là cách để níu kéo du khách”, Bộ trưởng Hùng nói.

Tranh luận vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Thân, đoàn Thái Bình, cho rằng đây là vấn đề cần được quan tâm nhằm góp phần vào tăng trưởng GDP. Việc phát triển kinh tế ban đêm cũng có thể giao cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư và triển khai.

Trong báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đánh giá việc phát triển sản phẩm du lịch đêm vẫn thiếu các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư. Sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu, chủ yếu diễn ra dưới hình thức khu phố đi bộ, khu mua sắm, khu ẩm thực đêm, chợ đêm, một số hoạt động nghệ thuật, giải trí trong và ngoài đường phố vào ban đêm.

Trong khi đó, quy hoạch không gian riêng cho du lịch đêm, nhận thức về phát triển du lịch đêm còn hạn chế. Các địa phương chưa có chiến lược hoặc kế hoạch riêng cho phát triển kinh tế đêm; chưa có cơ chế đặc thù hơn cho các hoạt động mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí vào ban đêm.

Thời gian tới, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các tỉnh/thành phố thực hiện thí điểm mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 địa phương là địa bàn trọng điểm phát triển du lịch.

Trong đó tập trung xây dựng dựng Quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch đêm; Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách phát triển sản phẩm du lịch đêm; tổ chức triển khai và quản lý các hoạt động du lịch đêm; thu hút nguồn lực đầu tư…