21:24 21/11/2023

Thị trường giằng co và xu hướng vẫn chưa rõ ràng

Hà Anh

Sau nhịp tăng điểm đầu phiên, VN-Index diễn biến rung lắc trong phiên trước khi lấy lại được hầu hết thành quả tăng điểm về cuối phiên.

Theo KBSV, mặc dù cơ hội mở rộng thêm nhịp hồi phục vẫn để ngỏ với vùng kháng cự gần đặt tại 111x nhưng xu hướng giảm điểm vẫn đóng vai trò chủ đạo sẽ gây ra rủi ro đảo chiều cho chỉ số.
Theo KBSV, mặc dù cơ hội mở rộng thêm nhịp hồi phục vẫn để ngỏ với vùng kháng cự gần đặt tại 111x nhưng xu hướng giảm điểm vẫn đóng vai trò chủ đạo sẽ gây ra rủi ro đảo chiều cho chỉ số.

VnEconomy giới thiệu nhận định và khuyến nghị đầu tư của một số công ty chứng khoán về diễn biến thị trường ngày 22/11/2023.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/11, VN-Index tăng 6,8 điểm, đóng cửa 1.110,46 điểm. HNX-Index tăng 2,02 điểm, đóng cửa 229,8 điểm.

Thị trường giằng co và xu hướng vẫn chưa rõ ràng

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC)

"Thị trường giằng co trong vùng 1,105 – 1,110 cả ngày hôm nay trước khi đóng cửa tại mốc 1.110,46 điểm, tăng gần 7 điểm so với hôm qua. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 18/18 ngành tăng điểm, trong đó ngành dẫn đầu đà tăng hôm nay là Dầu khí, theo sau là Công nghệ thông tin, Xây dựng và vật liệu…

Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này bán ròng trên sàn HSX và mua ròng trên sàn HNX. Hiện tại xu hướng thị trường vẫn chưa rõ ràng, nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng trong những phiên tới” .

VN-Index đang test lại ngưỡng hỗ trợ 1.100 điểm

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội - SHS)

"Thị trường tiếp tục phục hồi tích cực sau phiên giảm điểm mạnh, VN-Index tăng +6,80 điểm (+0,62%), đóng cửa ở 1.110,46 điểm, duy trì trên vùng hỗ trợ 1.100 điểm và hướng đến đường giá trung bình MA200. Thị trường vẫn đang hình thành khu vực cân bằng cho quá trình tích lũy.

Xét dưới góc nhìn ngắn hạn, với trạng thái hồi phục tích cực đang được duy trì, chúng tôi cho rằng khu vực cân bằng mới để tích lũy có khả năng trong vùng điểm số 1.100 điểm -1.150 điểm. Tuy nhiên nhịp hồi phục này mang tính kỹ thuật với động lực tăng chưa thực sự bền vững.

Về góc nhìn trung hạn, sau giai đoạn giảm sâu, thị trường cần vận động để tiến tới vùng cân bằng mới và tích lũy lại, với biên độ giao động rộng nên thời gian hình thành nền mới sẽ kéo dài. Chúng tôi đánh giá nhiều khả năng VN-Index sẽ vận động kéo dài trong khu vực 1.100 điểm- 1.150 điểm để hình thành nền tích lũy trung hạn.

Tình hình vĩ mô trong nước mặc dù ổn định với thống kê tăng trưởng GDP các quý đang tăng dần nhưng tốc độ tăng trưởng không đạt kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng yếu cho thấy nền kinh tế đang có khả năng hấp thụ vốn thấp, những khó khăn đối với thị trường BDS và đặc biệt là thị trường trái phiếu vẫn chưa có bước chuyển biến căn cơ.

Tình hình kinh tế toàn cầu hiện cũng đang khó lường khi kinh tế toàn cầu vẫn bất ổn và tăng trưởng thấp đặc biệt là khu vực EU có nhiều nền kinh tế bước vào suy thoái như Đứcc, Hà Lan... Việc giá năng lượng có xu hướng tăng khi mùa đông đang đến gần cũng tạo thêm nguy cơ lạm phát tiếp tục tăng trở lại. Với tình trạng vĩ mô tốt xấu đan xen, việc thị trường hướng tới vận động tìm điểm cân bằng lại để tích lũy là phù hợp.

Thị trường trong ngắn hạn đang vận động lỏng lẻo nhưng nhịp hồi phục đã hình thành như chúng tôi dự báo. VN-Index đang test lại ngưỡng hỗ trợ 1.100 điểm và nếu kiểm định thành công thì có thể nối dài đà hồi phục lên ngưỡng cản gần nhất là 1.150 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể giải ngân khi chỉ số kiểm định hỗ trợ thành công tuy nhiên tỷ trọng cổ phiếu được khuyến nghị ở mức trung bình thấp do đây là nhịp hồi, không phải xu hướng uptrend tiếp diễn.

Với tầm nhìn trung, dài hạn, chúng tôi đánh giá rủi ro trung dài hạn không cao khi thị trường dù mất xu hướng uptrend nhưng đang tìm điểm cân bằng mới và tích lũy lại. Nhà đầu tư trung hạn có thể chờ đợi các nhịp điều chỉnh để xem xét giải ngân khi mặt bằng giá vẫn đang ở vùng hấp dẫn. Hướng giải ngân nên lựa chọn các cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng ổn định đang vận động trong trạng thái tích lũy hiện nay".

Xu hướng giảm điểm vẫn đóng vai trò chủ đạo sẽ gây ra rủi ro đảo chiều cho chỉ số

(Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam - KBSV)

“Sau nhịp tăng điểm đầu phiên, VN-Index diễn biến rung lắc trong phiên trước khi lấy lại được hầu hết thành quả tăng điểm về cuối phiên. Việc hình thành mẫu nến rút chân cho thấy bên mua đang tạm thời giữ thế chủ động, tuy nhiên việc khối lượng giao dịch sụt giảm, đi kèm với tín hiệu luân chuyển của dòng tiền sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cho thấy động lực tích lũy chưa thực sự thuyết phục. Mặc dù cơ hội mở rộng thêm nhịp hồi phục vẫn để ngỏ với vùng kháng cự gần đặt tại 111x nhưng xu hướng giảm điểm vẫn đóng vai trò chủ đạo sẽ gây ra rủi ro đảo chiều cho chỉ số.

Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong những phiên hồi phục, chỉ trải lệnh mở lại từng phần vị thế ngắn hạn quanh các vùng hỗ trợ, gần là quanh 1065 (+-10) và sâu hơn là 1000 (+- 15)”.

Thị trường vẫn có thể xuất hiện các nhịp điều chỉnh

(Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam – YSVN)

“Chúng tôi cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể sẽ thử thách các đường trung bình 200 và 50 phiên trong những phiên tới. Đồng thời, thị trường vẫn có thể xuất hiện các nhịp điều chỉnh khi áp lực chốt lời gia tăng ở các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đã tăng mạnh trong thời gian qua, đặc biệt các chỉ số chính tăng vào vùng kháng cự của các đường trung bình. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục đi ngang cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn thận trọng với diễn biến thị trường hiện tại, chưa kể thanh khoản vẫn đang ở mức thấp cho thấy các nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường ở các nhịp tăng mạnh và trạng thái giằng co có thể sẽ còn tiếp diễn trong những phiên giao dịch tới.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao và ưu tiên mua vào các cổ phiếu đang nắm giữ tại các nhịp điều chỉnh”.

Động lực tăng điểm ở VN-Index chưa đủ mạnh và có thể rung lắc trên vùng 1.110

(Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI – SSI)

“VN-Index đóng cửa tại 1.110,46 điểm, tăng +6,8 điểm (+0,62%). KLGD tiếp tục giảm khi chỉ khớp lệnh 601,8 triệu đơn vị.

Trên biểu đồ, VN-Index hồi phục tiếp diễn nhưng chưa thể vượt qua đường trung bình EMA 36 tại 1.112. Những chỉ báo kỹ thuật như RSI duy trì tín hiệu trung tính, ADX thể hiện sức mạnh thị trường ở mức suy yếu. Như vậy, động lực ở chỉ số VN-Index chưa đủ mạnh và có thể rung lắc trên vùng 1.110 trong ngắn hạn với vùng dao động dự kiến 1.097 - 1.115”.

Hiện tại VN-Index vẫn sẽ có xu hướng tích lũy

(Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - VCBS)

“Về góc nhìn kỹ thuật, hầu hết các chỉ báo tại thời điểm hiện tại đều đang bẻ ngang và chưa cho tín hiệu mới. Với diễn biến hiện tại, VN-Index vẫn sẽ có xu hướng tích lũy, giao dịch sideway với biên độ từ 1090 – 1130 trong ngắn hạn.

Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục duy trì chiến lược giao dịch ngắn hạn với các cổ phiếu đã khả dụng trong danh mục và tạm thời chưa cần hạ tỷ trọng cổ phiếu. Với diễn biến hiện tại, thị trường vẫn sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành, nhà đầu tư có thể tận dụng những nhịp rung lắc trong phiên để có thể lướt sóng T+”.

Dự báo, VN-Index có thể sẽ tiếp tục kiểm định kháng cự tại 1.111-1.115 điểm

(Công ty Cổ phần Chứng khoán VietCap – VCSC)

“Dự báo ngày mai, VN-Index có thể sẽ tiếp tục kiểm định kháng cự MA10 và MA200 tại 1.111-1.115 điểm. Nhưng nếu thanh khoản tiếp tục cho thấy xu hướng sụt giảm, nhiều khả năng VN-Index sẽ đảo chiều giảm trở lại từ ngưỡng kháng cự này sau đó. Ở kịch bản này, chỉ số đại diện sàn HOSE có thể cần kiểm định lại hỗ trợ MA20 ngày tại 1.085 điểm. Trong trường hợp hỗ trợ này bị vi phạm thì nhịp hồi phục bắt đầu tư cuối tháng 10 sẽ chính thức kết thúc”.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được VnEconomy trích dẫn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.