"Thiệt đơn, thiệt kép" vì không chịu thuế VAT, kiến nghị đưa phân bón vào diện chịu thuế 5%
Giới chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng phân bón được đưa vào diện chịu thuế VAT 5% sẽ đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp sản xuất phân bón, bà con nông dân và ngân sách. Điều này cũng tháo gỡ những nút thắt và sửa chữa sai lầm sau 10 năm đưa phân bón vào đối tượng không chịu thuế VAT...
Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 đang diễn ra và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (diễn ra vào tháng 10/2024). Tại dự thảo này, phân bón được đề xuất chuyển từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (được quy định tại Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế) sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (thuế VAT), với thuế suất 5%.
HẬU QUẢ CỦA 10 NĂM KHÔNG ĐÁNH THUẾ VAT PHÂN BÓN
Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế VAT. Trong quá trình thực hiện quy định này, các doanh nghiệp sản xuất phân bón kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi quy định này do doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định) phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng, lợi nhuận giảm; đồng thời, chịu bất lợi trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Khó khăn về nguồn vốn nên doanh nghiệp không chủ động trong đầu tư, mở rộng sản xuất.
Cùng với kiến nghị của doanh nghiệp sản xuất phân bón, Bộ Tài chính cũng nhận được kiến nghị của Bộ Công Thương, Hiệp hội phân bón phản ánh khó khăn của doanh nghiệp sản xuất phân bón và đề nghị chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế VAT thuế suất 5%.
Chia sẻ tại tọa đàm “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 14/6, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), nói về bước ngoặt đưa phân bón từ diện chịu thuế VAT 5% chuyển sang đối tượng không chịu thuế VAT trước đây. Điều này dẫn đến những hệ luỵ khó đong đếm với ngành phân bón và người nông dân trong suốt 10 năm qua.
Ông Phụng kể rằng năm 2008 khi Quốc hội thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng, phân bón và máy móc thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp đang áp dụng thuế 5%.
Cũng trong giai đoạn này, trải qua khủng hoảng châu Á - Thái Bình Dương, kinh tế trong nước gặp khó khăn từ năm 2012-2013. Vì vậy, nhiều chính sách khuyến khích nông nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho ngành nông nghiệp được đề xuất và những vật tư nông nghiệp đầu vào, trong đó có phân bón cần được áp thuế thấp hơn, với mục đích tốt là tạo điều kiện cho bà con nông dân mua phân bón giá rẻ và doanh nghiệp cũng vượt khó, duy trì hoạt động sản xuất.
“Lúc đó, nhiều hiệp hội ngành hàng kiến nghị đưa phân bón về diện không chịu thuế. Với tư cách cán bộ làm chính sách của Bộ Tài chính, tôi khuyến cáo rằng không thể đưa vào diện không chịu thuế được, vì theo thông lệ quốc tế và cam kết quốc tế, chúng ta chỉ áp dụng cho hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu, theo đúng nguyên tắc của thuế VAT”.
Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế)
Tuy nhiên, tại thời điểm đó, các hiệp hội ngành hàng, các cơ quan nghiên cứu, các viện các trường không đủ thông tin, dữ liệu để chứng minh trước Quốc hội việc áp thuế 5% hay không chịu thuế có lợi hơn.
Hơn nữa, lúc đó, luật thông qua tại 1 kỳ họp và Luật số 71 là một luật sửa nhiều luật nên với thời gian ngắn ngủi và số liệu thông tin thiếu cụ thể, các đại biểu Quốc hội đã "bấm nút" đưa phân bón từ mức thuế 5% về không chịu thuế.
Gắn bó với ngành nông nghiệp tới tận khi về hưu, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng thấm thía những khó khăn qua 10 năm thực hiện Luật số 71.
“Mười năm không áp thuế VAT, ngành nông nghiệp vừa thiệt đơn vừa thiệt kép, nông dân là đối tượng phải gánh chịu”, ông Ngọc giãi bày.
Cụ thể, mặt hàng phân bón thuộc đối tượng “không chịu thuế VAT” theo Luật số 71. Vì vậy, các doanh nghiệp phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào là hàng hoá, dịch vụ, thiết bị máy móc, đầu tư cho sản xuất phân bón. Chính vì không được khấu trừ nên các hoạt động sản xuất phân bón phải tính vào chi phí và giá thành sản phẩm, tác động đẩy giá phân bón lên.
Vậy ai là người chịu thiệt? Chính là người nông dân, người sử dụng vật tư phải chịu chi phí gia tăng.
Trong khi đó, vật tư chiếm khoảng 40-60% giá thành của các sản phẩm nông nghiệp, đây cũng là đầu vào thiết yếu không thể thiếu nên tác động trực tiếp tới giá thành sản phẩm mà người nông dân làm ra.
Ngược lại, nếu được khấu trừ, sản phẩm được khấu trừ thuế VAT thì giá thành giảm xuống. Giá thành phân bón tăng khiến người nông dân phải chịu, đó là thực tế 10 năm qua.
Bên cạnh đó, giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng gây bất lợi trong cạnh tranh với sản phẩm phân bón nhập khẩu. Bức tranh tiêu thụ phân bón mỗi năm có thể phác hoạ như sau: ngành nông nghiệp tiêu thụ 11-12 triệu tấn phân bón, trong đó, sản phẩm sản xuất trong nước khoảng 8 triệu tấn, còn lại nhập khẩu, vì có những sản phẩm Việt Nam chưa sản xuất được.
Đáng nói, khi nhập khẩu thì gây cạnh tranh bất bình đẳng, doanh nghiệp các nước chịu thuế VAT nên được khấu trừ, do đó, giá nhập vào thấp hơn so với giá sản xuất trong nước. Điều này gây nên “thiệt đơn thiệt kép”.
“Trong bối cảnh này, có thể thấy bất cập của Luật số 71 với nền kinh tế nói chung, với ngành nông nghiệp và bà con nông dân nói riêng. Tất cả những yếu tố đó gây hệ luỵ tới sự phát triển đồng bộ của nền kinh tế”, ông Ngọc phân tích.
MẤT HÀNG NGHÌN TỶ, DOANH NGHIỆP NỘI CÒN CHỊU THIỆT TRÊN SÂN NHÀ
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần DAP – Vinachem, cho biết từ cuối năm 2014, doanh nghiệp nhận thức được khó khăn đối với hoạt động của doanh nghiệp và năm 2015 kiến nghị lên Tổng cục Thuế đề nghị xem xét, điều chỉnh quy định Luật số 71. Tuy nhiên, thời điểm đó luật mới ban hành nên cần thời gian để đánh giá.
“Sau 10 năm, chúng ta đã đủ trải nghiệm, số liệu, căn cứ để đánh giá. Là một trong hai đơn vị sản xuất phân bón DAP tại Việt Nam, toàn bộ chi phí đầu vào phải tính vào giá thành sản xuất, hàng năm ước tính vào chi phí sản xuất tăng thêm khoảng 7-8%, mỗi năm mất trên dưới 100 tỷ đồng. Như vậy, luỹ kế 10 năm mất tới con số hàng nghìn tỷ đồng”.
Ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần DAP – Vinachem.
Lãnh đạo công ty lý giải, khi giá thành sản xuất tăng song bán trên thị trường không điều chỉnh được do có sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu.
Cụ thể, người nhập khẩu phân bón không phải chịu thuế VAT nên có điều kiện để giảm giá bán, trong khi đó, hàng sản xuất trong nước lại bị tăng giá thành.
Vì vậy, ngành sản xuất phân bón trong nước thời gian qua không làm chủ được thị trường mà phải theo luật chơi của phân bón nhập khẩu.
Phân bón nhập khẩu hình thành giá mặt bằng chung trên thị trường, Công ty DAP – Vinachem bắt buộc phải chấp nhận theo. Rõ ràng, giá thành tăng lên nhưng giá bán không thể điều chỉnh theo.
“Đó là khó khăn lớn với công ty và cũng là nguyên nhân khiến sản xuất kinh doanh sụt giảm”, ông Trung chia sẻ.
Điều này cũng hạn chế sự phát triển, không thúc đẩy sản xuất, làm cho doanh nghiệp không có động lực để tăng đầu tư, tái đầu tư, nâng cao quy mô sản xuất và chất lượng sản phẩm. Bà con nông dân cũng thiệt hại khi không được sử dụng sản phẩm tốt hơn.
Lãnh đạo Công ty DAP – Vinachem kỳ vọng Luật số 71 lần này sửa đổi theo hướng đưa phân bón vào danh mục hàng chịu thuế. Theo đó, đối với doanh nghiệp và ngành sản xuất phân bón trong nước sẽ hưởng nhiều tác động tích cực.
Thứ nhất, giảm chi phí thuế đầu vào dẫn tới giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Từ cơ hội này, ngành sản xuất phân bón trong nước sẽ có sự cạnh tranh với phân bón nhập khẩu tốt hơn và mong muốn chiếm lĩnh được thị trường, gia tăng thị phần. Khi đó, doanh nghiệp sẽ điều chỉnh được giá bán, tăng hậu mãi cho người nông dân.
Thứ hai, doanh nghiệp sẽ có nguồn lực để gia tăng đầu tư, tái đầu tư, nâng cấp, sửa chữa máy móc thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất. Đây là tiền đề rất quan trọng đối với ngành sản xuất phân bón trong nước. Đây cũng là tạo tiền đề để người nông dân được sử dụng phân bón chất lượng hơn.
“Lỗi của chúng ta là năm 2014 không có đầy đủ thông tin, số liệu để báo cáo Quốc hội rằng phân bón chịu thuế 5% tốt hơn không chịu thuế, bởi mức thuế này không thể áp dụng với hàng sản xuất trong nước, đó là nguyên tắc và thông lệ quốc tế. Thay vì vậy, thuế VAT thấp ở mức độ vừa phải sẽ có lợi hơn rất nhiều so với chuyển vào nhóm đối tượng không chịu thuế VAT. 10 năm qua đã cho chúng ta bức tranh toàn cảnh.
Tôi đề nghị Hiệp hội phân bón bố trí buổi làm việc, để tôi đưa ra thông tin nếu áp thuế VAT 5% giả định thì thu ngân sách, đầu vào, đầu ra, giá bán như thế nào. Chúng ta cũng có cơ hội giảm giá cho bà con, do đầu vào được khấu trừ, đầu ra thông thương với thế giới. Đồng thời, phải giải thích cho nông dân áp dụng thuế VAT 5% là người dân hưởng lợi chứ không phải giá phân sẽ tăng lên 5%. Chúng tôi đề nghị doanh nghiệp giữ nguyên giá hoặc hạ giá bán cho bà con”.