15:52 13/12/2023

Mạnh tay với các gian lận thuế, dự kiến sửa đổi nhiều quy định trong Luật Thuế giá trị gia tăng

Ánh Tuyết

Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) dự kiến sẽ được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật năm 2024. Bộ Tài chính đề xuất 4 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng luật, trong đó, nổi bật là thu hẹp đối tượng không chịu thuế, chịu thuế 5%; sửa đổi các quy định để ngăn gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng, trốn thuế...

Hành vi gian lận ngày càng phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, cơ quan quản lý vẫn chưa thể giải quyết triệt để dù đưa ra nhiều giải pháp.
Hành vi gian lận ngày càng phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, cơ quan quản lý vẫn chưa thể giải quyết triệt để dù đưa ra nhiều giải pháp.

Dự kiến tại phiên họp thứ 28 sẽ diễn ra trong 3 ngày tới đây, từ ngày 13 - 14 và ngày 18/12/2023, đối với công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó có dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

THỦ ĐOẠN TINH VI ĐỂ GIAN LẬN THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

Một trong những điểm nhấn khi lần sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng lần này được cơ quan soạn thảo đặt nhiều kỳ vọng là ngăn chặn vấn nạn nan giải suốt nhiều năm qua, đó là gian lận thuế giá trị gia tăng tại các doanh nghiệp, gây tổn hại tới ngân sách nhà nước.

Theo Tổng cục Thuế, các hành vi gian lận thuế giá trị gia tăng ngày càng phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. 

Nêu rõ cách thức các đối tượng gian lận thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng, Tổng cục Thuế cho biết, một là, các doanh nghiệp thường lợi dụng kẽ hở trong các quy định để tăng thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ.

Theo Tổng cục Thuế, ban đầu, các hành vi không quá phức tạp khi các doanh nghiệp tìm cách lập hồ sơ hàng bán ra là hàng xuất khẩu, bởi thuế suất xuất khẩu hàng hóa là 0%.

Tuy nhiên, các hành vi ngày càng trở nên phức tạp hơn. Nhiều doanh nghiệp thành lập, đăng ký kinh doanh nhiều sản phẩm, hoạt động trong nhiều ngành nghề nhưng lại không có kho hàng hay trụ sở. Mục đích là bán hóa đơn giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp khác, tìm cách hợp thức hóa bán hàng buôn lậu trốn thuế và ăn chặn tiền hoàn thuế.

Bê bối trốn thuế từ vụ án xảy ra tại Thủ Đức House bóc trần thủ đoạn của doanh nghiệp. Theo đó, lợi dụng chính sách của Nhà nước về khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu linh kiện điện tử với thuế suất 0%, các đối tượng xuất khẩu số lượng lớn hàng hóa với trị giá cao bất thường hơn 3.600 tỷ đồng. Để hợp thức đầu vào, Thuduc House đã lập, ký 334 hợp đồng mua bán linh kiện điện tử trong nước với nhiều công ty có giá trị hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó tiền thuế giá trị gia tăng là 10%, chiếm đoạt hơn 365 tỷ đồng tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh.

Hai là, gian lận tăng thuế giá trị gia tăng đầu vào do doanh nghiệp có thể tự in ấn, sử dụng hóa đơn thuế giá trị gia tăng mua bán nội địa.

Lợi dụng kẽ hở này, nhiều doanh nghiệp dùng hóa đơn bất hợp pháp, bao gồm hóa đơn chưa hết giá trị sử dụng hoặc chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn giả hay hóa đơn của các đơn vị đã bị hủy bỏ địa chỉ kinh doanh để hợp thức hóa việc khấu trừ thuế giá trị gia tăng.

Vụ án liên quan đến đường dây mua bán trái phép hóa đơn lớn nhất cả nước dự kiến được Toà án nhân dân tỉnh Phú Thọ xử từ ngày 19/12 tới đây. Các đối tượng bán hơn 1 triệu hóa đơn giá trị gia tăng cho 88.053 đơn vị, tổ chức với tổng doanh số gần 64.000 tỷ đồng, tiếp tay các doanh nghiệp trốn thuế.

Ba là, doanh nghiệp thực hiện để gian lận thuế giá trị gia tăng là giảm thuế đầu ra. Một trong những hành vi sai phạm phổ biến là các doanh nghiệp sẽ bán hàng nhưng không xuất hóa đơn, mục đích là giấu doanh thu đầu ra để tránh nộp thuế, thậm chí là chiếm đoạt thuế.

Với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hay kinh doanh bất động sản thực hiện hành vi gian lận bằng cách xuất hóa đơn sớm, hoặc chưa thu tiền của khách hàng ngay cả khi dự án, dịch vụ đã được thực hiện. Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong hàng hóa tiêu dùng nội bộ, cố tình khai thiếu hoặc không khai thuế giá trị gia tăng đầu ra.

Bốn là, doanh nghiệp cố tình xác định sai thuế suất đối với dịch vụ, hàng hóa.

Theo đó, nhập nhèm thuế suất là một trong những chiêu trò cũng khá phổ biến của các doanh nghiệp trốn thuế. Nhiều doanh nghiệp cố tình kê sai thuế suất thuế đầu ra giá trị gia tăng của các mặt hàng chịu 10% thành mặt hàng chịu dưới 5%, có khi các mặt hàng chịu thuế lại được liệt kê vào mục mặt không chịu thuế. Một số doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa được ưu đãi thuế suất còn cố tình khai man để được hoàn thuế hoặc tăng khấu trừ.

Để có thể ngăn chặn được mầm mống gian lận, Tổng cục Thuế cho rằng bên cạnh việc cơ quan thuế cần tiếp tục siết chặt hơn trong công tác quản lý, vai trò tự giác chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế là rất quan trọng.

SỬA ĐỔI 4 NHÓM CHÍNH SÁCH

Bộ Tài chính cho biết, Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) được thông qua ngày 03/6/2008 tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khoá XII, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009 để thay thế cho Luật Thuế giá trị gia tăng năm 1997 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2003, năm 2005.

Trải qua 03 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2013, 2014 và năm 2016, Luật Thuế giá trị gia tăng xử lý các bất cập phát sinh trong thực tiễn và phù hợp với yêu cầu quản lý thuế trong từng giai đoạn.

Tuy nhiên, với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và xu hướng phát triển thời gian tới, chính sách thuế giá trị gia tăng hiện hành phát sinh một số hạn chế nhất định cần tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện để phát huy hơn nữa vai trò của thuế giá trị gia tăng.

Tại lần sửa đổi lần này, Bộ Tài chính đề xuất 4 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng luật.

Thứ nhất, mở rộng cơ sở thuế thông qua thu hẹp đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng và đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5%. Theo đó, một số hàng hóa, dịch vụ dự kiến chuyển sang đối tượng chịu thuế 5% hoặc 10%.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung các điều khoản nhằm thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt và ngăn chặn gian lận trong việc khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng, phòng chống rửa tiền, hạn chế gian lận để chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước.

Thứ ba, sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Giải pháp được Bộ Tài chính đưa ra là nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 5 và Điều 7 để sửa đổi, bổ sung một số quy định về đối tượng không chịu thuế và giá tính thuế để đồng bộ với quy định của các luật khác có liên quan như: Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật trồng trọt; Luật chứng khoán.

Thứ tư, sửa đổi để đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 8 để sửa đổi, bổ sung quy định về thuế suất đối với dịch vụ xuất khẩu để tránh vướng mắc trong thực hiện; nghiên cứu áp dụng mức thuế suất phổ thông phù hợp.