Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thiện Luật Thuế giá trị gia tăng, thêm 12 loại hàng chịu thuế
Chính phủ vừa có chỉ đạo Bộ Tài chính hoàn thiện lại Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), trình Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp sắp tới. Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính rà soát lại các đối tượng không chịu thuế và quy định mức doanh thu không chịu thuế của hộ, cá nhân kinh doanh...
Tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 04/2024, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến đối với dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Đây là dự án luật khó, phức tạp, có đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh rộng, tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của các tổ chức, cá nhân, người dân và doanh nghiệp.
RÀ SOÁT CÁC MẶT HÀNG
Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến; tăng cường tham vấn chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội, doanh nghiệp và đối tượng chịu sự tác động để hoàn thiện hồ sơ dự án luật.
Trong đó lưu ý, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế giá trị gia tăng phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế, bảo đảm minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của người dân, doanh nghiệp; đồng thời, khuyến khích hoạt động sản xuất trong nước, xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và thúc đẩy 03 động lực chủ yếu góp phần tăng trưởng kinh tế: tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.
Đối với những vấn đề chưa có tính ổn định cao hoặc trong quá trình thực hiện cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì quy định mang tính nguyên tắc và giao cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết để bảo đảm linh hoạt, chủ động điều chỉnh khi cần thiết như: quy định mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; quy định mức giá trị của chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua từng lần...
Về quy định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính nghiên cứu tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, rà soát đầy đủ các hàng hóa, dịch vụ/nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan trong từng lĩnh vực.
"Trường hợp cần thiết có thể xem xét, bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm đúng bản chất của hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng", Chính phủ đề nghị.
Về quy định dịch vụ xuất khẩu thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 0%, Bộ Tài chính tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá thực tiễn thi hành để nghiên cứu quy định tiêu chí, nguyên tắc phân loại, xác định dịch vụ xuất khẩu để làm cơ sở cho việc quy định các trường hợp dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%.
Theo đó, phải bảo đảm công bằng, đúng bản chất của dịch vụ xuất khẩu, đồng thời kết hợp hài hoà giữa yêu cầu quản lý nhà nước và lợi ích của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu.
Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành quy định 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Tại dự thảo luật sửa đổi lần này, Bộ Tài chính đề xuất vẫn giữ nguyên 26 nhóm này song thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Ngoài ra, dự thảo luật sửa đổi quy định mặt hàng phân bón, tàu khai thác thủy sản vùng khơi, vùng biển và một số loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng thành đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất 5%.
Ngoài ra, dự thảo luật bổ sung quy định cụ thể tên 4 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng để luật hóa các quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới luật (nghị định, thông tư).
Nội dung quy định tại khoản 24 Điều 5 dự thảo luật, đó là: bảo hiểm các công trình, thiết bị dầu khí, tàu chứa dầu mang quốc tịch nước ngoài do nhà thầu dầu khí, hoặc nhà thầu phụ nước ngoài thuê để hoạt động tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vùng biển chồng lấn mà Việt Nam và các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện đã thỏa thuận đặt dưới chế độ khai thác chung; vận chuyển người bệnh, dịch vụ cho thuê phòng bệnh, giường bệnh của các cơ sở y tế; xét nghiệm, chiếu, chụp, máu và chế phẩm máu dùng cho người bệnh; vận chuyển hành khách công cộng bằng tàu điện, phương tiện đường thủy nội địa; sản phẩm nhân tạo là bộ phận cấy ghép lâu dài trong cơ thể người...
Bộ Tài chính cho biết, với các nội dung sửa đổi, bổ sung theo đề xuất nêu trên, dự thảo luật vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng nhưng đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng trong 26 nhóm này.
BỎ 12 LOẠI HÀNG HOÁ, DỊCH VỤ KHÔNG CHỊU THUẾ
Đáng chú ý, dự thảo luật bỏ 12 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, trong đó có mặt hàng phân bón được hiệp hội, doanh nghiệp đề nghị suốt thời gian qua.
Bộ Tài chính loại bỏ phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, đồng thời bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế 5%. Đây là điều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước mong mỏi thời gian qua.
Theo giới chuyên gia, việc Bộ Tài chính đề xuất áp thuế giá trị gia tăng đầu vào 5% đối với mặt hàng phân bón, giúp sản phẩm phân bón trong nước có khả năng cạnh tranh hơn so với sản phẩm nhập khẩu.
Bởi thời gian qua, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước gặp nhiều khó khăn do phân bón không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng nên các doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ thuế đầu vào thường ở mức 5-10% mà phải tính vào chi phí sản phẩm. Điều này gây tổn thất cho doanh nghiệp và giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong nước. Chưa kể, Nhà nước mất nguồn thu ngân sách do không thu được thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu với phân bón trong khi thuế nhập khẩu rất thấp hoặc đã được đưa về mức 0%.
Trong khi, nông dân phải mua phân bón với giá cao do các nhà sản xuất trong nước đã đẩy một phần chi phí thuế vào giá thành sản phẩm, kéo theo mục tiêu giảm giá phân bón để hỗ trợ nông dân không đạt được.
Ngoài ra, về quy định hoàn thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính rà soát kỹ quy định về các trường hợp, điều kiện được hoàn thuế giá trị gia tăng, bảo đảm hợp lý, khả thi, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Nghiên cứu quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chấm dứt hoạt động để bảo đảm có tính khả thi; quy định cụ thể, phù hợp về quy trình, thủ tục và trách nhiệm của cơ quan thuế, cán bộ thuế và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định pháp luật về quản lý thuế.
Dự thảo luật bỏ 12 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng gồm: phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính công ích; dịch vụ viễn thông công ích; dịch vụ Internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ duy trì vườn thú; dịch vụ duy trì vườn hoa, công viên; dịch vụ duy trì cây xanh đường phố; dịch vụ chiếu sáng công cộng.