16:35 05/06/2023

Đọng 28 hồ sơ hoàn thuế VAT mặt hàng gỗ, nhiều doanh nghiệp trung gian có dấu hiệu bất thường

Trâm Anh

Thông tin từ Bộ Tài chính cho thấy tính đến ngày 17/5, còn 28 hồ sơ hoàn thuế đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ chưa được cơ quan thuế giải quyết, tương ứng số tiền đề nghị hoàn trên 110 tỷ đồng...

Qua công tác xác minh, cơ quan thuế phát hiện đa phần doanh nghiệp trung gian có dấu hiệu bất thường như: bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an.
Qua công tác xác minh, cơ quan thuế phát hiện đa phần doanh nghiệp trung gian có dấu hiệu bất thường như: bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an.

Thông tin về tình hình giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (hoàn thuế VAT) đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ từ ngày 1/1/2022 đến ngày 17/5/2023, Bộ Tài chính cho biết số hồ sơ cơ quan thuế đã giải quyết hoàn là 61 hồ sơ, tương ứng số tiền đã được hoàn 163,34 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, số hồ sơ doanh nghiệp hủy đề nghị hoàn 13 hồ sơ, tương ứng số tiền đề nghị hoàn là 67,59 tỷ đồng, do doanh nghiệp sau khi gửi hồ sơ đề nghị hoàn và tự rà soát đối chiếu với quy định về hoàn thuế nhận thấy hồ sơ của doanh nghiệp bị thiếu, kê khai sai, cần điều chỉnh số liệu... cần thời gian để xem xét lại hồ sơ, sổ sách chứng từ.

Cũng theo Bộ Tài chính, số hồ sơ cơ quan thuế từ chối đề nghị hoàn là 3 hồ sơ, tương ứng số tiền đề nghị hoàn 2,71 tỷ đồng, do cơ quan thuế rà soát đối chiếu theo quy định của pháp luật thì thấy doanh nghiệp nộp hồ sơ thiếu, sai mẫu hồ sơ đề nghị hoàn, hồ sơ đề nghị hoàn không đủ thủ tục...

 

"Số hồ sơ đề nghị hoàn chưa được cơ quan thuế giải quyết tính đến ngày 17/5 là 28 hồ sơ, tương ứng số tiền đề nghị hoàn 110,33 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 45,9% so với tổng số hồ sơ cơ quan thuế đã giải quyết hoàn (28/61 hồ sơ)", Bộ Tài chính thông tin.

Như vậy, số hồ sơ đề nghị hoàn chưa được cơ quan thuế giải quyết chiếm đến 30% tổng số hồ sơ hoàn thuế VAT đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ từ đầu năm 2022 đến ngày 17/5/2023.

Lý giải 28 hồ sơ còn tồn đọng chưa hoàn thuế, Bộ Tài chính nêu rõ nhiều nguyên nhân như: do hồ sơ đang trong thời gian giải quyết theo quy định; doanh nghiệp đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, xác minh; do doanh nghiệp xin tạm dừng, hoãn thời gian kiểm tra; do doanh nghiệp chưa cung cấp đủ hồ sơ tài liệu số liệu, do đang chờ kết quả xác minh...

Cũng theo Bộ Tài chính, trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế, đối với các hồ sơ cần thực hiện xác minh, cơ quan thuế chủ yếu xác minh đến doanh nghiệp trung gian bán hàng trực tiếp cho doanh nghiệp hoàn thuế (tạm gọi là doanh nghiệp F1).

Cụ thể, trong 58 hồ sơ cơ quan thuế thực hiện xác minh các doanh nghiệp trung gian, có 50 hồ sơ xác minh đến doanh nghiệp trung gian F1, chiếm tỷ lệ 86% trên tổng số hồ sơ thực hiện xác minh, còn lại là 8 hồ sơ xác minh đến doanh nghiệp trung gian F2, chiếm tỷ lệ 14% trên tổng số hồ sơ thực hiện xác minh.

Đáng quan ngại, "qua công tác xác minh, cơ quan thuế phát hiện có tới 48 doanh nghiệp trung gian bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an", Bộ Tài chính thông tin.

Cụ thể, có 30 doanh nghiệp F1 tạm dừng hoạt động, 13 doanh nghiệp F1 bỏ địa chỉ kinh doanh, 4 doanh nghiệp F2 tạm dừng hoạt động, 1 doanh nghiệp F2 bỏ địa chỉ kinh doanh.

Cũng qua rà soát thông tin dữ liệu doanh nghiệp tại địa bàn TP. HCM, cơ quan thuế thống kê có 1.105 doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động, bao gồm 994 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, 111 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, chiếm tỷ lệ 14,5% so với số liệu cả nước.

Đặc biệt, “trong những doanh nghiệp này, có 22 doanh nghiệp nằm trong vụ án đã khởi tố, điều tra về tội mua bán hóa đơn bất hợp pháp trong thời gian qua”, Bộ Tài chính nêu rõ.

Chia sẻ gần đây, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, mỗi năm Tổng cục Thuế được giao nhiệm vụ hoàn thuế khoảng 150.000 tỷ đồng. Việc hoàn thuế thời gian qua được thực hiện bình thường. Tuy nhiên, thời gian vừa qua có một số vướng mắc doanh nghiệp nêu liên quan đến hoàn thuế VAT đối với hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu dăm gỗ nói riêng.

Bởi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ thu gom từ các hộ trồng rừng là các cá nhân đơn lẻ, không nộp thuế, do đó, các doanh nghiệp hầu hết sử dụng các hóa đơn khống để hợp thức hoá đầu vào, dẫn đến nhiều vụ án bị lực lượng công an triệt phá thời gian qua.

Như vậy, việc “siết” chặt quản lý đối với hoàn thuế VAT đối với mặt hàng gỗ xuất khẩu được Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) là biện pháp nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh trong việc tuân thủ quy định của pháp luật.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng ách tắc trong việc hoàn thuế VAT do gỗ và các mặt hàng gỗ được làm từ gỗ rừng trồng trong nước bị coi là các mặt hàng có độ rủi ro cao về thuế. Do đó, các cục thuế địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp với cơ quan công an, hải quan, chính quyền địa phương… trong việc xác minh nguồn gốc gỗ.

Để xác nhận nguồn gốc gỗ nguyên liệu đầu vào trong các mặt hàng xuất khẩu, cơ quan thuế và các cơ quan liên quan khác phải xác minh nguồn gốc nguyên liệu tới tận chủ rừng, bao gồm việc yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu cung cấp sổ đỏ của chủ rừng và cần bên thứ ba là cơ quan kiểm lâm địa bàn hoặc ủy ban nhân xã xác nhận hồ sơ nguồn gốc lâm sản.

 

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thuế, từ đầu năm đến ngày 17/5, số hồ sơ đề nghị hoàn thuế VAT trong mọi lĩnh vực chưa được cơ quan thuế giải quyết là 199 hồ sơ, tương ứng số tiền đề nghị hoàn 1.119 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,18% so với tổng số hồ sơ cơ quan thuế giải quyết hoàn (199/4.760 hồ sơ).

Với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế VAT đang kiểm tra, xác minh số thuế đủ điều kiện hoàn, cơ quan thuế sẽ phải thông báo cho người nộp thuế về tiến độ giải quyết hồ sơ, dự kiến thời gian sẽ giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế đảm bảo công khai, minh bạch.