15:45 19/12/2016

Thời trang xanh - Đã tới lúc lên ngôi?

PV

Thời trang xanh - Đã tới lúc lên ngôi? - Ảnh 1
Trong suốt quá trình tạo nên những món phụ kiện hay túi xách xa xỉ của mình, các nhà thiết kế của thương hiệu Belen Echandia đều được ghi hình, chụp ảnh quy trình sản xuất. Từ việc nguyên liệu được trồng, chăm sóc như thế nào cho đến việc thu hoạch, sơ chế ra sao. Từ quy trình nhuộm màu cho đến công đoạn cắt, tạo hình, láp ráp để tạo thành một chiếc túi xách, ví da hay vòng đeo… đến tay người dùng đều được ghi lại bằng video một cách tỉ mỉ. Thậm chí đến lương, thưởng, chế độ đãi ngộ của công ty dành cho các công nhân sản xuất cũng được đưa vào đó. Và tất cả đều được công khai đăng tải trên website của hãng. Chỉ cần vài cú click chuột, khách hàng có thể được chứng kiến toàn bộ quá trình hình thành nên những sản phẩm mà mình quan tâm.  Trong khi trước nay, các nhà sản xuất thời trang luôn giấu giếm bí mật sản xuất của mình, xem chuyện nội bộ là bảo bối, thì phải chăng Jackie Cawthra, nhà sáng lập kiêm Giám đốc sáng tạo của Belen Echandia đang muốn chơi trội? Hoàn toàn không. Trước thương hiệu Anh quốc này, đã có rất nhiều nhãn hàng công khai quy trình sản xuất. Sau Belen Echandia, cũng đã và đang có một loạt nhà sản xuất luôn sẵn sàng giới thiệu câu chuyện kinh doanh của mình. Họ làm vậy, đơn giản bởi một điều: khách hàng đang chuyển hướng sang mua những sản phẩm may mặc hay phụ kiện được làm từ các loại sợi tự nhiên, không độc hại với quy trình sản xuất không gây hại cho môi trường.

Thời trang xanh - Đã tới lúc lên ngôi? - Ảnh 2

Thời trang xanh - Đã tới lúc lên ngôi? - Ảnh 3

Thời trang xanh - Đã tới lúc lên ngôi? - Ảnh 4
Khi hiệu ứng nhà kính ngày càng trở thành vấn đề nóng bỏng, môi trường ô nhiễm đến mức báo động là vấn đề nằm lòng với hầu hết mọi người, thời trang xanh có quá nhiều lý do để lấy lòng khách hàng. Quần áo, phụ kiện nếu không được làm từ chất liệu thô như cotton (sợi bông) trồng tự nhiên không sử dụng thuốc trừ sâu hay tơ lụa lấy từ giống tằm hoàn toàn ăn lá dâu sạch thì cũng phải tận dụng tối đa các chất liệu tái chế. Không chạy theo thói đỏng đảnh nay hợp thời mai lỗi mốt của thời trang, quần áo, phụ kiện theo tinh thần thời trang xanh được thiết kế bền hơn để có thể sử dụng lâu dài, và thương hiệu Uniqlo của Nhật Bản đang là cái tên tiêu biểu nhất cho xu hướng này. Dĩ nhiên, nhà sản xuất cũng phải loại bỏ hẳn công nghệ nhuộm màu hay tẩy trắng bằng hóa chất mà chỉ sử dụng kiểu nhuộm màu tự nhiên. Không chỉ quan tâm đến môi trường và sức khoẻ người sử dụng, khi đã được coi là thời trang xanh nghĩa là sản phẩm may mặc, phụ kiện còn phải được tạo ra trong điều kiện công nhân được đối xử tử tế, trả lương xứng đáng và được đáp ứng mọi chế độ lao động theo đúng quy chuẩn. Người ta sẽ cảm thấy nhẹ lòng hơn nhiều khi biết rằng chiếc túi đeo trên vai hay chiếc áo mặc trên người đã đền đáp thỏa đáng cho những đôi tay làm ra nó.   Có một điều nên biết, thời trang là ngành công nghiệp gây ô nhiễm rất lớn. Theo thống kê của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), 25% lượng thuốc trừ sâu của hành tinh được dùng trên những cánh đồng cotton phục vụ cho ngành dệt may – con số này nhiều hơn bất kỳ loại cây lương thực nào. Bên cạnh đó, khoảng 8.000 loại hoá chất đã được sử dụng để biến các chất liệu thô thành vải dệt. Chưa kể, phải cần đến gần 0,2 kg phân bón nhân tạo, loại gây hiệu ứng nhà kính mạnh gấp 300 lần so với CO2 mới trồng được 0,5 kg cotton, đủ để làm nên một cái áo. Trong khi đó, để phân huỷ hoàn toàn một miếng vải bằng sợi ny lông, phải mất tới cả 40 năm. Tuy vậy, huỷ hoại môi trường dường như mãi là chuyện không đáng quan tâm với các fashionista nếu không có sự thức tỉnh của chính những người kiến tạo nên thời trang. Lịch sử thời trang chưa khi nào chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của màu xanh như trong quãng thời gian này.  

Thời trang xanh - Đã tới lúc lên ngôi? - Ảnh 5

Thời trang xanh - Đã tới lúc lên ngôi? - Ảnh 6

Thời trang xanh - Đã tới lúc lên ngôi? - Ảnh 7

Những tên tuổi lừng lẫy như Alexander McQueen, Gucci, Stella McCartney đã tìm đến những vật liệu được cho là không gây hại tới môi trường như tre, bắp và cây gai dầu. Thương hiệu bình dân H&M đã tung ra hẳn một bộ sưu tập nâng cao ý thức phát triển bền vững mang tên Nhận thức (Conscious Collection). Còn Pantagonia, hãng thời trang Mỹ đã từ lâu được ngưỡng mộ với dự án khổng lồ: sản xuất trang phục hoàn toàn từ rác tái chế. Đã có rất nhiều ngôi sao đình đám trở thành khách hàng quen thuộc của Pantagonia, bao gồm Angelina Jolie, Ryan Reynolds, Kirsten Dunst, Celine Dion, Penelope Cruz, Reese Witherspoon, Shia LaBeouf, Drake, Adam Brody… Những tuần lễ thời trang xanh ngày càng trở thành nơi hội tụ để các nhà thiết kế đua tài, đọ sức. Những thương hiệu “xanh” xuất hiện ngày càng nhiều: Heavy Eco, Rapanui, Clean Spirited, Little Wings, Truly Organic, Flora & Fauna, Maggie’s Organics… Chỉ riêng nước Đức đã có hơn 100 nhà mốt hoàn toàn đi theo tiêu chí “xanh” với đối tượng hướng đến không chỉ là người trung tuổi mà còn trẻ tuổi, và số lượng các cửa hàng cũng tăng nhanh chóng mặt, từ những góc phố khuất nẻo cho tới các các trung tâm thương mại hoành tráng Và số lượng gian hàng thời trang xanh ở nước này tăng đến chóng mặt. Nó hiện diện từ những quầy hàng nhỏ, khuất nẻo cho tới kệ hàng ở các trung tâm thương mại hoành tráng. Năm 2015 số lượng cửa hàng bán thời trang xanh đã gấp ba lần so với năm 2011. Còn các fashionista thì háo hức vì có thêm những trải nghiệm mới mẻ và hay ho. Với họ, thời trang xưa nay đơn giản chỉ là diện mạo bên ngoài, giờ đây, nó đã thể hiện được chiều sâu trong tâm hồn. Bởi mặc cũng là văn hoá! 
Quan tâm đến yếu tố nhân văn trong câu chuyện đằng sau sự ra đời của mỗi sản phẩm mà khách hàng đang dùng đã trở thành một xu hướng lớn trong ngành thời trang vài năm trở lại đây. Ai đã làm nên loại vải mà họ đang mặc, loại vải có gì đặc biệt, việc mua hàng của họ có tạo nên tác động tích cực lên xã hội hay không? Họ muốn được nhìn, được cảm thấy và chạm vào mọi công đoạn chế tác sản phẩm. Tóm lại, họ muốn được tận mắt chứng kiến một quy trình thời trang “xanh” thực sự.


Thu Ngọc