Ứng dụng Robot trong điều trị bệnh lý cột sống
Các công nghệ hiện đại đang mở ra kỷ nguyên mới trong điều trị bệnh lý cột sống. Không chỉ an toàn và chính xác, mà còn mang đến cơ hội hồi phục nhanh chóng cho hàng ngàn bệnh nhân…

Bệnh xương khớp, cột sống vốn là bệnh lý người già, thường ghi nhận ở người từ 55 tuổi trở lên. Nhưng hiện nay, nhiều trường hợp đi khám mới ngoài 20 tuổi, trong đó nhóm bệnh nhân 30 - 60 tuổi chiếm đa số.
Bệnh lý cột sống bao gồm chấn thương cột sống, thoái hóa cột sống, các bệnh liên quan đến u tân sinh, các tác nhân gây viêm cột sống - tủy sống. Trong đó, nhóm liên quan đến thoái hóa cột sống như thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, trượt thoái hóa đốt sống chèn ép dây thần kinh... rất phổ biến.
Bộ Y tế ghi nhận 30% dân số Việt Nam bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và đang có xu hướng trẻ hóa. Nhiều người phát hiện bệnh muộn và chữa trị không đúng cách nên tái phát nhiều lần và nặng hơn, dẫn đến mất khả năng vận động. Trước đây, nhiều người bệnh e ngại phẫu thuật cột sống vì lo sợ di chứng liệt, tàn phế, nên đành sống chung với đau đớn hoặc phụ thuộc vào thuốc giảm đau.
CÔNG NGHỆ TRỢ GIÚP TỐI ĐA
Với sự phát triển mạnh mẽ của y học hiện đại, đặc biệt là ứng dụng robot và trí tuệ nhân tạo, điều trị các bệnh lý cột sống, thần kinh đã có những bước tiến vượt bậc, mang lại hiệu quả cao và an toàn vượt trội.

Theo các bác sỹ, trước đây các ca mổ cột sống thường gặp nhiều khó khăn do kỹ thuật cũ, mổ hở nhiều xâm lấn, không có các công cụ hỗ trợ định vị hoặc dẫn đường chính xác. Việc xác định vị trí rễ thần kinh bằng hình ảnh 2D hoặc 3D thông thường dễ gây sai sót, làm tăng nguy cơ tổn thương thần kinh và đau kéo dài sau mổ.
Trong khi đó, công nghệ hiện đại hiện nay cho phép bác sĩ tiếp cận tổn thương qua những đường rạch nhỏ, bảo toàn mô lành và bó thần kinh, giúp ca mổ chính xác, ít đau và nhanh hồi phục.
Sự kết hợp đồng bộ các thiết bị công nghệ cao tích hợp AI như robot, hệ thống định vị, kính vi phẫu, hệ thống theo dõi thần kinh... đã giúp các bác sỹ thao tác dễ dàng, chính xác và an toàn hơn nhiều lần so với kỹ thuật truyền thống. Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nhờ sự trợ giúp của công nghệ hiện đại như hệ thống định vị Navigation, O-arm và robot hỗ trợ phẫu thuật, nhiều ca bệnh cong, vẹo cột sống phức tạp đã được điều trị thành công.
Mới đây, một bệnh nhân bị cong vẹo cột sống, các khớp dính gây ảnh hưởng đến tư thế và chức năng vận động, đã nhập viện. Qua thăm khám, các bác sĩ nhận định phẫu thuật chỉnh hình cột sống là phương pháp điều trị bắt buộc để bệnh nhân có thể có dáng đứng thẳng và không bị lệch người khi di chuyển.
Ca mổ có sự hỗ trợ của hệ thống định vị O-arm, Navigation và có hệ thống giám sát thần kinh trong mổ. Hệ thống O-arm giúp tái hiện hình ảnh 3D của cột sống ngay trong phòng mổ, trong khi hệ thống định vị Navigation hướng dẫn bác sĩ xác định chính xác vị trí cần can thiệp - từng milimet, hệ thống giám sát thần kinh liên tục trong ca mổ giúp phát hiện và phòng ngừa các tổn thương thần kinh.

PGS.TS Đinh Ngọc Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: "Với hệ thống định vị này, chúng tôi có thể quan sát rõ hệ thống gân, cơ, dây thần kinh và tủy sống của bệnh nhân. Nhờ vậy mà phẫu thuật viên dễ quan sát và không làm ảnh hưởng đến hệ thống này giúp an toàn cho người bệnh".
GIẢI PHÁP TOÀN DIỆN TRONG PHẪU THUẬT
Tại hội thảo "Giải pháp toàn diện trong phẫu thuật bệnh lý cột sống" ngày 6/5 vừa qua, TS. Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết các bệnh lý về cột sốt rất nhiều, không chỉ chấn thương cột sống mắc phải do trong quá trình lao động, làm việc, còn có nhiều bệnh lý khác về cột sống như gù, vẹo, nhất là ở trẻ em.
Tức là các bệnh lý về cột sống ở người lớn và trẻ em rất khác nhau, thậm chí mỗi bệnh lý về cột sống ở mỗi cá thể người bệnh cũng khác nhau. "Bệnh lý về cột sống có rất nhiều hình thái, loại bệnh, ở các giai đoạn khác nhau, bệnh nhân cũng không ai giống ai, nên cần phải có giải pháp đồng bộ, phù hợp với từng người bệnh, từng giai đoạn bệnh và từng bệnh lý khác nhau", ông Dương Đức Hùng nhấn mạnh.
Theo TS. Hùng, tình trạng thoái hóa cột sống đa tầng, gù vẹo cột sống, hẹp ống sống, không chỉ gây đau đớn kéo dài mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trong khi đó, tình trạng bệnh nhân phẫu thuật, điều trị các bệnh lý liên quan đến cột sống tại bệnh viện luôn quá tải, bệnh nhân dù phải chờ vẫn mong muốn được phẫu thuật tại bệnh viện.
"Kỹ thuật và giải pháp đồng bộ để điều trị các bệnh cột sống là rất cần thiết, bởi nhu cầu rất lớn. Năm nay chúng tôi có kế hoạch đầu tư hệ thống robot đồng bộ để bác sĩ có công cụ làm nghề tốt hơn. Bên cạnh đó là hệ thống máy theo dõi thần kinh trong mổ, để đảm bảo ca mổ mang lại hiệu quả cao nhất, an toàn nhất", TS. Hùng nói.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã cập nhật các xu hướng điều trị tiên tiến về ứng dụng công nghệ cao trong phẫu thuật cột sống. TS Vidyadhara, Trưởng khoa phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Manipal, Ấn Độ, cũng chia sẻ ứng dụng Robotic trong phẫu thuật bệnh lý cột sống. Ông cho rằng, việc ứng dụng robot trong điều trị các bệnh liên quan đến cột sống giúp hỗ trợ hiệu quả cao hơn trong điều trị.
Đặc biệt, phẫu thuật bằng hệ thống robot giúp hiệu quả hơn trong bắt vít, giảm nguy cơ tổn thương thần kinh, với tránh các biến chứng cho bệnh nhân. Một lợi ích rất quan trọng nữa, đó là sau mổ, bệnh nhân đỡ đau, ít mất máu, nhanh hồi phục, ít biến chứng và giảm chi phí điều trị.
Trong khuôn khổ hội thảo, các bác sĩ đã thực hiện ca mổ với hệ thống O-arm, Navigation và hệ thống giám sát thần kinh trong mổ, giúp các bác sĩ được quan sát quy trình thực tế, chia sẻ kinh nghiệm lâm sàng một cách sinh động và hiệu quả.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, không phải tất cả bệnh lý cột sống đều phải phẫu thuật. Nhiều bệnh lý được phát triển ở các giai đoạn khác nhau, có thể chỉ cần tập luyện, chỉnh hình để phục hồi. Chỉ đến giai đoạn tất cả các điều trị bảo tồn không còn hiệu quả thì mới tính đến phương án phẫu thuật. Vì thế, khi có các bệnh lý về cột sống, người dân nên đi khám tại cơ sở chuyên khoa để được điều trị hiệu quả.
Từ ngày 12/5 - 1/6, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 triển khai khám sàng lọc, chẩn đoán hình ảnh và tư vấn miễn phí bệnh lý gù, vẹo cột sống cho trẻ dưới 18 tuổi.
Các dấu hiệu phụ huynh cần lưu ý để đưa trẻ đi khám sàng lọc gồm: Hai vai không cân xứng; Đầu nghiêng lệch, không thẳng trục cơ thể; Bả vai hai bên không đều; Khó mặc quần áo vì thân người lệch; Một bên hông hoặc xương sườn nhô cao; Hai chân không đều chiều dài…