14:30 28/10/2022

Thủ đoạn của đường dây chuyên làm visa du lịch Hàn Quốc “ảo”

Như Nguyệt

Có thông tin cá nhân khách hàng, nhóm của Trưởng dùng phần mềm chỉnh sửa ảnh để tại ra ảnh visa giả và gửi cho khách. Nhiều người tin tưởng chuyển tiền để lấy visa, vé máy bay… nhưng bị “mất trắng”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 27/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nghi Xuân đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lừa nhận làm visa du lịch Hàn Quốc trên mạng xã hội internet.

Các đối tượng gồm Đoàn Văn Trường (SN 1997, trú tại xã Kim Chính, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), Đỗ Uyển Nhi (SN 2005, trú tại xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), Đặng Phước Quân (SN 1988); Huỳnh Thị Minh Thư (SN 2000), Đặng Hồ Hải (SN 1998) cùng trú tại phường Phú Mỹ, quận 7, TP Hồ Chí Minh. 

Trước đó, ngày 14/10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nghi Xuân nhận được đơn trình báo của chị L.T.H., trú tại thôn Nam Sơn, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Các đối tượng bị bắt giữ.
Các đối tượng bị bắt giữ.

Chị H. cho biết, do có nhu cầu đi du lịch Hàn Quốc nên vào ngày 1/8/2022, chị H. đã liên hệ với một người sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook mang tên “Nguyễn Minh” để thỏa thuận, thuê người này làm visa du lịch Hàn Quốc. Quá trình sau đó, đối tượng sử dụng tài khoản Facebook “Nguyễn Minh” đã lừa chị H. chuyển khoản ba lần vào tài khoản mang tên Nguyen Duc Minh là chủ tài khoản với tổng số tiền là 65 triệu đồng rồi chiếm đoạt.

Nhận được đơn trình báo của chị H., cơ quan CSĐT Công an huyện Nghi Xuân đã tổ chức lực lượng tiến hành các hoạt động điều tra xác minh.

Quá trình điều tra, công an đã làm rõ Đoàn Văn Trưởng là đối tượng chủ mưu cầm đầu nhóm lừa đảo bằng hình thức lừa nhận làm visa du lịch Hàn Quốc.

Qua đấu tranh, Trưởng khai nhận đã giao cho Nhi, Hải, Thư và Quân sử dụng các tài khoản Facebook “ảo”, các thuê bao điện thoại sim “rác” (do Trưởng mua của đối tượng khác) để đăng các bài viết có đính kèm các số điện thoại sim “rác” trên các nhóm Facebook (thường là các nhóm có liên quan đến vấn đề làm thủ tục đi du lịch Hàn Quốc).

Khi có khách nào liên hệ với các đối tượng qua các tài khoản Facebook “ảo”, các sim “rác” hoặc các tài khoản Zalo được đăng ký bằng các điện thoại sim “rác” là có nhu cầu làm visa đi du lịch Hàn Quốc thì các đối tượng tư vấn cho khách (nội dung bài viết cũng như các nội dung các đối tượng tư vấn cho khách đều là các thông tin giả với mục đích để khách tin tưởng, chuyển tiền thuê các đối tượng làm visa thì các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền đó).

Sau khi được tư vấn, khách nào tin tưởng thì các đối tượng sẽ yêu cầu đặt cọc 5 triệu đồng/1 visa vào các tài khoản ngân hàng “rác” do Trưởng quản lý, sử dụng. Đặt cọc xong, các đối tượng yêu cầu khách gửi các ảnh chụp chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sổ hộ khẩu, ảnh chân dung 4x6... và hẹn khách là 15 - 20 ngày sẽ làm visa xong và gửi cho họ. 

Từ ảnh chụp thông tin cá nhân mà khách cung cấp, Trưởng sử dụng máy tính cá nhân để dùng phần mềm chỉnh sửa ảnh (do Trưởng tự tải trên mạng Internet về) để tạo ra ảnh visa giả với thông tin cá nhân của họ rồi gửi cho các đối tượng trong nhóm để gửi cho khách. Đến hẹn trả visa, các đối tượng gửi ảnh visa giả cho khách và yêu cầu họ chuyển thêm 50 triệu đồng/1 visa rồi mới gửi visa cho họ.

Nếu khách nào hiểu biết, kiểm tra trên hệ thống thì sẽ biết thông tin visa mà các đối tượng gửi cho họ là visa giả và phát hiện ra hành vi lừa đảo, khi họ liên lạc để đòi lại tiền đặt cọc thì các đối tượng sẽ cắt liên lạc.

Nếu khách nào tin và nghĩ visa mà các đối tượng gửi cho họ là thật thì họ chuyển tiếp 50 triệu đồng đồng/01 visa theo yêu cầu của các đối tượng. Trưởng sẽ tiếp tục dùng phần mềm chỉnh sửa ảnh tạo ảnh các vé máy bay, lịch bay giả rồi gửi cho các đối tượng trong nhóm để tiếp tục gửi cho khách và yêu cầu họ chuyển thêm tiền vé máy bay là 10 triệu đồng/1 vé. Khi khách tin tưởng và chuyển tiếp số tiền trên cho các đối tượng thì các đối tượng sẽ cắt liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà họ đã chuyển.

Tất cả số tiền mà các đối tượng lừa được sẽ chuyển vào các tài khoản ngân hàng “ảo” do Trưởng quản lý, sử dụng trực tiếp. Hàng tháng, Trưởng sẽ trả cho các đối tượng từ 10-15 triệu đồng tiền công.

Bằng thủ đoạn trên, từ khoảng tháng 4/2022 đến lúc bị bắt, các đối tượng thực hiện lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại trên cả trước với số tiền trên 3 tỷ đồng.

Hiện, Công an huyện Nghi Xuân đang phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật.