11:57 05/06/2024

Thu ngân sách vượt 50% dự toán sau 5 tháng đầu năm nhưng thiếu bền vững

Ánh Tuyết

Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách nhà nước hoàn thành 52,8% dự toán chỉ sau 5 tháng đầu năm. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy thu nội địa hụt hơi, trong đó, thu từ khu vực ngoài quốc doanh gặp nhiều khó khăn...

Thu ngân sách nhà nước tháng 5/2024 ước đạt 150,9 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 80,7% mức thu bình quân tháng 4 tháng đầu năm (186,9 nghìn tỷ đồng/tháng).
Thu ngân sách nhà nước tháng 5/2024 ước đạt 150,9 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 80,7% mức thu bình quân tháng 4 tháng đầu năm (186,9 nghìn tỷ đồng/tháng).

Thông tin từ Bộ Tài chính cho thấy lũy kế thu ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 898,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán và tăng 14,8% so cùng kỳ năm 2023.

TRÁI CHIỀU THU NỘI ĐỊA HỤT HƠI, THU XUẤT NHẬP KHẨU KHỞI SẮC

Tính riêng tháng 5/2024, thu ngân sách nhà nước ước đạt 150,9 nghìn tỷ đồng, bằng 8,9% dự toán song chỉ bằng 80,7% mức thu bình quân tháng của 4 tháng đầu năm (186,9 nghìn tỷ đồng/tháng).

Trong đó, thu nội địa ước đạt 118,4 nghìn tỷ đồng, bằng 8,2% dự toán và sụt giảm sâu 25,9% so với mức thu bình quân tháng của 4 tháng đầu năm.

Thu từ dầu thô tháng 5/2024 tăng 1,6% mức thu bình quân tháng của 4 tháng đầu năm, ước đạt 5 nghìn tỷ đồng, bằng 10,9% so dự toán.

Phát biểu tại hội nghị giao ban của Bộ Tài chính vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết tổng thu ngân sách trong tháng 5/2024 do cơ quan thuế quản lý bằng 8,3% dự toán; luỹ kế 5 tháng đạt 52,4% dự toán.

 

"Mặc dù có số thu đạt nhưng qua theo dõi diễn biến tốc độ thu từ tháng 1 đến tháng 5 thì có dấu hiệu giảm. Điều này phản ánh những khó khăn nhất định của hoạt động sản xuất kinh doanh".

Ông Mai Xuân Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

Cùng với đó, đối với số thu từ khu vực ngoài quốc doanh, mặc dù tăng trưởng thu 19,9% trong tháng 5/2024 nhưng so với số thu chung 5 tháng thì thấp hơn đáng kể.

Nếu trừ đi tác động từ chính sách thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, so với năm 2023 thì mức thu còn thấp hơn. Như vậy, ngoài yếu tố giá, lạm phát, tỷ giá… số liệu thu ngoài quốc doanh là hết sức khó khăn. 

Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm, cơ quan thuế đẩy mạnh hoạt động liên quan đến thu của hộ cá nhân thông qua bản đồ số và tăng thu từ hoạt động thương mại điện tử, qua đó đã đẩy số thu ngân sách tăng lên so với năm 2023.

Như vậy, luỹ kế 5 tháng đầu năm 2024, thu nội địa ước đạt 757,5 nghìn tỷ đồng, bằng 52,4% dự toán, tăng 16,8% so cùng kỳ năm 2023.

Thu dầu thô ước đạt 24,7 nghìn tỷ đồng, bằng 53,6% dự toán, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2023. Giá dầu thanh toán bình quân 5 tháng đạt khoảng 88 USD/thùng (tăng 18 USD/thùng so giá dự toán, xấp xỉ giá bình quân cùng kỳ năm 2023); sản lượng dầu thô thanh toán đạt khoảng 3,4 triệu tấn, bằng 41% kế hoạch.

Thu ngân sách vượt 50% dự toán sau 5 tháng đầu năm nhưng thiếu bền vững - Ảnh 1

Trái với những thách thức thu nội địa, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu khởi sắc, tăng 19,6% mức thu bình quân tháng của 4 tháng đầu năm (31,7 nghìn tỷ đồng/tháng), ước đạt 37,9 nghìn tỷ đồng, bằng 10,1% dự toán.

Sau khi trừ đi khoảng 10,4 nghìn tỷ đồng hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ trong tháng, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 27,5 nghìn tỷ đồng.

Sau nhiều khó khăn, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2023, ước đạt gần 116,2 nghìn tỷ đồng, bằng 57% dự toán, trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 164,7 nghìn tỷ đồng, bằng 43,9% dự toán, tăng 6,8% so với cùng kỳ; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 48,5 nghìn tỷ đồng, bằng 28,4% dự toán.

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết việc tăng số thu là do kim ngạch xuất nhập khẩu của tháng 5, đặc biệt là kim ngạch nhập khẩu tăng 9,1%, trong đó kim ngạch của các mặt hàng chịu thuế tăng, dẫn đến số thu tăng. 

KHÔNG CHỦ QUAN VÌ BIẾN SỐ KHÓ LƯỜNG

Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, về chi ngân sách nhà nước, tổng chi cân đối ngân sách nhà nước tháng 5 ước đạt 140 nghìn tỷ đồng.

Luỹ kế chi 5 tháng đạt 656,7 nghìn tỷ đồng, bằng 31% dự toán, tăng 0,5% so cùng kỳ năm 2023.

Thu ngân sách vượt 50% dự toán sau 5 tháng đầu năm nhưng thiếu bền vững - Ảnh 2

Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 21,9% dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ giải ngân ước đạt 22,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 giải ngân đạt khoảng 22,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Chi trả nợ lãi ước đạt khoảng 42,5% dự toán, tăng 10,1%; chi thường xuyên ước đạt khoảng 36,6% dự toán, tăng 1,8% so cùng kỳ năm 2023.

Như vậy, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo, ngân sách nhà nước thặng dư 241,7 nghìn tỷ đồng.

Tính đến ngày 27/5/2024, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành gần 126 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 11,1 năm, lãi suất bình quân 2,24%/năm.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh dù thực thi chính sách tài khoá hỗ trợ nền kinh tế song đến nay thu ngân sách đã đạt trên 50%. Trong thời gian qua, các đơn vị trong Bộ Tài chính đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, tuy nhiên, không được chủ quan, vì kinh tế vẫn có không ít tín hiệu chưa hẳn tích cực. 

Do đó, lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Vụ Ngân sách nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Cục Tài chính doanh nghiệp… cần hết sức quan tâm và đảm bảo chắc chắn thu được, thu đủ, thu vượt dự toán.

Cùng với đó, ông Nguyễn Đức Chi cũng lưu ý cần tăng cường công tác thanh tra cả thu và chi. Tổng cục Thuế, Hải quan, Thanh tra bộ và các đơn vị có chức năng thanh tra chủ động triển khai công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch. Các đơn vị tập trung rà soát các công việc đã, đang và sẽ triển khai trong thời gian tới để phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành nhiệm vụ.

Đồng thời, các đơn vị cần tiếp tục theo dõi giám sát thị trường chặt chẽ, đảm bảo ổn định, bao gồm chứng khoán, bảo hiểm, kế toán kiểm toán, thẩm định giá…, đảm bảo mục tiêu ổn định thị trường phát triển, minh bạch và giữ kỷ cương, kỷ luật của thị trường.