Thủ tướng: Tham tán thương mại hãy nhìn lại chính mình
"Các đồng chí Thương vụ cần lấy thành công của doanh nghiệp, của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam làm thước đo hiệu quả làm việc của mình"
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại Phiên toàn thể Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2018 ngày 7/2/2018 tại Hà Nội.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá, thời gian qua, hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã đóng góp tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; làm tốt công tác thị trường, thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam, nhất là đã đưa được các mặt hàng nông sản, hoa quả đặc trưng của Việt Nam tiếp cận các nước; từng bước đưa hàng Việt Nam vào các chuỗi phân phốiquốc tế, bảo vệ và nâng cao thương hiệu hàng Việt Nam trên trường quốc tế...
Thủ tướng nhấn mạnh: "Năng lực sản xuất của Việt Nam về tất cả lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp... đều có, cái khó là thị trường. Cái dư thừa hiện nay của nước ta tương đối lớn, phải tìm thị trường mới, nhu cầu mới để tăng cường xuất khẩu". Vì vậy, hệ thống thương vụ đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu.
Theo Thủ tướng, 2018-2019 là những năm bản lề, quyết định cơ bản sự thành công trong kế hoạch hành động 5 năm của Chính phủ trong bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội thế giới có những chuyển biến nhanh, khó lường, kinh tế số, kinh tế công nghệ đã vươn lên mạnh mẽ, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với nhịp độ nhanh, đòi hỏi mỗi cá nhân, mỗi Thương vụ phải chủ động, sáng tạo và quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Do đó, Bộ Công Thương cần có hình thức khen thưởng, động viên đối với những tham tán có những đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước, đặc biệt thị trường có sự tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, phải xử lý nghiêm những tham tán làm việc tại các thị trường không hiệu quả, ít tìm hiểu thị trường, chưa thông thạo công việc, ngại khó, vì những lợi ích cá nhân mà bỏ quên nhiệm vụ...
Thủ tướng nêu gương về là một vài đại diện thương mại của nước bạn tại Việt Nam (Nhật Bản, Mỹ...) đã có sự hiểu biết, chịu khó tìm hiểu các thị trường; đến từng Bộ, ngành; hiểu từng doanh nghiệp. Thủ tướng thẳng thắn đặt câu hỏi: "Tham tán của chúng ta có làm được như vậy không? Có hời hợt không? Tôi nói điều này để các đồng chí suy nghĩ để nhìn lại chính mình".
Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2018
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và các Tham tán thương mại đặc biệt quan tâm đến các vấn đề sau:
Thứ nhất, là phục vụ. Thủ tướng nhấn mạnh, phải thực hiện tốt phương châm "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả" bằng các việc làm cụ thể, không thụ động ngồi chờ doanh nghiệp mà phải chủ động làm việc với các đối tác sở tại để có thông tin, can thiệp, hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp...
"Các đồng chí Thương vụ cần lấy thành công của doanh nghiệp, của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam làm thước đo hiệu quả làm việc của mình", Thủ tướng nói.
Thứ hai, là cơ hội thị trường. Nói đến Thương vụ là nói đến thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đang xóa bỏ các khoảng cách, nhiều hướng kinh doanh mới xuất hiện, thị trường cần phải hiểu theo nghĩa rộng là nơi mang lại nguồn lực cho đất nước như dịch vụ, vốn, nhân lực, công nghệ, thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam.
Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Do đó, Thủ tướng yêu cầu hệ thống thương vụ cần tập trung đề xuất giải pháp tận dụng các ưu đãi FTA để đưa hàng Việt Nam tiếp cận thị trường sở tại cũng như vận động các doanh nghiệp nước sở tại hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam khai thác các cơ hội và cùng phối hợp giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện FTA.
Tham tán thương mại cần chủ động làm việc với các Bộ, cơ quan quản lý thương mại của nước sở tại để hai bên thực hiện cảnh bảo sớm cho nhau những tranh chấp thương mại tiềm ấn để có biện pháp xử lý, hạn chế thấp nhất các tranh chấp thương mại.
Thứ ba là tinh thần đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động. Theo đó, thương vụ là một cơ quan thành viên của Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài phải là một tập thể mạnh ở tuyến đầu đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, đổi mới, chủ động trong công tác nhân sự, coi Tham tán thương mại là một nghề chuyên nghiệp, với nhân sự phải đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong bối cảnh mới, phải luôn phấn đấu, nâng cao hiệu quả hoạt động, trau dồi nghiệp vụ, ngoại ngữ.
Hiện Việt Nam có 57 Thương vụ (Thương vụ Venezuela tạm thời đóng cửa) và 7 chi nhánh thương vụ tại nước ngoài. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 15 Thương vụ và 4 chi nhánh, khu vực châu Phi - Tây Nam Á có 13 Thương vụ, khu vực châu Âu có 20 Thương vụ và 1 chi nhánh, khu vực Châu Mỹ có 9 Thương vụ và 2 chi nhánh. Tổng biên chế được giao là 139, số lượng biên chế đang thực sử dụng là 122.