09:53 27/03/2023

Thừa Thiên - Huế gỡ “nút thắt” trong phát triển nhà ở xã hội

Nguyễn Thuấn

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế mới chỉ có 4 dự án chung cư nhà ở xã hội đã được triển khai với tổng số căn hộ gần 1.800 căn, trong khi nhu cầu về nhà ở xã hội của người dân là rất lớn, vì vậy cung chưa đáp ứng cầu. Tìm và tháo gỡ những“nút thắt” trong phát triển các dự án nhà ở xã hội đã được tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai trong thời gian qua...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo thống kê, trong giai đoạn 2015 - 2020, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 4 dự án chung cư nhà ở xã hội đã được triển khai với diện tích đất 4,11 hecta, tổng số căn hộ gần 1.800 căn. Các dự án này hoàn thành, căn hộ được đưa vào sử dụng, tuy nhiên chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ về nhu cầu nhà ở xã hội cho người dân.

Thông tin từ Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế, ngoài 4 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai và hoàn thành, trong giai đoạn 2021-2025, có 5 dự án chung cư nhà ở xã hội đã được các cơ quan chức năng chấp thuận đầu tư giai đoạn 2020 -2021 với diện tích đất 17 hecta, tổng số căn hộ hơn 6.200 căn, tổng diện tích sàn nhà ở gần 660.000m2.

Dự án nhà ở xã hội độc lập đang kêu gọi đầu tư có 6 dự án với diện tích đất trên 47 hecta, tổng số căn hộ gần 7.200 căn, tổng diện tích sàn nhà ở 818.000m2. Quỹ đất 20% nhà ở xã hội từ dự án nhà ở thương mại, khu đô thị đang kêu gọi đầu tư có 7 dự án nhà ở xã hội với diện tích đất là 14,17 hecta, tổng số căn hộ hơn 6.300 căn, tổng diện tích sàn nhà ởgần  525.000m2.

Cũng theo Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế, nhu cầu nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp trong giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến xây dựng khoảng gần 8.000 căn; giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến xây dựng khoảng gần 9.700 căn hộ.

Như vậy trong thời gian tới, tất cả các dự án dự kiến kêu gọi đầu tư và đang tiến hành thủ tục đấu thầu được triển khai mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân về nhà ở xã hội.

Nguyên nhân khiến các chỉ tiêu của chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhất là chỉ tiêu nhà ở xã hội không đạt được như mong muốn một phần do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, thủ tục cùng các ưu đãi hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà để phát triển các dự án nhà ở xã hội. Ngoài ra, vướng mắc hiện nay về việc bố trí quỹ đất 20% để đầu tư nhà ở thương mại và bố trí 20% nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại là một nguyên nhân khiến nhà đầu tư thiếu mặn mà.

Tiếp đến, theo Sở Xây dựng Thừa Thiên – Huế thì hiện nay, chính sách phát triển nhà ở xã hội vẫn còn một số nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi hoàn thiện một cách có hiệu quả. Như đối tượng đăng ký mua, thuê nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở 2014 quy định về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội (gồm 10 đối tượng) là rất rộng, hầu hết các đối tượng đều mua được nhà ở xã hội nếu đáp ứng điều kiện quy định của Luật Nhà ở, nên rất khó khăn cho các chủ đầu tư trong việc xem xét, lựa chọn đối tượng đăng ký mua nhà ở xã hội.

Một số quy định về đối tượng mua nhà được bán căn hộ theo hai hình thức: Trường hợp chưa đủ 5 năm; trường hợp đủ 5 năm, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên gây lúng túng cho chủ đầu tư trong thực hiện. Giá thành nhà ở xã hội chưa tính đầy đủ các chi phí hợp lý hợp lệ, chưa quy định thời gian xác định giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội gây lúng túng cho nhà đầu tư khi thực hiện.

Thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, các trình tự thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhà ở xã hội theo quy định của Luật Đấu thầu và việc quy định phải có quy hoạch chi tiết khi lựa chọn nhà đầu tư nhà ở xã hội gây kéo dài thời gian. Ngoài ra, quy trình lựa chọn nhà đầu tư còn chồng chéo, chưa thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai dẫn đến việc kéo dài thời gian thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng và làm chậm tiến độ triển khai dự án.

Chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa đủ hấp dẫn, chưa sát với thực tế, chưa đủ mạnh để thu hút, khuyến khích nhà đầu tư để giảm giá bán cho đối tượng thu nhập thấp.

Để tháo gỡ “nút thắt” trong phát triển nhà ở xã hội tại địa phương, Sở Xây dựng Thừa Thiên – Huế đã kiến nghị Bộ, ngành Trung ương sớm nghiên cứu, sửa đổi, ban hành các quy định pháp luật liên quan đến nhà ở xã hội để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nêu trên để rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà xã hội; sửa đổi, ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi nhà xã hội như giá bán, ưu đãi dành 20% diện tích sàn nhà ở, quy định đối tượng mua nhà… Sớm ban hành gói tín dụng cấp cho ngân hàng thương mại để cho chủ đầu tư và khách hàng các dự án nhà ở xã hội vay ưu đãi theo phương thức tái cấp vốn.

Sở Xây dựng Thừa Thiên – Huế cũng kiến nghị địa phương khẩn trương thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, hoặc phải lập quy hoạch chi tiết 1/500 dự án nhà xã hội. Bố trí dành 20% tổng diện tích đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trước khi tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Thường xuyên rà soát các dự án nhà ở xã hội đã và đang triển khai để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc pháp lý của dự án.