21:49 17/03/2023

Chủ tịch AmCham Thừa Thiên Huế: Tăng trưởng nhanh không phải là phát thải nhiều

Nhật Dương

Chúng ta cũng cần làm rõ việc tăng trưởng nhanh và phát triển nhanh không có nghĩa rằng phải phát thải nhiều, mà cần chú ý đến các vấn đề về bảo vệ môi trường, giảm biến đổi khí hậu, theo Chủ tịch AmCham tại Thừa Thiên Huế Matthew Garvey…

Ông Matthew Garvey, Chủ tịch AmCham tại Thừa thiên Huế tại phiên thảo luận của Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2023.
Ông Matthew Garvey, Chủ tịch AmCham tại Thừa thiên Huế tại phiên thảo luận của Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2023.

Chia sẻ này được ông Matthew Garvey, Chủ tịch AmCham tại Thừa thiên Huế nêu tại phiên thảo luận của Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2023 chiều 17/3.

Theo ông Matthew Garvey, phát triển kinh tế đã và đang đặt ra những vấn đề về bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, trong đó biến đổi khí hậu là hiện tượng rất nổi bật, đòi hỏi chúng ta cần giải quyết các trở ngại này. Nhất là khi mức độ của các trở ngại này đang ngày càng lớn hơn, vì vậy cần giải quyết để đạt được sự thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. “Chúng tôi nhìn thấy Việt Nam đang cố gắng để giải quyết những bài toán này”, ông Matthew Garvey nói.

Hiện nay, vấn đề này càng trở nên cấp bách hơn, khi chúng ta vừa phải phát triển kinh tế song cần làm sao để tránh khỏi những phát thải carbon, thực tế cuộc cách mạng này hiện cũng đang triển khai trên cấp độ toàn cầu, Việt Nam cần nỗ lực tham gia vào vào chuỗi hoạt động này.

“Chúng ta cũng cần làm rõ việc tăng trưởng nhanh và phát triển nhanh không có nghĩa rằng phải phát thải nhiều. Việt Nam hiện nay cũng đang xem xét vào việc thay đổi cũng như cải cách, đặc biệt là về các nguồn tài chính mới, thị trường mới. Như vậy, chúng ta cần xem xét trên bình diện mô hình kinh doanh, cũng như xem xét việc chính phủ hỗ trợ cho các doanh nghiệp như thế nào”, ông Matthew Garvey lưu ý.

Đặc biệt, các hỗ trợ này rất cần thiết với miền Trung Việt Nam, những vấn đề mà chúng ta đang nhìn thấy rất rõ cụ thể ở khu vực này cần ưu tiên như giáo dục, việc tiếp cận các cảng biển, nguồn tài nguyên thiên nhiên…

Chủ tịch AmCham tại Thừa thiên Huế cũng cho rằng nên xem xét ở cấp độ toàn cầu, hiện các nguồn lực hỗ trợ từ những người tiêu dùng quốc tế hay các tổ chức cứu trợ cũng đang cố gắng tham gia, đóng góp vào tiến trình này.

Tuy nhiên, ở cấp độ toàn cầu như vậy, Việt Nam cần phải cạnh tranh để có được nguồn lực hỗ trợ, cũng như cố gắng sử dụng các nguồn lực này một cách hiệu quả. Ông Matthew Garvey cũng dẫn chứng, thực tế Việt Nam đã có nhiều mô hình phát triển xanh, đơn cử như mô hình nông nghiệp hữu cơ ở Đà Lạt, hay các mô hình trồng cà phê ở Đắk Lắk...

"Nhiều Chính phủ, các tổ chức đang có mong muốn hợp tác với các bạn. Nghĩa là họ mong muốn được đến trước khi chúng ta ra quyết định, điều quan trọng là làm thế nào để có những cơ hội hợp tác với những cộng đồng như vậy”, ông Matthew Garvey gợi ý.

Trong bối cảnh đó, ông Matthew Garvey cho rằng các bên đều cần tham gia vào vấn đề này, cố gắng sớm nhất đề xuất được các giải pháp phát triển và tăng trưởng xanh trong những lĩnh vực như nông nghiệp, gỗ, cà phê, du lịch, giáo dục…

“Điều quan trọng là cộng đồng quốc tế luôn luôn sẵn sàng đứng bên cạnh các bạn để cùng hợp tác, chúng tôi luôn cởi mở, chúng ta có tầm nhìn chiến lược, sự hỗ trợ của Chính phủ thì sẽ “mở khóa” được những trở ngại”, ông Matthew Garvey nói và khẳng định AmCham luôn mong muốn hợp tác với Việt Nam trong toàn bộ tiến trình này.

Chủ tịch AmCham tại Thừa thiên Huế cũng nói thêm rằng Việt Nam là thị trường có độ quản lý rất cao, vì vậy, nên chăng cần nghĩ đến việc tiết giảm, nới lỏng quản lý để có thể thúc đẩy nhanh hơn quá trình đưa ra các quyết định. Bởi vì như thế chúng ta sẽ thúc đẩy nhanh hơn quá trình hoàn thiện, và thực hiện các dự án, đáp ứng các vấn đề rất cấp thiết như biến đổi khí hậu.