09:31 26/05/2019

Thực hư về viên uống chống nắng

Minh Nguyệt

FDA chính thức phủ nhận khả năng thay thế kem chống nắng của các loại viên uống chống nắng đang lưu hành trên thị trường.


Ánh nắng được xem là "kẻ thù truyền kiếp" của phụ nữ. Không chỉ là nguyên nhân khiến da đen sạm và lão hóa, tia cực tím trong ánh nắng còn làm hại cho sức khỏe của bạn. Ngoài các biện pháp thoa kem chống nắng và che chắn mỗi khi ra ngoài thì viên uống chống nắng đang là sản phẩm được nhiều chị em phụ nữ rủ nhau sử dụng.Ở nhiều nước phương Tây, viên uống chống nắng là một sản phẩm không còn quá xa lạ. Đây là loại thực phẩm chức năng có tác dụng giúp cơ thể tạo một hàng rào bảo vệ tự phản kháng lại với ánh nắng. Các thành phần thực vật này có tác dụng chống viêm, tăng cường bảo vệ da tránh khỏi tác động của tia UV. Ngoài ra, viên uống chống nắng còn hạn chế sự thay đổi của quá trình ô xy hóa, giảm sự phân hủy collagen và elastin.Nhìn lại các cách chống nắng truyền thống, dường như chúng ta chỉ tập trung chống nắng cho da mặt hoặc những vùng da có nguy cơ tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời như cổ, tay, bàn chân. Bởi vậy mới có hiện tượng khi da bị bắt nắng sẽ thành từng vệt, từng vùng, trông rất mất thẩm mỹ. Nếu sử dụng viên uống chống nắng đồng nghĩa với việc da toàn thân được bảo vệ chống lại tác hại của ánh nắng mặt trời, tia cực tím, tia tử ngoại, tia UV.
Thực hư về viên uống chống nắng - Ảnh 1.
Viên uống chống nắng được quảng cáo là chỉ cần uống trước khi ra nắng 30 - 60 phút sẽ có tác dụng chống nắng hữu hiệu, đặc biệt thích hợp với những vận động viên và người chơi thể thao phải hoạt động ngoài nắng và ra mồ hôi nhiều; các diễn viên, người mẫu phải chụp ảnh ngoài trời gặp khó khăn khi trang điểm với kem chống nắng...Cũng theo lời quảng cáo, khi uống viên chống nắng, làn da sẽ được tăng cường khả năng chịu nắng và hạn chế được tình trạng cháy nắng, bỏng nắng. Các nhược điểm của kem chống nắng như: Phải bôi lặp lại sau mỗi 2 - 3 giờ; không bảo vệ được toàn bộ cơ thể; có khả năng gây tác dụng phụ như viêm da tiếp xúc dị ứng, làm phát sinh hay nặng hơn mụn trứng cá; gây cảm giác khó chịu trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, có nhiều mồ hôi... Còn với viên uống chống nắng, sẽ được khắc phục được các nhược điểm trên.Qua những lời giới thiệu "có cánh" như trên, nhiều người tin rằng uống viên chống nắng là cách chống nắng toàn diện và đơn giản hơn nhiều so với việc phải đội mũ, mang kính râm, mặc quần áo bảo hộ và bôi kem chống nắng. Và vì thế, trên thị trường cũng như trên các trang mạng xã hội, đang "sốt" với loại viên uống chống nắng này.
Thực hư về viên uống chống nắng - Ảnh 2.
Rất ít chị em phụ nữ biết được rằng trên thực tế,  viên uống chống nắng chỉ được kê cho các bệnh da do ánh nắng gây nên. Việc sử dụng đại trà với chức năng làm trắng, chống lão hóa hay chống nám đều không được khuyến cáo. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã chính thức phủ nhận khả năng thay thế kem chống nắng của viên uống chống nắng. "Không có một loại thực phẩm chức năng nào có thể thay thế kem chống nắng", FDA khẳng định.Đồng thời FDA cũng gửi thư cảnh cáo tới 4 công ty đang kinh doanh mặt hàng này, đó là: GliSODin Advanced Skin Brightening Formula, Napa Valley Bioscience Sunsafe Rx, Solaricare, và Sunergetic. Những công ty này đều quảng cáo viên uống chống nắng của họ có thể bảo vệ người dùng khỏi tác hại của tia UV, và ngăn chặn quá trình lão hóa sớm do tác hại của ánh nắng mặt trời. Điều này theo FDA là "gây nguy hiểm cho người tiêu dùng bằng cách khiến họ cảm thấy rằng các loại thực phẩm chức năng có thể bảo vệ làn da trước ánh nắng, ngăn cháy nắng, tránh lão hóa hoặc làm giảm thiểu nguy cơ ung thư da".BS Vũ Nguyệt Minh, Phó trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu trung ương, đồng thời là giảng viên ĐH Y Hà Nội, khẳng định: "Việc thần tượng hóa khả năng của sản phẩm và dùng viên uống thay kem chống nắng là không đúng. Trên thực tế, viên uống chống nắng không thể cản tia UV đi vào cơ thể, do đó vẫn có thể bị bỏng nắng khi tiếp xúc với nắng quá lâu". Vậy thì, cách nào chống nắng tốt nhất?
Thực hư về viên uống chống nắng - Ảnh 3.
Vẫn là những cách chống nắng truyền thống: che kín cơ thể bằng quần áo, đeo kính râm, đội nón, tránh ở ngoài trời nắng vào giờ cao điểm 9 - 16 giờ, thoa kem chống nắng để cản trở tia nắng xuyên qua da. . Bên cạnh đó, cần bổ sung một chế độ dinh dưỡng hợp lý với đủ các chất khoáng vi lượng, đủ các loại vitamin hằng ngày, từ nguồn trái cây dồi dào trong một xứ sở đầy nắng như nước ta.