Thưởng Tết có nên bằng hiện vật?
"Đã gọi là thưởng thì không nên bằng hiện vật, vì khi tặng bằng hiện vật những thứ mà người lao động không cần và không thích thì sẽ không có giá trị"
Từ 1/1/2021, quy định mới về thưởng, bao gồm thưởng Tết của người lao động trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) 2019 vừa được Quốc hội thông qua có nhiều thay đổi, cho phép mở rộng các hình thức thưởng cho người lao động.
Cụ thể, Điều 104 Bộ luật Lao động (sửa đổi) 2019 quy định thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Như vậy, thay vì chỉ được thưởng cho người lao động bằng tiền, trong Bộ luật Lao động mới mở rộng các hình thức thưởng khác, cho phép người sử dụng lao động có thể thưởng cho người lao động bằng hiện vật như chính hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp…
Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, đã gọi là thưởng thì không nên bằng hiện vật. Lý do là khi tặng bằng hiện vật những thứ mà người lao động không cần và không thích thì sẽ không có giá trị. Khi đó, người lao động có thể mang ra thị trường bán và sẽ không đảm bảo bằng giá trị tiền thưởng mà doanh nghiệp quy ra hiện vật.
Ông cũng rất hoan nghênh khi nhiều doanh nghiệp thưởng cao cho người lao động, nhưng ngược lại doanh nghiệp thưởng cho có thì không nên. "Tâm lý của người lao động là "trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng", do đó tiền thưởng mang ý nghĩa rất sâu sắc", ông Lợi lưu ý.
Cũng bày tỏ quan điểm về việc thưởng Tết bằng hiện vật, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, thực tế hiện nay ngoài thưởng Tết bằng tiền mặt, nhiều doanh nghiệp trong nước đã và đang có nhiều hình thức khuyến khích người lao động.
Chẳng hạn như thưởng cổ phiếu, thưởng bằng các chuyến tham quan du lịch hay nhiều dịch vụ khác. Không hiếm trong số đó là các hiện vật có giá trị như tủ lạnh, tivi, ô tô hay xe máy…
Theo ông, việc thưởng bằng hiện vật không phải là quá mới và chỉ có ở Việt Nam vì các tập đoàn lớn trên thế giới như Amazon hay Nike từng có kế hoạch thưởng cổ phiếu cho nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều tập đoàn của Trung Quốc còn thưởng ô tô cho người lao động.
Mặc dù vậy, ông cũng lưu ý việc quyết định hình thức thưởng ra sao còn phải được sự đồng thuận của đại diện người lao động tại cơ sở.
Do đó, việc thưởng bằng tiền mặt, hiện vật hay dịch vụ, mức thưởng và thời điểm nào sẽ cần được bàn thảo, công khai từ trước khi áp dụng.
Trước đó, theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mức thưởng bình quân trong dịp Tết Nguyên đán năm 2019 bằng khoảng 1 tháng lương là 6,31 triệu đồng/người, tăng 11,4% so với năm 2018 (năm 2018 là 5,527 triệu đồng/người).