Tính toán gói kích thích kinh tế đủ lớn và có trọng điểm
Liên tục bị bào mòn bởi bốn đợt bùng phát của đại dịch Covid-19, sự tiếp sức của chính sách thuế và lãi suất thời gian qua không tác động nhiều đến sự phục hồi hoạt động của doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần tính toán gói kích cầu mạnh tay hơn, hỗ trợ tổng thể hơn để vực dậy doanh nghiệp, người dân...
Vận tải hành khách và du lịch là hai lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất từ đại dịch Covid-19. Sau hai năm chống chịu trước bốn đợt bùng phát, ngành du lịch “tê liệt” hoàn toàn. Báo cáo Tổng cục Thống kê cho thấy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam lũy kế 10 tháng năm 2021 chỉ đạt 125 nghìn lượt khách, tương ứng mức giảm 99% so với thời kỳ đỉnh cao năm 2019 (14,5 triệu lượt khách) và giảm 96,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Lũy kế 10 tháng, vận tải hành khách ước đạt 2.141 triệu lượt khách, giảm 27,1% so với cùng kỳ. Trong đó, hàng không sụt giảm sâu 48,2% do đường bay nội địa hoạt động cầm chừng với công suất hạn chế.
DU LỊCH, VẬN TẢI TRỞ VỀ ĐIỂM XUẤT PHÁT
Gần đây nhất, để hỗ trợ các lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong đó có vận tải và du lịch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 406 ngày 19/10/2021 về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Chỉ một tuần sau (27/10/2021), Nghị định số 92/2021/NĐ-CP hướng dẫn của Nghị quyết 406 được ban hành.
Theo đó, với doanh nghiệp, tổ chức có doanh thu không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019 sẽ được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021. Riêng với doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, du lịch được giảm thêm 30% thuế giá trị gia tăng nhằm kéo giảm giá sản phẩm, dịch vụ và hàng hoá, kích cầu người tiêu dùng trong 2 tháng cuối năm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, chỉ giảm 30% thuế giá trị gia tăng không có nhiều ý nghĩa bởi tác động rất yếu tới mức giảm giá của hàng hóa, chưa đủ kích cầu tiêu dùng. Sức mua của người tiêu dùng hiện cũng rất hạn chế, họ cũng thận trọng và e dè hơn trong di chuyển nên nhu cầu khó bật tăng mạnh mẽ.
Mặt khác, hiện doanh thu của nhiều doanh nghiệp như các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch, dịch vụ… giảm mạnh đến 50-80% so với trước dịch, thậm chí doanh thu không bù đắp nổi chi phí, nên chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng không phát huy tác dụng.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Vietravel Holdings cho rằng: “Việc giảm thuế giá trị gia tăng ở mức 30% chỉ trong vòng 60 ngày như muối bỏ bể”. Sau 2 năm đại dịch hoành hành, từ 18 triệu lượt khách quốc tế, 93 triệu lượt khách nội địa thời kỳ thăng hoa năm 2019 đều gần trở về con số không. Vì vậy, Chủ tịch Vietravel đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 5%, thời gian áp dụng dài hơn, trong khoảng 2 năm để kích cầu thật sự.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cùng các hiệp hội doanh nghiệp khác nhiều lần kiến nghị Chính phủ mạnh tay giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hay đề xuất ngân sách cấp bù 3-4% lãi suất đối với cả vốn vay hiện tại và vốn vay mới, với mức giảm lãi suất còn từ 4-4,5%/năm. Bởi các ngân hàng dù công bố mức giảm lãi từ 0,3-1,5%/năm, cùng những gói tín dụng ưu đãi khác, nhưng mức giảm này là không đáng kể.
TRÔNG CHỜ VÀO DƯ ĐỊA TÀI KHOÁ
Nhiều quốc gia có sức bật nhanh hơn sau các gói kích thích như Mỹ rót 27,9% GDP, đẩy tỷ lệ nợ công của Mỹ lên 133% GDP. Thái Lan có gói tương ứng 15,6%, nợ công tăng lên 50,5%. Hiện nhiều ý kiến cho rằng cần mạnh tay chi ngân sách, tăng bội chi; thậm chí nới trần nợ công do dư địa nợ công còn lớn, để vực dậy nền kinh tế và tăng chi cho đầu tư phát triển do chính sách hỗ trợ Việt Nam tương đối thấp, khoảng 10,5 tỷ USD, tương đương 2,85% GDP.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc gần đây khẳng định “dư địa không còn nhiều”. Cụ thể, nợ công tính theo GDP cũ đều vượt ngưỡng. Theo đó, nợ công đến năm 2025 theo GDP mới đánh giá lại khoảng 45,6% GDP nhưng nếu tính theo GDP cũ, nợ công là 57,9%, tức vượt ngưỡng 55%. Mặt khác, nợ Chính phủ giai đoạn 2021-2025 khoảng 41,8%, nhưng nếu tính theo GDP cũ thì khoảng 53,1%, cũng vượt ngưỡng cảnh báo 45%.
Tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 11/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng thẳng thắn chỉ rõ: “Doanh nghiệp và người dân đều mong muốn gói kích thích mới. Nhiều đại biểu muốn nâng bội chi, tăng trần nợ công, gói nọ gói kia. Nhưng toàn bộ số tiền chúng ta đang có còn chưa tiêu được thì tiêu mới cái gì”.
Cụ thể, 16.000 tỷ đồng cấp cho Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 hiện vẫn nằm im, chưa phân bổ được đồng nào. Bên cạnh đó, hết 10 tháng 2021, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt được 55,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương 257.387 tỷ đồng.
Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, nhiệm kỳ 5 năm trước, giải ngân cuối kỳ rất tốt nhưng bình quân cả giai đoạn chỉ giải ngân đạt 75%.
Giai đoạn tiếp theo, Thủ tướng yêu cầu giải ngân ít nhất 95% vốn đầu tư công 2,87 triệu tỷ đồng, nghĩa là mỗi năm giải ngân 574 ngàn tỷ đồng. Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV phân tích: đầu tư công chưa chắc giải ngân hết, nhưng lại tính đến bổ sung 200-300 nghìn tỷ đồng trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất mới đây.
TÍNH TOÁN SÁT SỐ TIỀN THỰC CHI
Giải trình trước Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Bộ Tài chính đang tham mưu cho Chính phủ gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất mỗi năm khoảng 20.000 tỷ đồng, hai năm khoảng 40.000 tỷ đồng để không ảnh hưởng đến nợ công và bội chi. Lãnh đạo ngành tài chính ủng hộ gói kích cầu, bởi sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển và sau đó quay trở lại tăng thu ngân sách, giảm bội chi trong các năm sau.
“Chúng ta phải thực hiện gói kích cầu vào chương trình trọng điểm có sức lan toả lớn, vào lĩnh vực hiệu quả. Nếu hỗ trợ 4% thì có 1 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế sẽ tạo việc làm, thúc đẩy sản lượng, giảm bội chi ngân sách vào những thời kỳ sau”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lý giải.
Cùng quan điểm trên, về gói hỗ trợ lãi suất, TS. Cấn Văn Lực cho hay dự kiến sẽ hỗ trợ vài trăm nghìn tỷ đồng dư nợ tín dụng nhưng thực tế ngân sách sẽ chỉ phải bỏ ra khoảng 10.000 tỷ để hỗ trợ lãi suất. Gói hỗ trợ lãi suất rất cần thiết nhưng cần rút kinh nghiệm những bài học từ năm 2009, chứ không bàn lùi. “Những sang chấn, tồn dư do đại dịch Covid gây ra rất nặng nề, vì vậy phục hồi cấp thiết”, ông Lực nhấn mạnh.
Phân tích về nguồn lực huy động cho chương trình phục hồi, theo TS. Cấn Văn Lực, xét về cấu trúc vốn đầu tư toàn xã hội hiện nay, kênh tín dụng chiếm tỷ trọng 50%, thị trường chứng khoán 15%, đầu tư công 13%, FDI 22%. Khi đó, sẽ tính toán được huy động nguồn lực cho chương trình phục hồi nền kinh tế đi từ nguồn nào.
Nhiều cấu phần không thể tính phần tiền từ ngân sách, phải bóc tách phần lan toả để tính số lượng thực chi. Bên cạnh đó, song song với gói hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, cần đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước. “Làm tốt cổ phần hoá, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước mỗi năm ngân sách có thể thu về khoảng 40.000 tỷ đồng, do vậy cần xem đây là nhiệm vụ trọng tâm”, ông Lực nhấn mạnh.
"Doanh thu của các doanh nghiệp du lịch vẫn rất thấp, để duy trì hoạt động, giữ chân được các lao động chủ chốt, các doanh nghiệp du lịch cần có sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước thông qua việc giảm thuế giá trị gia tăng 50%.
Việc giảm thuế giá trị gia tăng từng được Chính phủ quyết định năm 2009 và mang lại hiệu quả to lớn trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch khắc phục khó khăn do khủng hoảng tài chính toàn cầu”.
"Dự toán ngân sách dành cho chương trình phục hồi cần chính xác hơn, khoa học, đúng bản chất hơn. Cần có đánh giá tác động với các cán cân lớn nền kinh tế như việc làm, tăng trưởng kinh tế, nợ công, nghĩa vụ trả nợ cần tính toán cụ thể. Chính sách thuế cũng được nhiều nước tính đến để phục hồi tốt hơn, cơ cấu ngân sách bền vững hơn.
Đồng thời, thiết kế chính sách sát hơn do nhiều chính sách trước đây không khả thi. Chúng ta cũng cần thực hiện tốt gói hỗ trợ hiện tại. Việt Nam vẫn còn dư địa từ những gói hỗ trợ này vì làm chưa tốt, chưa nhanh, làm chưa hết. Mặt khác, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải toả ách tắc tồn tại, đây là nguồn lực lớn cho phát triển”.