10:45 26/10/2021

Cần nhiều nỗ lực để “rã đông” du lịch

Lưu Hà

Sau thời gian “đóng băng” kéo dài, một số địa phương đã đón khách du lịch nội tỉnh và bắt đầu có những đoàn khách liên tỉnh đầu tiên. Dù vậy, lộ trình đón du khách trở lại, nhất là khách liên tỉnh, vẫn còn nhiều khó khăn...

Du lịch từng là ngành kinh tế hàng đầu của Việt Nam, với khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2019, đã suy sụp toàn diện trong nửa cuối 2021, sau đợt tái bùng phát dịch diện rộng hồi mùa hè. Khi chính phủ tuyên bố chấm dứt các biện pháp giãn cách, phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn quốc từ giữa tháng 10, các hoạt động du lịch trở nên hứa hẹn hơn. Song các quy định kiểm soát đi lại và y tế ở các địa phương khác nhau lại khiến doanh nghiệp du lịch khó khăn khi chủ động xây dựng chương trình tour.

HƯỚNG ĐẾN GIAI ĐOẠN BÌNH THƯỜNG MỚI

Ngày 18/10 vừa qua, đoàn khách du lịch đầu tiên từ TP.HCM đã đi Tây Ninh theo chương trình liên kết du lịch của 2 địa phương trong giai đoạn thí điểm. Ngành du lịch TP.HCM cũng sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương khu vực Nam Trung Bộ và ĐBSCL để chuẩn bị cho kế hoạch phục hồi và đẩy mạnh du lịch nội địa. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, kỳ vọng cùng với việc đưa khách từ thành phố đi các tỉnh, khách du lịch cả nước cũng có thể tới TP.HCM bởi thành phố đã là điểm đến an toàn khi tỉ lệ người dân được tiêm đủ 2 mũi vaccine ở mức rất cao.

Tại Khánh Hòa, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đã chủ trì kiểm tra, thẩm định về việc đáp ứng an toàn trong hoạt động du lịch đối với một số khách sạn, resort, khu du lịch trên địa bàn để sớm đón khách trở lại. Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, việc khôi phục du lịch không chỉ nhằm mục đích thu ngân sách mà còn tạo động lực cho các ngành nghề cùng tái hoạt động. Tỉnh này hướng đến giai đoạn "bình thường mới" dựa trên tiêm chủng và các phương án bảo đảm an toàn phòng chống dịch.

Đà Nẵng cũng vừa trình phương án đón khách nội tỉnh từ ngày 20/10. Giai đoạn 2 từ tháng 11, TP. Đà Nẵng triển khai mô hình "bong bóng du lịch", liên kết với một số tỉnh, thành khác. Tiếp đó, giai đoạn 3 sẽ là giai đoạn "bình thường mới". Ông Huỳnh Tấn Vinh, Công ty Cổ phần Khu du lịch Bắc Mỹ An - The Furama Resort Da Nang, chia sẻ: “Cho dù là đón du khách từ đâu, điều kiện tiên quyết là người đó phải được tiêm vaccine đầy đủ. Tôi nghĩ rằng, với lộ trình như vậy, thì triển vọng đến giữa năm 2022 Đà Nẵng có thể mở cửa đón khách nội địa, và đến giữa cuối năm 2022 có thể đón khách quốc tế”.

TP.HCM đã là điểm đến an toàn khi tỉ lệ người dân được tiêm đủ 2 mũi vaccine ở mức rất cao.
TP.HCM đã là điểm đến an toàn khi tỉ lệ người dân được tiêm đủ 2 mũi vaccine ở mức rất cao.

Tại tỉnh Quảng Nam, lộ trình khôi phục ngành du lịch được xây dựng theo các giai đoạn từ nay đến đầu năm 2022. Giai đoạn 1 (dự kiến bắt đầu từ cuối tháng 10), thị trường mục tiêu là khách nội tỉnh và các tỉnh, thành"vùng xanh" liền kề. Giai đoạn 2 (từ tháng 12), tỉnh thí điểm đón khách từ một số tỉnh, thành đã kiểm soát được dịch bằng tour du lịch khép kín. Nếu thuận lợi, từ tháng 1/2022, tỉnh Quảng Nam bắt đầu giai đoạn 3, mở rộng đón khách du lịch, nghỉ dưỡng trên cả nước.

Bà Trần Nguyện, Trưởng ban Ban Kinh doanh khối Sun World (Sun Group) nhận định: “Giai đoạn này rất cần thiết mở lại các hoạt động để đón du khách vào mùa du lịch Tết Dương lịch và Tết Âm lịch, cũng như năm 2022. Mặt khác, thời điểm này, du khách nội địa không quá đông, các địa phương, điểm đến có thể đưa ra những quy trình thử nghiệm và vận hành an toàn nhất. Có thể nói, đây là thời điểm “đẹp và chín” để mở lại các hoạt động du lịch”.

NHỮNG VIỆC CẦN LÀM NGAY

Rất kịp thời, ngày 11/10, Nghị quyết 128 của Chính phủ đã đưa ra nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch, trong đó đã có tiêu chí chung cho các địa phương thực hiện. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá cao Nghị quyết 128 của Chính phủ khi đề xuất rất cụ thể các biện pháp nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả. Ông khẳng định, du khách sẽ chỉ đi du lịch trở lại trong điều kiện được bảo đảm an toàn và những thủ tục thuận tiện nhất có thể.

 
Giai đoạn này rất cần thiết mở lại các hoạt động để đón du khách vào mùa du lịch Tết Dương lịch và Tết Âm lịch. Thời điểm này, du khách nội địa không quá đông, các địa phương, điểm đến có thể đưa ra những quy trình thử nghiệm và vận hành an toàn nhất.

Tuy nhiên, từ phía các doanh nghiệp, một tuần sau Nghị quyết 128, họ vẫn đang chờ Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch ban hành hướng dẫn để hoạt động đồng bộ trên toàn quốc. "Chúng tôi kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền các địa phương sớm ban hành bộ quy tắc chung, có sự thống nhất để khai thông việc khôi phục du lịch, tránh tình trạng mỗi địa phương lại có quy định khác nhau, để doanh nghiệp chủ động chào bán sản phẩm cho khách hàng," ông Lê Hồng Thái, Phó giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, nhấn mạnh.

Lãnh đạo Vietravel và Saigontourist cũng có chung suy nghĩ này. Đặc biệt, ông Nguyễn Quốc Kỳ kiến nghị ứng dụng công nghệ vào quản lý tiêm chủng, xét nghiệm và khai báo y tế trên một ứng dụng duy nhất cấp Trung ương. Điều này giúp việc quản lý dễ dàng hơn, tạo điều kiện mở cửa thị trường du lịch nội địa. "Doanh nghiệp cũng sẽ tự tin đưa ra các sản phẩm và chương trình kích cầu để phục hồi ngành du lịch, tạo thêm công ăn việc làm cũng như đóng góp vào quá trình phục hồi kinh tế nói chung," Chủ tịch HĐQT Vietravel nêu quan điểm.

Theo các doanh nghiệp lữ hành, Chính phủ nên tính toán thiết lập hộ chiếu vaccine của Việt Nam và tiến đến công nhận hộ chiếu vaccine với các quốc gia khác, tạo tiền đề thúc đẩy du lịch quốc tế. Tuy nhiên, biện pháp thức thời hiện nay vẫn là hỗ trợ doanh nghiệp, từ việc phủ vaccine cho người lao động, đến các chính sách cụ thể và dễ tiếp cận như gói vay trả lương hay khoản vay ưu đãi do Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp có lịch sử đóng góp ngân sách tốt.

Du khách sẽ chỉ đi du lịch trở lại trong điều kiện được bảo đảm an toàn và những thủ tục thuận tiện nhất có thể.
Du khách sẽ chỉ đi du lịch trở lại trong điều kiện được bảo đảm an toàn và những thủ tục thuận tiện nhất có thể.

Theo bà Trần Nguyện từ Sun Group, để du lịch có thể mở cửa hiệu quả, điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo yếu tố an toàn. Tiêm vaccine phải được phổ cập rộng rãi, chỉ nên mở lại du lịch khi điểm đến đạt được tỷ lệ miễn dịch cộng đồng từ 70% đến 80% trở lên. “Do đó, trong bối cảnh vaccine về chậm, không thể tiêm dàn trải, mà phải ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm cho các điểm đến như Hà Nội, TP.HCM, Phú Quốc, Hạ Long, Sa Pa, Nha Trang, Đà Nẵng…”, bà Nguyện nhấn mạnh.

Được biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây đã có hướng dẫn tạm thời trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Theo đó, hoạt động của các cơ sở kinh doanh du lịch được tổ chức phục vụ 100% công suất đối với địa bàn có dịch cấp độ 1 và 2. Địa bàn có dịch cấp độ 3 chỉ tổ chức hoạt động tham quan tập trung trong nhà và các chương trình du lịch theo nhóm dưới 25 người. Cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống hoạt động không quá 50% công suất tại cùng một thời điểm. Không đón khách mới khi đang phục vụ khách có công suất trên 50%...

 

Là doanh nghiệp lữ hành hàng đầu Việt Nam nhưng năm 2021, Vietravel chỉ đạt doanh thu 10% chỉ trong 7 tháng đầu năm. Còn 5 tháng từ 11/5 đến hết 30/10 hầu hết doanh thu bằng 0. Lượng nhân viên làm việc chỉ từ 3 - 5%... Vì vậy, cần có những hỗ trợ riêng cho ngành du lịch phục hồi sau Covid-19.