06:00 26/10/2021

Có cần nới trần nợ công?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh *

Nợ công vẫn còn cách ngưỡng an toàn khoảng 16% GDP nếu tính theo GDP mới năm 2020, vì vậy, chưa cần thiết phải nâng mức trần nợ công. Quan trọng là phải đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, hấp thụ vốn tốt, đảm bảo hiệu quả vốn vay. Từ đó, đảm bảo khả năng trả nợ, an toàn nợ công và an toàn tài chính quốc gia...

Chi phí cho công tác phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ an sinh xã hội giai đoạn 2020-2021 đã khiến ngân sách gặp nhiều khó khăn khi phải thực hiện những gói kích thích “chưa có tiền lệ”.

Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia nới trần nợ công để phục hồi nền kinh tế bị tàn phá bởi đại dịch. Tại Việt Nam, trong năm 2020, Chính phủ đã tăng thêm vay nợ công. Trong năm 2021, Chính phủ đã và đang tiếp tục tìm cách tăng vay nợ công để hỗ trợ thêm nếu nền kinh tế vẫn hấp thụ vốn tốt, đảm bảo hiệu quả vốn vay.

NỢ CÔNG TRONG TẦM KIỂM SOÁT

Nhìn lại giai đoạn 2011-2016, nợ công nổi lên trở thành một chủ đề thời sự nóng bỏng khi nợ công tăng nhanh một cách đáng ngại, từ 50% GDP năm 2011 đã tiến gần về ngưỡng 65% GDP, với dư nợ công năm 2016 chiếm 63,7% GDP.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế.

Dù vậy, chất lượng tăng trưởng kinh tế vẫn có nhiều bất cập, hiệu quả đầu tư công chưa cao, áp lực trả nợ gia tăng. Trong bối cảnh nguy cơ nợ công vượt khỏi tầm kiểm soát, Chính phủ đưa ra các giải pháp quyết liệt giảm áp lực nợ công, nâng cao hiệu quả đầu tư công, nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Nhờ sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, công tác quản lý, huy động và trả nợ công, nợ Chính phủ đạt nhiều kết quả tích cực, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ về quản lý nợ công theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách.

Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020, nợ công của Việt Nam được kiểm soát theo hướng bền vững hơn, với mức nợ công chiếm khoảng 54,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 49,1% GDP, thâm hụt ngân sách ở mức bình quân khoảng 3,6% GDP. Tất cả đều thấp hơn mức trần quy định của Quốc hội là nợ công 65% GDP, nợ Chính phủ là 54% GDP và thâm hụt ngân sách nhà nước là 3,9% GDP.

Quan trọng hơn, nợ công đã được cơ cấu lại tốt hơn trước rất nhiều. Dù danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn tập trung vào ba loại tiền chủ đạo gồm USD, JPY và EUR, chiếm tỷ lệ tương ứng 38,7%; 34,2% và 16,7% dư nợ nước ngoài của Chính phủ tính đến 31/12/2019, nhưng cơ cấu giữa các đồng tiền đang dần thay đổi theo xu hướng hợp lý.

Đáng chú ý, kỳ hạn bình quân các khoản vay nợ công trong năm 2011 là 3,9 năm tăng lên mức 13,94 năm vào năm 2020. Lãi suất bình quân vay nợ công năm 2011 là 12,01%/năm nhưng năm 2020 đã giảm xuống còn 2,86%/năm. Tốc độ tăng nợ công cũng giảm hơn một nửa, nếu như năm 2011 - 2015 là hơn 18,1% thì giai đoạn 2016 - 2020 chỉ hơn 6,8%. Tỷ trọng nợ trong nước/nợ công tăng từ 38,9% năm 2011 lên 60,1% năm 2016 và 61,9% tổng dư nợ của Chính phủ cuối năm 2019.

Nợ công của Việt Nam được kiểm soát theo hướng bền vững hơn giai đoạn 2016-2020.
Nợ công của Việt Nam được kiểm soát theo hướng bền vững hơn giai đoạn 2016-2020.

Phát huy sự thành công của quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020, ngày 28/7/2021 Quốc hội nhất trí thông qua Nghị quyết về Kế hoạch tài chính quốc gia về vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, (i) Trần nợ công hàng năm không quá 60% GDP, ngưỡng cảnh báo là 55% GDP; (ii) Trần nợ Chính phủ hàng năm không quá 50% GDP, ngưỡng cảnh báo là 45%; (iii) Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước.

Theo các báo cáo mới nhất của Chính phủ, nợ công năm 2020 đạt mức 45,08% GDP mới. Dự kiến đến cuối năm 2021, nợ công ở mức 43,7% GDP. Nếu so với GDP cũ thì tỷ lệ nợ công đạt 55,3%. Nợ Chính phủ ở mức 39,5% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước ước khoảng 24,8%. Một chỉ tiêu quan trọng khác là nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP dự kiến cũng sẽ giảm xuống còn khoảng 38,8%.

Nguồn: Báo cáo của Chính phủ.
Nguồn: Báo cáo của Chính phủ.

Như vậy, nếu so với ngưỡng quy định nợ công mới theo GDP mới năm 2020 thì nợ công vẫn còn cách ngưỡng khoảng 16% GDP, nếu so với ngưỡng trước năm 2020 là 65% thì còn gần 10% GDP. Do vậy, chưa cần nâng mức trần nợ công.

CÒN DƯ ĐỊA HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP, PHỤC HỒI KINH TẾ

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và tác động trầm trọng của đại dịch với kinh tế - xã hội của cả nước, Chính phủ Việt Nam có những rà soát, điều chỉnh phù hợp và tăng mức vay nợ công để bù đắp các chi tiêu tăng cao trong phòng chống đại dịch trong năm 2020 và năm 2021.

Thực tế trong năm 2021, căn cứ vào tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn do đại dịch bùng phát trở lại lần thứ 4, trên cơ sở nguồn lực có thể huy động, Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền can thiệp theo cách tiếp cận, hỗ trợ có mục tiêu và đan xen giữa nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế.

Về chính sách thu ngân sách, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ công bố gói giãn hoãn, ưu đãi thuế tập trung hơn vào tháng 4/2021 để hỗ trợ doanh nghiệp. Gói hỗ trợ này tiếp tục thành công khi cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất đến cuối năm dương lịch, để doanh nghiệp có thêm vốn lưu động trong thời gian khủng hoảng. Gói này ước tính trị giá 1,9% GDP, bằng một nửa quy mô gói hỗ trợ năm 2020.

 
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã tăng mức vay nợ công để bù đắp thâm hụt ngân sách nhà nước cho các chi tiêu phòng chống dịch bệnh Covid-19. Theo kịch bản cơ sở được WB đưa ra vào cuối tháng 9/2021, bội chi ngân sách của Việt Nam dự kiến tăng từ 4,9% GDP năm 2020 lên 6% năm 2021, dẫn đến nợ công năm 2021 tăng thêm khoảng 3% GDP. 

Trong năm 2020, chính sách này cũng được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh, với tổng số thuế được gia hạn đạt 87.232 tỷ đồng, tương đương 3,8 tỷ USD. Đồng thời, không ảnh hưởng quá nhiều đến ngân sách nhà nước, vì hoãn nộp thuế chỉ là biện pháp tạm thời và cuối cùng các doanh nghiệp vẫn phải nộp thuế vào cuối năm.

Cùng lúc đó, trong tháng 7/2021, Chính phủ đã phê duyệt gói hỗ trợ xã hội lần thứ hai cho người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Gói đảm bảo an sinh xã hội này ước tính có tổng giá trị 26.000 tỷ đồng, tương đương 1,1 tỷ USD cũng các doanh nghiệp được hoan nghênh khi tổn thất tài chính của doanh nghiệp và xã hội tăng cao trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần 4.

Việc sửa đổi các quy định và thủ tục cũng giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận được với gói 16.000 tỷ đồng vay với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động. Cùng với đó, các gói hỗ trợ về miễn giảm 30 loại phí, lệ phí cho các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực.

Ngoài gói hỗ trợ về tiếp tục giãn hoãn đòi nợ vay, tái cấu trúc các khoản nợ vay cho các doanh nghiệp, gần đây Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ 3.000 tỷ đồng giảm khoảng 2% lãi suất cho một khoản tín dụng trên 100.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế...

Nếu các gói hỗ trợ được triển khai thực hiện thành công và phát huy hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau giãn cách.

Tuy nhiên, trong năm 2021 do các nghĩa vụ trả nợ các trái phiếu Chính phủ ở trong nước đến hạn nên theo tính toán, nghĩa vụ trả nợ đã tăng lên 27,3% so với thu ngân sách nhà nước, vượt mức trần 25% Quốc hội cho phép.

HẤP THU NỢ TỐT SẼ KHÔNG ĐÁNG LO NGẠI

Hiện trái phiếu Chính phủ phát hành nội địa đã chiếm đến 14% thu ngân sách nhà nước, tức chiếm đến 51,3% tổng số tiền trả nợ. Đồng thời, Bộ Tài chính cố gắng tăng thu ngân sách để hạ thấp tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước về mức 24,8%.

Nhưng vấn đề về khả năng trả nợ công, đảm bảo năng lực trả nợ công rất cần được Chính phủ cân nhắc, xem xét để đảm bảo an toàn nợ công.

Việc tăng nợ công nếu có danh mục nợ tốt, chi phí nợ hợp lý, khả năng hấp thụ nợ của nền kinh tế tốt, hiệu quả sử dụng nợ vay cao, khả năng trả nợ được đảm bảo thì không có gì lo ngại.

Có cần nới trần nợ công? - Ảnh 1

Điều quan trọng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong hỗ trợ các doanh nghiệp trong nền kinh tế hoặc thông qua các dự án, chương trình đầu tư công, các công trình phúc lợi xã hội mới là nhân tố quyết định đảm bảo khả năng trả nợ, duy trì mức bền vững của nợ công.

Đây chính là công việc cần được các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm để phát huy hiệu quả của các khoản hỗ trợ, giúp nền kinh tế phục hồi và phát triển. Mặt khác, việc đẩy mạnh tiến độ giải ngân đầu tư công để kích thích sự tăng trưởng và phát triển của các ngành nghề sản xuất kinh doanh, tạo sự lan tỏa kích cầu sản xuất và tiêu dùng cũng cần được quan tâm.