06:00 09/11/2021

HSBC: Du lịch bắt đầu "rã đông", tăng trưởng GDP quý 4 của Việt Nam dự kiến khoảng 3,8%

Bên cạnh hoạt động du lịch bắt đầu hồi phục, Việt Nam cũng còn một số động lực khác nhưng khả năng phục hồi tăng trưởng vẫn khá chậm...

Tại báo cáo Vietnam At A Glance tháng 11/2021, HSBC nhận định, với việc Việt Nam dự kiến mở cửa một số điểm đến du lịch từ tháng 11, đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho thị trường lao động và cán cân vãng lai hồi phục.

Trước đó, từ tháng 3/2020, Việt Nam đóng cửa phần lớn biên giới, chỉ xem xét nhập cảnh cho công dân Việt Nam hồi hương, người nhập cảnh với mục đích ngoại giao, nhà đầu tư nước ngoài và chuyên gia kèm yêu cầu cách ly cụ thể.

Sang đến quý 3/2021, Việt Nam bắt đầu nới lỏng các hạn chế ở biên giới khi số ca mắc mới trong ngày trở nên ổn định, nhưng vẫn còn khá thận trọng nên chưa mở cửa ồ ạt. Cụ thể, Việt Nam sẽ chỉ mở cửa 5 địa điểm thu hút du lịch là đảo Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Nam (nơi có phố cổ Hội An), Khánh Hòa (có thành phố biển Nha Trang) và Quảng Ninh (có Vịnh Hạ Long) từ tháng 11.

Ngoài ra, Việt Nam đã nhanh chóng được chấp nhận “giấy chứng nhận vaccine” của 72 nước và phát triển đường bay mới để thu hút nguồn khách du lịch mới. Từ tháng 11, Vietnam Airlines bắt đầu khai thác đường bay thẳng thương mại thường lệ đến Mỹ, trong khi Bamboo Airways sẽ đưa vào khai thác các chuyến bay thẳng tới Anh từ tháng 1/2022. Bộ Giao thông Vận tải cũng đang lên kế hoạch mở lại các đường bay quốc tế.

"Mặc dù Việt Nam đang từng bước tiến tới mục tiêu mở cửa trở lại cho thấy dấu hiệu đáng mừng, tuy nhiên vẫn nhiều tình huống khó lường thường xảy ra trong giai đoạn dịch bệnh, gây ảnh hưởng tới quá trình hồi phục ngành du lịch", HSBC nhận định.

Một số chỉ tiêu kinh tế chính của Việt Nam
Một số chỉ tiêu kinh tế chính của Việt Nam

HSBC cũng nhấn mạnh thêm, kinh tế Việt Nam còn có nhiều động lực ngoài nước nhưng khá chậm. Trong đó, xuất khẩu không còn bị âm trong tháng 10, song mức độ tăng trưởng còn quá thấp (0,3% so với cùng kỳ năm ngoái); xuất khẩu hàng dệt may và da giày đã bớt trì trệ so với tháng 9 nhưng vẫn sụt giảm 19% so với tháng 10 năm ngoái. Xuất khẩu điện thoại giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân chủ yếu là do hiệu ứng cơ sở; linh kiện máy tính tiếp tục tăng trưởng chậm so với trước khi bùng dịch chủng Delta.

Không những vậy, chuỗi cung ứng phục hồi chậm chạp phản ánh tình trạng thiếu hụt lao động trên diện rộng, đặc biệt trong những ngành dùng nhiều nhân công.

“Vì vậy, với tình hình phục hồi sản xuất chậm trễ như hiện nay, chúng tôi vẫn giữ quan điểm về khả năng phục hồi tăng trưởng ở mức 3,8% trong quý 4/2021 so với cùng kỳ năm ngoái”, HSBC nhận định.

Riêng về chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 đã giảm 0,2% so với tháng trước, chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái, HSBC nhìn nhận đây là một chỉ số đáng ngạc nhiên với thị trường, với nguồn gốc sâu xa chủ yếu do áp lực giá dao động theo nhu cầu đã giảm xuống. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy tình hình phục hồi kinh tế chậm chạp.

Bên cạnh đó, một vấn đề cần quan tâm theo dõi là giá nhiên liệu tăng. Điển hình như chi phí vận chuyển tăng nhanh chóng 2,5% so với tháng trước, đóng vai trò nhân tố chính tạo ra lạm phát.

Các chuyên gia của HSBC nhận định: “Chúng tôi vẫn tin tưởng rằng, nhu cầu trong nước dần phục hồi dù chậm vẫn có khả năng bù lại cho giá nhiên liệu tăng cao, đồng thời, kỳ vọng lạm phát sẽ chỉ tăng lên 2,1% trong năm 2021. Khi nền kinh tế trở lại bình thường, nhu cầu trong nước nhiều khả năng sẽ đẩy lạm phát lên 3,5% trong năm 2022”.