TP.HCM: Sở Công Thương kiến nghị cho mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ
Hàng quán kinh doanh ăn uống tại chỗ phải kết thúc trước 9 giờ đêm hàng ngày, phục vụ tối đa 50% công suất (sức chứa), mỗi bàn không quá 2 người ngồi, khoảng cách giữa các bàn là 02 mét, thực khách bảo đảm tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19…
Trên đây là các điều kiện cơ bản đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ phải bảo đảm, theo công văn chiều ngày 19/10 của Sở Công Thương TP.HCM kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố cho phép tái hoạc động các nhà hàng, quán ăn phục vụ tại chỗ, trên địa bàn TP.HCM.
Sở Công Thương TP.HCM cho biết, sau nửa tháng thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn Thành phố đã tổ chức hoạt động trở lại trong điều kiện an toàn để phục vụ nhu cầu người dân. Tuy nhiên, tỷ lệ hoạt động còn chưa cao, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, do tất cả các cơ sở phục vụ ăn uống, hàng quán đều chỉ bán mang về.
Việc cho phép phục vụ khách ngồi tại chỗ là từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế thông qua phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ trên nguyên tắc “An toàn đến đâu, mở cửa đến đó”. Sở Công Thương TP.HCM cũng cho rằng việc mở cửa ăn uống tại chỗ nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời hỗ trợ từng bước khôi phục hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trên địa bàn.
Theo thống kê, tính đến nay, độ bao phủ vaccine của TP.HCM đã đạt tỷ lệ trên 98% số người được tiêm 01 mũi và trên 75% với người đã tiêm 02 mũi. Theo Sở Công Thương Thành phố, tỷ lệ này đang tiếp tục được nâng lên, bảo đảm an toàn cho các hoạt động bình thường trở lại.
Sở Công Thương cũng đề nghị UBND Thành phố giao Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM (là ban quản lý ngành) chủ trì, phối hợp với các quận/huyện hướng dẫn các cơ sở thực hiện cũng như tổ chức hậu kiểm khi được phép bán phục vụ tại chỗ. Cũng theo thống kê của Sở Công Thương Thành phố, trên địa bàn có khoảng 7.500 doanh nghiệp cùng hàng chục ngàn hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống. Do phải tạm ngừng kinh doanh để phòng chống dịch Covid-19 suốt mấy tháng qua khiến doanh thu ngành ẩm thực giảm mạnh. Cụ thể, doanh thu dịch vụ ăn uống 8 tháng qua của Thành phố chỉ đạt khoảng 32.075 tỷ đồng, giảm 620,3% so cùng kỳ năm 2020. Kinh doanh sụt giảm nên hàng loạt doanh nghiệp ngành hàng thực phẩm và đồ uống phải đóng cửa, trả mặt bằng hoặc thu hẹp kinh doanh.
Trước đó, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) đã có văn bản gửi Uỷ ban nhân dân TP.HCM và Sở Công Thương Thành phố, kiến nghị cho phép các cơ sở dịch vụ ăn uống trong địa bàn TP.HCM được mở cửa hoạt động bình thường trở lại.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch VCCA, ẩm thực đang nằm trong nhóm ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt phân khúc nhà hàng. Những năm qua, ẩm thực là ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt, mỗi năm đóng góp khoảng 15% GDP cả nước nhưng những thiệt hại kinh tế do dịch Covid-19 gây ra cho ngành ẩm thực rất lớn, đến nay chưa thể thống kê, đánh giá cụ thể
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM đang biến chuyển tích cực, nhịp sống đang từng bước hồi sinh, nhiều hoạt động kinh tế đang tái hoạt động tạo hiệu ứng tích cực và tâm lý nhẹ nhàng cho người dân. Vì vậy, “VCCA kiến nghị Ủy ban nhân dân TP.HCM cho phép các cơ sở dịch vụ ăn uống trong địa bàn Thành phố được mở cửa hoạt động bình thường trong giai đoạn “bình thường mới” với điều kiện chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Chính phủ và Ủy ban nhân dân Thành phố”, ông Kỳ nói.
Kể từ ngày 01/10/2021, TP.HCM thực hiện Chỉ thị 18 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố. Nhiều hoạt động kinh tế, ngành nghề đã hoạt động trở lại bảo đảm các tiêu chí phòng chống dịch. Riêng dịch vụ hàng quán ăn uống tại chỗ vẫn chưa được phép hoạt động mà chỉ phục vụ mang về.
Trước đó, ngày 14/10/2021, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi đã cho biết, TP.HCM sẽ cho mở lại các dịch vụ ăn uống tại chỗ trên tinh thần khẩn trương, nhưng phải đánh giá kỹ tình hình trong thời gian tới. Bởi nếu nôn nóng một chút sẽ ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch.