10:38 05/11/2021

Trang sức bền vững và xu hướng "tái chế" kim cương 

Minh Nguyệt

Những năm gần đây, kim cương nhân tạo được nhắc đến nhiều khi người tiêu dùng biết đến vấn nạn bóc lột lao động tại các mỏ kim cương. Tuy nhiên, với một số người theo xu thế bền vững, dường như thế vẫn là chưa đủ…

Đối với các doanh nghiệp kim hoàn, ưu điểm của việc sử dụng kim cương nhân tạo là giảm được chi phí. Tỷ suất lợi nhuận của kim cương nhân tạo thường cao hơn kim cương tự nhiên từ 16 - 40%. Sản xuất kim cương nhân tạo cũng hạn chế việc khai thác các mỏ kim cương trong tự nhiên.

Tuy nhiên kim cương nhân tạo lại không hoàn toàn có lợi cho môi trường. Trong quá trình sản xuất, kim cương nhân tạo đã tạo ra lượng khí thải carbon nhiều hơn kim cương tự nhiên. Việc sản xuất kim cương nhân tạo cần năng lượng lớn và đòi hỏi sự phân công lao động ở các khu vực khác nhau trên thế giới.

Do đó, theo các chuyên gia, việc tái chế kim cương phù hợp với khái niệm phát triển của nền kinh tế. Lượng khí thải carbon của kim cương tái chế trong quá trình đánh bóng lại, cắt, thiết kế và đưa trở lại thị trường ít hơn so với khai thác kim cương tự nhiên hay sản xuất kim cương nhân tạo.

Tái chế đã trở thành khái niệm quen thuộc của thế kỷ này và được xem là biểu trưng của sự bền vững. Mang lại vòng đời mới cho những món đồ đã cũ là cách các nhà thiết kế thời trang đã và đang nỗ lực nhằm hạn chế rác thải ra môi trường. Các nhà sản xuất kim hoàn, trong đó có kim cương, cũng không đứng ngoài quy luật ấy.

Jonne Amaya là một nghệ nhân kim hoàn gốc Mexico hiện đang sinh sống và làm việc tại Los Angeles. Nói về Jonne Amaya là nói về dịch vụ “tái mục đích sử dụng” cho các món đồ trang sức, hay dễ hình dung hơn là “khoác áo mới” cho các món đồ trang sức, theo đúng nghĩa đen. “Tôi cho rằng nỗi nhớ cũng như những giá trị về mặt tình cảm là yếu tố khiến cho các khách hàng tìm đến dịch vụ này,” Jonne Amaya chia sẻ.

Vòng tay được truyền lại từ người bà quá cố của vị khách hàng tên Miro là một ví dụ điển hình. Bản gốc của thiết kế được đính rất nhiều viên kim cương có giá trị cao, song lại có thiết kế khá lỗi thời. Đội ngũ của Jonne đã “hóa phép” giúp cho chiếc vòng trở nên hiện đại, thoải mái hơn nhưng vẫn giữ vẹn những đường nét nguyên bản. Ấn tượng hơn hết là tất cả kim cương lẫn vàng đều được tái sử dụng cho thiết kế mới.

Trang sức bền vững và xu hướng "tái chế" kim cương  - Ảnh 1
Trang sức bền vững và xu hướng "tái chế" kim cương  - Ảnh 2
 

Tương tự, tại Geneva, Thụy Sĩ, Agua de Oro – một doanh nghiệp gia đình hơn 70 năm lịch sử, nổi tiếng với cam kết thực hiện mục tiêu xã hội và môi trường – cũng đang đem đến cho các khách hàng những viên kim cương và đá quý được sử dụng lại. “Trang sức có thể bền, đẹp, tràn đầy cảm hứng và khiến cho người khác phải thèm muốn, nhưng trang sức cũng cần phải bền vững, tử tế và đổi mới bất cứ lúc nào có thể,” một đại diện của thương hiệu chia sẻ.

Tại thủ đô xứ sở sương mù, thương hiệu trang sức Lebrusan Studio cũng đề cao các giá trị đạo đức trong trang sức khi chỉ chế tác từ các vật liệu đã qua sử dụng. Sở hữu tệp khách hàng đa dạng và phong phú, song Lebrusan Studio nhận ra rằng tất cả đều có chung hai niềm đam mê: những món đồ trang sức đẹp đẽ và yếu tố bền vững.

Có những chàng trai độ khoảng ba mươi đang tìm kiếm chiếc nhẫn đính hôn độc đáo cho vị hôn thê của mình, cũng có những “thợ săn” chuyên lùng sục những món quà mang giá trị đạo đức và thẩm mỹ cao cho những người thân yêu của họ, hay cũng có thể đó là những “nhà đầu tư” cho các món “bảo vật gia truyền” độc bản như một cách tự thưởng cho bản thân mình… Sau cùng, tất cả họ đều mang kim cương đến nhà Lebrusan Studio để chờ tái chế.

Có thể nói, những thay đổi về nhu cầu tiêu dùng và nhận thức của khách hàng đang thúc đẩy sự phát triển thị trường kim cương tái chế. Theo dự báo của McKinsey, năm 2025, 20 - 30% doanh thu từ mặt hàng trang sức cao cấp trên thị trường toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi khái niệm phát triển bền vững.

Trang sức bền vững và xu hướng "tái chế" kim cương  - Ảnh 3
Trang sức bền vững và xu hướng "tái chế" kim cương  - Ảnh 4
 

Khác với thị trường second-hand của thời trang và túi xách, kim cương có thể lưu hành trên thị trường cả thập niên hoặc hàng trăm năm mà không bị mài mòn. Do đó, các nhà tái chế kim cương sử dụng màu sắc, độ trong, kích thước và những đường cắt làm tiêu chuẩn định giá. Rủi ro chiết khấu mà người bán lại phải chịu là rất thấp.

Mặt khác, nguồn kim cương tái chế có thể bù đắp vào khoảng trống thị trường do việc sản xuất kim cương tự nhiên suy giảm trong khi nhu cầu kim cương vẫn không ngừng tăng. Theo David Kellie, Giám đốc điều hành Hiệp hội Kim cương tự nhiên, xu hướng tiêu thụ kim cương tái chế sẽ bùng nổ tại thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

Do đó, nhiều thương hiệu trang sức có lịch sử lâu đời hiện đang tìm kiếm những viên kim cương kinh điển trong quá khứ và tìm cách mua lại để bổ sung vào kho lưu trữ. Cách tiếp cận đó không chỉ phù hợp với khái niệm tái chế kim cương mà còn giúp họ thiết lập văn hóa thương hiệu.

Tất nhiên, với những viên kim cương được xem là bảo vật, chẳng ai nỡ cắt xẻ chúng. Người ta sẽ khoác cho chúng một chiếc áo mới bằng cách gia công phụ kiện đi kèm. “Cuối cùng thì, xét về giá trị đầu tư, hẳn những viên kim cương khai thác nặng khoảng 3 carat trở lên có thể sẽ đáng giá hơn. Nhưng có thể với ai đó, viên kim cương được phát triển trong phòng thí nghiệm sẽ ‘nặng ký’ hơn bởi tính minh bạch về nguồn gốc. Tất cả tùy thuộc vào từng cá nhân cũng như những giá trị riêng của mỗi chúng ta,” một nghệ nhân tại Lebrusan Studio nhận định.