Các thương hiệu xa xỉ và cam kết không sử dụng lông thú vĩnh viễn
Thương hiệu thời trang Saint Laurent (Pháp) sẽ ngừng sử dụng lông thú trong các bộ sưu tập của hãng kể từ năm 2022. Đây là hãng thời trang quốc tế mới nhất gia nhập xu thế bảo vệ động vật và thời trang bền vững…
Tập đoàn Kering, đơn vị điều hành của Sain Laurent, cho biết ngoài Saint Laurent, thương hiệu Brioni trực thuộc tập đoàn này cũng sẽ nói "không" với lông thú. Như vậy, tất cả công ty thời trang thuộc Kering sẽ ngừng sử dụng chất liệu này.
Hồi tháng 3, Tổ chức bảo vệ động vật tại Mỹ (PETA) đã tiến hành cuộc biểu tình trước cửa hàng Saint Laurent tại Đại lộ thời trang Montaigne (Pháp) sau khi siêu mẫu Kate Moss diện áo khoác lông chồn trong một chiến dịch quảng cáo của hãng. Tuyên bố sẽ không sử dụng lông thú lông thú vĩnh viễn trong bất kỳ một bộ sưu tập nào từ các thương hiệu thời trang được xem là một nỗ lực xúc tiến lớn của Kering, tạo tiền đề để các thương hiệu, tập đoàn lớn khác hành động theo.
“Việc không sử dụng lông thú là một bước tiến khác trong cam kết của chúng tôi đối với quyền lợi động vật và phù hợp với cam kết của chúng tôi về tính bền vững,” chia sẻ của Marie-Claire Daveu, Giám đốc phát triển bền vững của Kering. “Tính xa xỉ ở bối cảnh hiện đại phải gắn liền phải tư duy đạo đức, trách nhiệm xã hội, tính di sản được kế thừa, tính sáng tạo, chất lượng sản phẩm; kèm theo đó còn là nỗ lực bảo vệ môi trường, con người”.
Nhận định trên góp phần phản ánh sự thay đổi lớn hơn trong thời trang và xu hướng chuyển dịch của ngành hàng xa xỉ nói riêng. Các hiệp hội bảo vệ động vật từ lâu đã vận động ngành thời trang từ bỏ lông thú và một số thương hiệu nổi tiếng khác như Chanel, Versace và Michael Kors cũng đã ngừng sử dụng chất liệu này. Oscar de la Renta cũng đã cam kết tương tự.
Việc sử dụng lông thú trong thiết kết đã được thương hiệu thời trang cao cấp Versace chấm dứt vào năm 2018. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của Versace bởi đây là một thương hiệu nổi tiếng với những thiết kế sử dụng lông thú (chồn, gấu mèo, cáo) như một mặt hàng chủ lực trong các bộ sưu tập của hãng ngay từ những ngày đầu tiên.
Bà Donatella Versace, nhà thiết kế đồng thời là Giám đốc Nghệ thuật của Versace đã tuyên bố: "Tôi không muốn giết động vật để tạo ra thời trang". Quyết định này là một phần của kế hoạch tập trung vào các sáng kiến bền vững tại Versace để những thiết kế của thương hiệu trở nên gần gũi và trở thành một hãng "thời trang xanh" với môi trường.
Nối tiếp sau đó, Chanel cũng đã ra quyết định cấm lông thú và da của các loài vật trong tất cả các bộ sưu tập của mình với lý do gặp khó khăn trong việc tìm được nguồn da động vật phù hợp với tiêu chuẩn của hãng, đồng thời hướng đến một "thế hệ sản phẩm cao cấp mới" trong tương lai.
Vào năm 2020, Prada đã bắt đầu thực hiện hành động tương tự, họ cho rằng đây là cơ hội để hãng sáng tạo những thiết kế mới phù hợp với nhu cầu và không đi ngược lại với đạo đức nghề nghiệp.
Các thương hiệu và nhà bán lẻ đã cam kết tránh lông thú hơn một thập kỷ trước bao gồm Selfridges, Calvin Klein và Ralph Lauren, trong khi đó, trước Kering là danh sách bao gồm Neiman Marcus, Net-a-Porter, Burberry, Coach, Miu Miu và Canada Goose. Mới đây, tập đoàn thời trang cao cấp đứng sau các thương hiệu xa xỉ như Gucci, Balenciaga, Alexander McQueen... cũng đã tuyên bố ngừng sử dụng lông có nguồn gốc từ động vật trong tất cả các sản phẩm của mình từ năm sau, và thay vào đó sẽ sử dụng những chất liệu có tính bền vững.
Thực chất, một số thương hiệu của Kering đã loại bỏ lông thú dần dần. Gucci là hãng đầu tiên công khai điều này vào năm 2017 – và nhiều những thương hiệu khác đã tránh việc sử dụng lông thú trong nhiều năm, nhưng chọn không đưa ra thông báo chính thức về quyết định này. Nhưng quyết định loại bỏ chất liệu từng là biểu tượng địa vị tối cao trong thời trang, chắc chắn là một động thái mà ngành toàn bộ ngành công nghiệp sẽ chú ý đến. Rất nhiều khả năng, tập đoàn LVMH cũng sẽ cân nhắc về điều tương tự sau tuyên bố này của Kering.
Việc chăn nuôi lông thú để tạo ra những sản phẩm thời trang xa xỉ từ lâu đã một vấn đề gây ra nhiều tranh cãi, tuy nhiên kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, những lỗ hổng trong ngành công nghiệp này đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Đây không chỉ là vấn đề về "quyền động vật" mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người, động vật và môi trường.
Bên cạnh đó, đã có báo cáo cho thấy virus Sars-CoV-2 xuất hiện ở loài chồn được nuôi trong các trang trại trên nhiều quốc gia. Mặc dù chưa có thông báo chính thức cho biết liệu chúng có đóng vai trò quan trọng trong việc lây virus sang người không nhưng chúng có thể làm lây lan dịch bệnh cho những loài động vật khác, và vẫn có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
Một dấu ấn quan trọng khác trong thời gian gần đây, tại Met Gala, nghệ sĩ trẻ Billie Eilish đã một lần nữa làm nổi lên phong trào nói "không" với lông thú khi thương lượng thành công với hãng thời trang Oscar de la Renta về vấn đề này. Oscar de la Renta cam kết ngừng sản xuất những bộ trang phục từ lông động vật kể từ bây giờ, thay vào đó, các thiết kế của họ sẽ được Billie Eilish diện trên thảm đỏ và các sự kiện nổi tiếng.