Adidas và chương trình hạn chế rác thải trong thời trang
Nếu như thời trang bền vững sẽ hướng đến chất liệu thân thiện cùng môi trường, thì thời trang tuần hoàn, theo một hình thức khác, sẽ tập trung vào việc tái sử dụng những sản phẩm cũ, và dùng đi dùng lại trong một thời gian cố định lâu dài…
Ngày nay, mọi người đều đang nói về thời trang tuần hoàn. Tại Hội nghị Thời Trang ở Copenhagen (thủ đô Đan Mạch), nơi mà các nhân vật nổi tiếng trong ngành đến với nhau mỗi tháng để cố gắng tìm ra cách làm cho thời trang bền vững hơn, đó chính là giảm thiểu chất thải và ô nhiễm, tái sử dụng vật liệu và tái tạo hệ thống tự nhiên.
“Quần áo đã qua sử dụng sẽ đi đâu?” là một câu hỏi khiến nhiều quốc gia đau đầu. Nước Anh đang chuẩn bị không còn chỗ chứa rác thải. Ở Úc, phải xuất khẩu phần lớn rác tái chế và “lệnh cấm chất thải từ nước ngoài” gần đây của Trung Quốc đang là một vấn đề. Thực tế là, người Úc vứt bỏ 6.000 kg chất thải thời trang và dệt may sau mỗi 10 phút. Và báo cáo “Một nền kinh tế dệt may mới” của Quỹ Ellen MacArthur chỉ ra rằng chỉ có ít hơn 1% trong số đó được tái chế thành quần áo mới.
Thương hiệu Adidas mới đây đã cho ra mắt chương trình “Choose to Give Back” – chương trình cho phép người dùng có thể bán lại đồ cũ của hãng, được tổ chức dưới mô hình Resale-as-a-service (RaaS) của ThredUp. Thông qua “Creator Club”, giờ đây khách hàng của Adidas đã có thể gửi lại quần áo, phụ kiện hay giày dép đã qua sử dụng của chính nhãn hàng để bán lại.
Chương trình này đã đánh dấu sự nỗ lực đầu tiên của Adidas trong việc giám sát hoạt động bán lại các sản phẩm của mình thông qua giải pháp “white-lable” – giải pháp giúp hạn chế lượng rác thải trong thời trang của ThredUp. Chương trình bán lại của Adidas sẽ được triển khai dưới hình thức trực tuyến cũng như tại các cửa hàng vào năm 2022. Một số sản phẩm của Adidas chẳng hạn những đôi giày thể thao “bestseller” của hãng, hiện đang được bán lại với mức giá cao trên các thị trường bán đồ cũ.
“Chúng tôi tin rằng những sản phẩm tuyệt vời chúng tôi làm ra không phải trả giá bằng môi trường,” Katja Schreiber – Phó Chủ tịch bộ phận chịu trách nhiệm về tính bền vững của Adidas cho biết. “Đó cũng chính là lý do tại sao chúng tôi cam kết rằng sẽ thiết lập một sự tuần hoàn cho quần áo thể thao. Với chương trình “Choose to Give Back”, mọi người sẽ thấy được quần áo cũ sẽ làm được những gì nếu chúng ta mang lại cuộc sống mới cho chúng”.
Sự đột phá mới này của Adidas còn phù hợp với những cam kết chung của các nhà sản xuất quần áo thể thao, là nhằm chấm dứt lượng rác thải nhựa ra môi trường. Adidas đã cam kết chỉ sử dụng sợi polyester tái chế bắt đầu từ năm 2024, cam kết giảm 15% lượng khí thải carbon trên mỗi sản phẩm vào năm 2025 và giảm 30% lượng khí thải carbon vào năm 2030.
Phó Chủ tịch Cấp cao và Tổng giám đốc mô hình RaaS của ThredUp, Pooja Sethi cho biết: “Adidas nổi tiếng trong việc thúc đẩy các giải pháp sáng tạo, có tính bền vững và ThredUp rất vui mừng và hân hạnh khi được hỗ trợ và hợp tác với chương trình mới nhất của họ nhằm khuyến khích người tiêu dùng xây dựng thói quen dùng lại đồ cũ nhiều lần. Với việc cho phép thực hiện các hoạt động bán lại đồ cũ trên quy mô lớn với các chương trình đến từ các thương hiệu và nhà bán lẻ hàng đầu, chúng tôi đang giữ quần áo cũ luôn sạch, mới, chất lượng cao để có thể sử dụng lâu dài và nhằm tráng lãng phí trong thời trang”.
Những năm gần đây, Adidas đã đạt được bước tiến lớn để tạo ra những sản phẩm bền vững, bao gồm sử dụng nhựa đại dương để sản xuất giày và cam kết 9/10 sản phẩm tung ra thị trường vào năm 2025 là sản phẩm bền vững. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tiến bộ toàn cầu do kênh truyền hình CNBC tổ chức, Giám đốc điều hành Adidas Kasper Rorsted cho biết người tiêu dùng đang nhìn thời trang với sự xem xét kỹ lưỡng hơn, qua đó buộc ngành công nghiệp này phải thay đổi.
Theo ông Rorsted, truyền thông xã hội giúp người tiêu dùng dễ dàng yêu cầu các công ty và CEO phải chịu trách nhiệm về hành động của họ và đây là một điều tốt khi đem lại sự minh bạch cũng như thúc đẩy sự thay đổi làm ngành thời trang, vốn tạo ra 8 - 10% lượng khí thải carbon toàn cầu hàng năm, phải thân thiện hơn với môi trường.
Gần đây nhất, Adidas và Allbirds thông báo rằng họ sẽ hợp tác để sản xuất giày thể thao thải carbon thấp. Những đôi giày chạy bộ hiệu suất cao có thể thải ra 2,94 kg khí thải carbon dioxide (CO2) tương đương trên mỗi đôi giầy, tạo một kỷ lục mới cho cả hai thương hiệu. Giày chạy bộ thải carbon thấp nhất hiện tại của adidas được biết có lượng khí thải carbon là 7,86 kg.
Hana Kajimura, trưởng nhóm phát triển bền vững tại Allbirds, nhận xét: “Chúng tôi đặt mục tiêu thực sự đầy tham vọng là đạt mức dưới 2 kg CO2. Đó có vẻ là một ý tưởng điên rồ trong một thời gian ngắn như vậy, nhưng chúng tôi đã xuống dưới mức 3 kg”. 70% polyester tái chế và 30% Tencel (một loại sợi xenlulo làm từ gỗ) được sử dụng cho phần mũ giày, trong khi phần đế giữa được làm kết hợp giữa đệm bọt siêu nhẹ Lightstrike của adidas và vật liệu SweetFoam của Allbirds, có nguồn gốc từ mía (thay vì uretan nhiệt dẻo).
Các thành phần riêng lẻ của giày được khâu nối lại với nhau và gia cố giày mà không cần thêm các vật liệu khác. Giầy Futurecraft chỉ có màu trắng, để giảm tác động của carbon và chất thải tạo ra trong quá trình nhuộm. Việc tái sử dụng vật liệu cũng được tính đến để giảm chi phí môi trường, vận chuyển, nhiên liệu và đóng gói.
“Điều tôi hy vọng là dự án này thực sự tạo ra cho ngành công nghiệp giầy không chỉ những kiến thức cụ thể của dự án này - và cách chúng tôi có thể làm ra giày thải carbon thấp - mà nó giúp tập hợp các đối thủ cạnh tranh làm việc cùng nhau,” bà Kajimura nói thêm. Bước đầu, một số lượng hạn chế 100 đôi sẽ được cung cấp cho các thành viên của chương trình Câu lạc bộ Người sáng tạo của adidas, tiếp theo là 10.000 đôi sẽ bán ra trong mùa thu đông 2021 và sau đó sẽ bán rộng rãi vào mùa xuân hè năm 2022.