11:11 08/05/2025

Trung Quốc có thêm tỷ phú trà sữa

Ngọc Trang

Thị trường trà sữa trân châu Trung Quốc tăng trưởng nóng với vô số đối thủ cạnh tranh và cuộc chiến giá khốc liệt. Nhưng thị trường này cũng tạo ra nhiều tỷ phú USD...

Ảnh minh họa: Bloomberg
Ảnh minh họa: Bloomberg

Ngày 8/5, công ty Auntea Jenny (Shanghai) Industrial Co. dự kiến bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán Hồng Kông.

Công ty này niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) huy động được 273 triệu đôla Hồng Kông (tương đương 35 triệu USD), đưa tài sản của hai vợ chồng nhà sáng lập, Shan Weijun và Zhou Rongrong, lên 1,1 tỷ USD.

Đây là lần đầu tiên Bloomberg Billionaires Index - danh sách 500 người giàu nhất thế giới - xếp hạng tài sản của cặp vợ chồng này. Tài sản của Shan và Zhou hoàn toàn đến từ cổ phần tại Auntea Jenny.

“Câu lạc bộ” tỷ phú tại Trung Quốc hiện tương đối đông thành viên. Trong số này có Junjie Zhang, người sáng lập công ty trà sữa Chagee Holdings Ltd. - niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq hồi tháng 4. Ngoài ra còn có cặp anh em sáng lập Mixue Group - nổi tiếng với trà sữa, cà phê và kem 1 USD. Mixue niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông hồi đầu năm. Hai người này hiện sở hữu tổng tài sản khoảng 8 tỷ USD.

Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ tăng trưởng nóng, cạnh tranh trên thị trường trà sữa Trung Quốc đang ngày càng khốc liệt khi các quán trà sữa ngập tràn khắp các trung tâm thương  mại và mọi góc phố. Một số công ty kinh doanh trà sữa chứng kiến giá cổ phiếu giảm mạnh ngay sau khi lên sàn do nhà đầu tư lo ngại về sự bão hòa trên thị trường này.

Theo cáo bạch IPO của Auntea Jenny, Shan và Zhou, đều 48 tuổi, từng làm đại lý bán lẻ sản phẩm chăm sóc sức khỏe tại công ty Amway (China) Co. trước khi mở cửa hàng trà sữa Auntea Jenny đầu tiên ở Thượng Hải vào tháng 11/2013.

Auntea Jenny chuyên bán trà sữa kèm topping ngũ cốc và trà trái cây tươi với giá khoảng 2 USD. Các cửa hàng của chuỗi này chủ yếu nằm trên các tuyến phố. Một số ít nằm trong các trung tâm mua sắm và ga tàu. Tính tới cuối năm ngoái, Auntea Jenny hiện có hơn 9.100 cửa hàng tại 300 thành phố tại Trung Quốc, hầu hết là cửa hàng nhượng quyền.

Giống như các đối thủ Guming và Mixue, Auntea Jenny nhằm tới các thị trường tăng trưởng nhanh và kinh tế chưa phát triển, còn gọi là “thành phố cấp thấp” ở Trung Quốc. Hơn 50% cửa hàng của chuỗi này nằm ở các thành phố cấp thấp. Tuy nhiên, chiến lược này đang gặp nhiều khó khăn. Năm ngoái, doanh thu của công ty sụt giảm một phần do cạnh tranh ngày càng lớn.

Theo nhà phân tích , Xinyao Wang, các nguyên nhân khác là sự kém phát triển của các thành phố cấp thấp, sự phụ thuộc vào nhà cung cấp thuộc bên thứ ba với khả năng kiểm soát chi phí yếu. Những điều này cũng khiến định giá của Auntea Jenny khi IPO thấp hơn so với các đối thủ.

Trong bối cảnh cạnh tranh nội địa gay gắt, việc mở rộng ra thị trường quốc tế trở thành lựa chọn tất yếu với nhiều thương hiệu trà sữa Trung Quốc. Một số đối thủ của Auntea Jenny, như Mixue Group, đã mở hàng nghìn của hàng ở nước ngoài. Auntea Jenny hiện tập trung vào mở rộng sang thị trường Đông Nam Á. Công ty hiện có 30 cửa hàng tại Malaysia và dự kiến tăng lên hơn 100 cửa hàng trong năm nay.