Trung Quốc phiên thứ 3 hạ tỷ giá tham chiếu Nhân dân tệ dưới mức 7
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ngày 12/8 tiếp tục hạ tỷ giá tham chiếu đồng Nhân dân tệ sâu hơn dưới ngưỡng 7
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ngày 12/8 tiếp tục hạ tỷ giá tham chiếu đồng Nhân dân tệ sâu hơn dưới ngưỡng 7 tệ đổi 1 USD. Nhưng tương tự như mấy ngày qua, tỷ giá đưa ra vẫn cao hơn dự báo của giới phân tích.
Theo hãng tin CNBC, đây là phiên thứ ba liên tục PBoC hạ tỷ giá tham chiếu dưới 7 - một ngưỡng tâm lý quan trọng của tỷ giá Nhân dân tệ.
Tỷ giá tham chiếu được PBoC đưa ra cho ngày đầu tuần là 7,0211 Nhân dân tệ/USD, so với mức dự báo 7,0331 tệ/USD của các nhà phân tích.
Từ tuần trước, tỷ giá Nhân dân tệ so với USD đã trở thành một tâm điểm chú ý của giới đầu tư toàn cầu, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang mạnh.
Hôm thứ Hai tuần trước, PBoC hạ mạnh tỷ giá tham chiếu, khiến tỷ giá Nhân dân tệ trên thị trường giao ngay lần đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 trượt dưới mốc 7 tệ đổi USD. Bộ Tài chính Mỹ ngay lập tức dãn nhãn thao túng tỷ giá lên Trung Quốc.
Động thái trên được xem là trả đũa việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế quan 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Ngoài hạ tỷ giá, Trung Quốc còn tuyên bố dừng mua nông sản Mỹ.
Sau đó, PBoC ngày nào cũng hạ tỷ giá tham chiếu, với mốc 7 của tỷ giá này bị phá vào hôm thứ Năm. Tuy nhiên, thị trường đã dần bình tĩnh trở lại nhờ tỷ giá tham chiếu mà PBoC đưa ra mỗi ngày đều cao hơn so với dự báo.
Cuối giờ sáng nay, tỷ giá Nhân dân tệ giao dịch tại thị trường Trung Quốc đại lục đứng ở 7,0613 Nhân dân tệ đổi 1 USD, gần như không thay đổi so với hôm thứ Sáu. Tại thị trường Hồng Kông, Nhân dân tệ cùng thời điểm đứng ở 7,0887 Nhân dân tệ đổi 1 USD.
Một báo cáo của công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group nhận định rằng động thái hạ tỷ giá tham chiếu quá ngưỡng 7 của PBoC trong tuần trước "làm dấy lên mối lo về chính sách phá giá đồng tiền nhằm giành lợi thế cạnh tranh, đặt ra sức ép đối với các đồng tiền khác ở khu vực châu Á".
Tuy nhiên, báo cáo cũng nói rằng nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ không để Nhân dân tệ rớt giá nhanh, vì "phá giá nhanh sẽ dẫn tới dòng vốn tháo chạy và sự đặt cược một chiều trên thị trường vào sự sụt giá của Nhân dân tệ như đã xảy ra vào năm 2015 và 2016".
Thay vào đó, PBoC được cho là sẽ sử dụng các thông điệp và biện pháp can thiệp để khiến cho đồng Nhân dân tệ mất giá từ từ so với USD. "PBoC cũng sẽ cẩn trọng, không để cho Nhân dân tệ trượt giá liên tục so với một rổ tiền tệ", Eurasia nhận xét.
Hôm thứ Sáu, chỉ số CFTES đo tỷ giá Nhân dân tệ so với một rổ tiền tệ đã lập đáy mới.
Về phần mình, PBoC phủ nhận đánh giá cho rằng Trung Quốc đang phá giá Nhân dân tệ để chống lại thuế quan Mỹ. Tuy nhiên, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro hôm thứ Sáu nói rằng Mỹ sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu Trung Quốc cố tỷ làm suy yếu đồng nội tệ để trung hòa ảnh hưởng của thuế quan Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc.
Một báo cáo hôm thứ Sáu của tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s nói rằng việc Mỹ dán nhãn thao túng tỷ giá lên Trung Quốc có thể đẩy thương chiến leo thang cao hơn. Theo Moody’s, động thái của Mỹ "khó có ảnh hưởng rõ ràng đến chính sách tỷ giá của Trung Quốc, nhưng chúng tôi cho rằng lập trường của hai nước trong chiến tranh thương mại sẽ trở nên cứng rắn hơn".
"Trên phương diện rộng hơn, căng thẳng thương mại và tiền tệ gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gây cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu", báo cáo nói thêm. "Kỳ vọng của thị trường vào sự giảm giá sâu hơn của Nhân dân tệ cũng có thể khiến các đồng tiền khác giảm giá mạnh, nhất là đồng tiền của những nước có quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc".