06:00 21/07/2022

TS. Nguyễn Đình Cung: “Đừng chỉ lo cho an toàn của ngành mình, mà gây khó cho phát triển tài chính toàn diện”

Anh Nhi

“Quy định pháp lý cần thúc đẩy tài chính toàn diện phát triển, chứ không phải kìm hãm sự phát triển. Tránh tình trạng các ngành, lĩnh vực đưa ra quy định để lo cho an toàn của ngành mình, mà gây khó cho phát triển tài chính toàn diện…”, TS. Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, nói về những vướng mắc trong quá trình thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam…

Chia sẻ tại Hội thảo Lộ trình thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 20/7, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng không nên kìm hãm sự phát triển bởi những quy định, mà phải tạo sự tự do, trao quyền cho người dân, doanh nghiệp và thị trường nhiều hơn.

BỘC LỘ NHIỀU HẠN CHẾ

Đánh giá về thực trạng của tài chính toàn diện Việt Nam thời gian qua, TS. Đỗ Thị Bích Hồng, Viện Chiến lược ngân hàng, nhận định việc thúc đẩy tài chính toàn diện đang bộc lộ nhiều hạn chế như khuôn khổ pháp lý còn bất cập, hệ thống tổ chức tài chính vi mô còn hạn chế về quy mô, thiếu các sản phẩm tài chính đặc thù, việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu chưa hoàn thiện…

Tài chính toàn diện là việc mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp với nhu cầu, với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, một trong những cái khó nhất trong thúc đẩy tài chính toàn diện là thói quen sử dụng tiền mặt phổ biến của người Việt Nam.

“Mặc dù thanh toán không dùng tiền mặt thời gian gần đây gia tăng nhanh chóng nhưng gần 80% người Việt vẫn thích sử dụng tiền mặt. Đây là điều bất lợi cho phát triển tài chính toàn diện”, ông Hùng nói.

TS. Nguyễn Đình Cung: “Đừng chỉ lo cho an toàn của ngành mình, mà gây khó cho phát triển tài chính toàn diện” - Ảnh 1

Ngoài ra, theo ông Hùng, một thách thức lớn nữa là khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện tài chính toàn diện đang bộc lộ những bất cập rất lớn, đặc biệt là việc kết nối đồng bộ hệ thống luật pháp. Hơn nữa, để thực hiện được tài chính toàn diện, thì phải thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, trong khi các ngân hàng nhỏ gặp khó khăn về năng lực tài chính để trang trải cho chuyển đổi số…

Cùng quan điểm, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, với tình trạng quy định pháp lý mang tính chia cắt ngành như hiện nay thì hệ thống pháp luật liên quan tới tài chính toàn diện chắc chắn không thể đồng bồ nhất là trong thời đại kinh tế số, các quy định pháp lý phải giải quyết cùng một lúc đa mục tiêu.

TẠO SỰ TỰ DO CHO THỊ TRƯỜNG

Để giải quyết những hạn chế trên, đặc biệt là liên quan tới “nút thắt” về tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, ông Cung cho rằng vấn đề mấu chốt phải là thay đổi tư duy, trao quyền nhiều hơn cho người dân, doanh nghiệp và thị trường.

“Cái mới xuất hiện, doanh nghiệp sẽ tiếp cận để tìm kiếm cơ hội. Đây là quy luật tất yếu nên chúng ta không thể kìm kẹp, cản trở phát triển. Tránh tình trạng các ngành, lĩnh vực đưa ra quy định để lo cho an toàn của ngành mình, mà gây khó cho phát triển tài chính toàn diện…”, ông Cung nêu quan điểm.

Theo đó, vị chuyên gia có nhiều năm trong việc “đấu tranh” phá bỏ các quy định gây khó cho doanh nghiệp nhấn mạnh phải xây dựng thể chế kinh tế theo hướng đảm bảo niềm tin và sự an toàn cho môi trường kinh doanh và nhà đầu tư.

TS. Nguyễn Đình Cung: “Đừng chỉ lo cho an toàn của ngành mình, mà gây khó cho phát triển tài chính toàn diện” - Ảnh 2

Thậm chí, trong nhiều trường hợp, ông Cung đề xuất cho phép thử nghiệm mà không cần đặt ra khuôn khổ pháp lý. Bởi theo ông, tư duy làm theo quy định sẽ kìm hãm sự phát triển, không tạo ra sáng tạo và giá trị mới cho nền kinh tế.

Ông Phạm Xuân Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội cho thuê tài chính Việt Nam, lại lưu ý về những rủi ro mà hệ thống tài chính có thể tác động tới nền kinh tế. Dẫn chứng từ sự thử nghiệm của Trung Quốc, vị chuyên gia cho biết sau giai đoạn để thị trường phát triển tự do, đã có hơn 1.800 Fintech Trung Quốc bị phá sản và 50 triệu người dân mất đi một lượng lớn Nhân dân tệ.

Song ông Hòe thừa nhận vấn đề căn bản nhất hiện nay của Việt Nam phải là hoàn thiện và đồng bộ hành lang pháp lý để thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Đơn cử như hành lang pháp lý liên quan tới sử dụng công nghệ 4.0, hiện nay mới có quy định về thuê icloud trong khi còn rất nhiều công nghệ khác mà ngành tài chính đang áp dụng như big data, AI… “Do vậy, các bộ ngành phải mau chóng thay đổi tư duy, không thể lấy lý do không có cơ sở pháp lý để không ban hành”, ông Hòe cho biết.

Còn theo ông Hùng, dù thử nghiệm hay xây dựng quy định thì một thực tế chắc chắn là công nghệ đang đi trước chính sách và khi công nghệ đến độ chín thì chính sách phải ra đời. “Và bây giờ chính là thời điểm”, ông Hùng nhấn mạnh.