19:02 18/07/2022

Năm giải pháp ngành tài chính chú trọng 6 tháng cuối năm, sớm vượt thu ngân sách

Ánh Tuyết

Bộ Tài chính vừa công khai báo cáo ngân sách dành cho công dân 6 tháng đầu năm 2022. Cùng với đó, đề ra 5 giải trọng tâm ngành tài chính triển khai trong 6 tháng cuối năm 2022...

Lũy kế đến hết tháng 6, thu ngân sách nhà nước đạt hơn 940.000 tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán, tăng gần 20% so với cùng kỳ.
Lũy kế đến hết tháng 6, thu ngân sách nhà nước đạt hơn 940.000 tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán, tăng gần 20% so với cùng kỳ.

Bộ Tài chính vừa công bố các thông tin cơ bản về tình hình kinh tế vĩ mô; tình hình thực hiện dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, cơ cấu thu chi ngân sách nhà nước; các giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2022. 

THU NGÂN SÁCH "BĂNG BĂNG" VỀ ĐÍCH

Theo đó, lũy kế đến hết tháng 6, thu ngân sách nhà nước đạt 941.344 tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước những tháng đầu năm thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tình hình dịch bệnh trên cả nước tiếp tục được kiểm soát tốt và hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục.

Năm giải pháp ngành tài chính chú trọng 6 tháng cuối năm, sớm vượt thu ngân sách - Ảnh 1

Trong tổng số thu hơn 941.000 tỷ đồng, thu nội địa đạt 747.865 tỷ đồng, hoàn thành 63,6% dự toán và tăng 16,4%.

Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 79,4% dự toán, tăng mạnh mẽ 28,3% so với cùng kỳ.

Cá biệt, thu từ dầu thô chỉ trong 6 tháng đã vượt dự toán 25,6%, do ảnh hưởng từ giá dầu thế giới những tháng đầu năm tăng cao. 

Về phía chi ngân sách nhà nước, lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 713.045 tỷ đồng, bằng 40% dự toán năm và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Năm giải pháp ngành tài chính chú trọng 6 tháng cuối năm, sớm vượt thu ngân sách - Ảnh 2

Trong đó, chi thường xuyên 6 tháng đầu năm 2022 đạt 509.240 tỷ đồng, bằng 45,8% dự toán năm và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Còn chi trả nợ lãi 51,9 nghìn tỷ đồng, bằng 50,1% dự toán và giảm 8,5%.

Riêng về chi đầu tư phát triển lũy kế đến cuối tháng 6 mới đạt 150.416 tỷ đồng, hoàn thành 28,6% dự toán năm.

NĂM GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM 

Tại báo cáo này, Bộ Tài chính cũng chỉ rõ 5 giải pháp trọng tâm ngành tài chính triển khai trong 6 tháng cuối năm 2022, cùng phấn đấu đạt cao nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước đã đề ra như tăng trưởng kinh tế đạt 6-6,5%; đồng thời, giữ vững kinh tế vĩ mô, chống lạm phát, giữ vững bội chi ngân sách nhà nước...

Năm giải pháp ngành tài chính chú trọng 6 tháng cuối năm, sớm vượt thu ngân sách - Ảnh 3

Cụ thể, một là, tập trung triển khai kịp thời, trọng tâm, trọng điểm các giải pháp chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế  - xã hội.

Hai là, tăng cường công tác quản lý thu; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, các hoạt động thương mại dựa trên nền tảng số.

Ba là, điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán, chặt chẽ, hiệu quả, đảm bảo nguồn lực hỗ trợ phục hồi kinh tế; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Bốn là, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, phối hợp chặt chẽ trong kiềm chế lạm phát.

Năm là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai minh bạch.

"Bằng ngôn ngữ và hình thức thể hiện đơn giản, dễ hiểu thông qua các hình ảnh, bảng, biểu đồ, báo cáo giúp người dân bình thường, ngay cả những người nắm ít kiến thức về tài chính - ngân sách đều có thể tiếp cận và nắm bắt được các thông tin cơ bản về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2022", Bộ Tài chính cho hay.

Việc công khai báo cáo ngân sách nhà nước dành cho công dân là một trong những hình thức quan trọng mà Bộ Tài chính đang thường xuyên thực hiện nhằm góp phần thúc đẩy công khai, minh bạch ngân sách ở Việt Nam thông qua đánh giá của các tổ chức minh bạch quốc tế. 

Báo cáo đang ngày càng được hoàn thiện theo hướng đa dạng về nội dung và hình thức, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và thời gian báo cáo, được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đánh giá cao.

 

Từ năm 2020, Bộ Tài chính đã vận hành Cổng công khai ngân sách nhà nước (địa chỉ: https://ckns.mof.gov.vn), trong đó cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, dữ liệu ngân sách nhà nước và hỗ trợ khai thác, tra cứu thuận tiện, theo các chiều thông tin khác nhau; đồng thời sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp từ các tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng dự toán ngân sách nhà nước.

Theo kết quả Khảo sát ngân sách mở toàn cầu năm 2021 (OBS2021) vừa được Tổ chức Hợp tác ngân sách quốc tế (IBP) công bố, điểm số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam tiếp tục được cải thiện so với các kỳ đánh giá trước, nâng mức xếp hạng của Việt Nam lên 68/120 nước, tăng 9 bậc so với năm 2019 và tăng 23 bậc so với năm 2017.