09:00 15/07/2022

Các công ty tài chính muốn tạo cơ sở dữ liệu chung để phòng chống gian lận

Vũ Phong

Việc thành lập cơ sở dữ liệu chung vừa để bảo vệ các công ty tài chính, cũng là bảo vệ khách hàng, bên thứ 3 ngay tình...

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Ngày 14/7, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức lễ ra mắt và hội nghị lần thứ nhất câu lạc bộ tài chính tiêu dùng.

Chia sẻ tại hội nghị, nhiều lãnh đạo công ty tài chính đều cho rằng, tài chính tiêu dùng trong hơn 10 năm qua diễn ra vô cùng sôi nổi, điều này giúp giảm bớt “nỗi đau” đối với vấn nạn tín dụng đen. Tuy nhiên, vấn đề về gian lận khiến đang ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của ngành, kéo theo đó là việc đẩy lùi tín dụng đen cũng bị chậm nhịp.

Thực tế cho thấy, hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng có nhiều đặc thù, đối tượng cho vay gần như dưới chuẩn ngân hàng, mục đích sử dụng vốn vay khó xác định, rủi ro cao.

Bởi vậy, mảng thu hồi nợ là lĩnh vực khá khó khăn đối với ngành tài chính tiêu dùng. Nhiều khách hàng không những không trả nợ đến hạn mà còn sẵn sàng ăn vạ và lợi dụng dư luận để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng của mình.

Thêm vào đó, việc xuất hiện ngày càng nhiều các app cho vay biến tướng, hoạt động phi pháp, mạo danh các công ty tài chính để dụ dỗ người dân vay tiền với lãi suất cao, kéo theo tình trạng người đi vay rủ nhau “bùng nợ”, bất chấp hệ lụy và rủi ro.

Theo bà Đoàn Phương Linh, đại diện Công ty TNHH Tài chính Shinhan, để giải quyết bài toán phòng chống gian lận, các công ty tài chính cần chia sẻ để có kho dữ liệu chung.

“Chúng ta cần một cơ chế, quy định rõ quyền, trách nhiệm tham gia để các công ty tài chính có thể sử dụng, truy cập, khai thác dữ liệu phòng chống gian lận bởi nhiều khi các đối tượng gian lận có hệ thống, thực hiện hành vi gian lận với nhiều công ty tài chính. Việc này vừa để bảo vệ các công ty tài chính, cũng là bảo vệ khách hàng, bên thứ 3 ngay tình”, bà Linh nói.

Bà Linh cũng cho hay, hiện tại cơ chế này không mới đối với các lĩnh vực khác. Điển hình như lĩnh vực bảo hiểm, nhờ việc chia sẻ dữ liệu chung với đầu mối là Hiệp hội Bảo hiểm, các công ty bảo hiểm đã kịp thời phòng ngừa được rất nhiều vụ gian lận có quy mô.

Cùng quan điểm, ông Lê Quốc Ninh Tổng giám đốc công ty tài chính TNHH MB Shinsei đánh giá, nhu cầu chia sẻ thông tin tránh gian lận là rất cần thiết đối với công ty tài chính. Cũng vì vậy, trong phương hướng hoạt động, câu lạc bộ đã có định hướng tạo cơ sở dữ liệu chung phòng chống gian lận.

“Câu lạc bộ sẽ sớm triển khai, xây dựng cơ chế chia sẻ, khai thác thông tin từ kho dữ liệu chung giúp giảm thiểu thiệt hại của các thành viên đồng thời tạo sự minh bạch cho hoạt động cho vay tài chính tiêu dùng”, ông Ninh chia sẻ.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho hay, thực tế cho thấy, còn nhiều vấn đề trong hoạt động mà từng công ty tài chính tiêu dùng không thể tự giải quyết. Vì vậy câu lạc bộ tạo ra sức mạnh tổng hợp, tăng cường liên kết giữa các đơn vị, cùng chung tiếng nói phản ánh khó khăn vướng mắc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, cùng phản biện chính sách để giúp xây dựng các chính sách đi vào cuộc sống thiết thực nhất.

“Tôi mong muốn câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ có nội dung phong phú, chia sẻ giữa các thành viên các bài học kinh nghiệm tiếp cận vốn, thu hồi nợ cùng nhau đưa ra giải pháp. Đối với gói 20.000 tỷ đồng dành cho khu công nghiệp, công nhân tiếp cận vốn vay, rất mong câu lạc bộ xem xét, cùng triển khai trên tinh thần hợp tác, chia sẻ, hài hòa, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh", ông Hùng bày tỏ mong muốn.

Trước mắt, ông Hùng đề nghị câu lạc bộ tài chính tiêu dùng cần bắt tay làm việc ngay, tổ chức các hội thảo, tọa đàm mang tính chuyên sâu, chú ý công tác đào tạo, công tác truyền thông, làm rõ sự khác biệt của các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép và các công ty tài chính được thành lập theo Luật Doanh nghiệp.

 

11 công ty tài chính tham gia câu lạc bộ tài chính tiêu dùng: Công ty Tài chính TNHH MTV cộng đồng; Công ty Tài chính CP Tín Việt; Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội; Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC; Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei; Công ty Tài chính TNHH HD Saison; Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam; Công ty Tài chính TNHH MTV Lotte Việt Nam; Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam; Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset (Việt Nam) 11. Công ty Tài chính CP Điện lực.