UBND thành phố Hà Nội: “Nước sông Đà đã có thể ăn uống được”
Kết quả lấy 69/69 mẫu và tiến hành phân tích mẫu nước tại các hộ dân trên địa bàn 8 quận, huyện có sử dụng nước của nhà máy nước sông Đà đều đạt chuẩn
"Đến nay, nguồn nước sạch sông Đà đã an toàn, đảm bảo các tiêu chí theo quy chuẩn QCVN 01:2019/BYT của Bộ Y tế để người dân sử dụng vào mục đích sinh hoạt, ăn uống".
Khẳng định trên được Chánh văn phòng UBND thành phố Hà Nội Vũ Đăng Định đưa ra tại cuộc giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội, chiều 22/10.
Theo người phát ngôn của UBND thành phố Hà Nội, trong thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội và Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố đã lấy mẫu nước tại đầu nguồn, tại nhà máy, tại các bể chứa tăng áp và cả ở các vùng dân bị ảnh hưởng để tiến hành xét nghiệm nước hàng ngày. Với kết quả xét nghiệm mẫu nước từ 16/10 đến ngày 21/10/2019, các chỉ tiêu đều đạt quy chuẩn QCVN 01:2019/BYT.
Cụ thể, liên tục các ngày từ 16 - 21/10/2019, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố trực tiếp lấy mẫu và phối hợp với Viện sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) cùng Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) tiến hành phân tích mẫu nước tại các hộ dân trên địa bàn 8 quận, huyện có sử dụng nước của nhà máy nước sông Đà: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai.
Kết quả: 69/69 mẫu có chỉ tiêu Styren đạt quy chuẩn theo QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế. Hiện nay, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố vẫn tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm.
"Đến nay, nguồn nước sạch sông Đà đã an toàn, đảm bảo các tiêu chí theo quy chuẩn QCVN 01:2019/BYT của Bộ Y tế để người dân sử dụng vào mục đích sinh hoạt, ăn uống", ông Định nói.
Bên cạnh đó, trong thời gian xét nghiệm chất lượng nước tại các hộ tiêu thụ, để đáp ứng nhu cầu của người dân dùng nước sạch ăn uống, hiện nay Công ty Nước sạch Hà Nội vẫn tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Viwaco điều tiết nguồn nước sạch từ Nhà máy nước mặt Sông Đuống, các nhà máy nước ngầm do Công ty Nước sạch Hà Nội quản lý cho khu vực khách hàng do Công ty Viwaco quản lý; cung cấp nước bằng xe téc miễn phí theo nhu cầu của người dân, đồng thời cấp nước bằng các bình nhựa 20 lít cho các trường mầm non, tiểu học trong khu vực bị ảnh hưởng.
Trong thời gian tới, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố tiếp tục lấy mẫu nước để xét nghiệm tại đầu nguồn, tại nhà máy, tại các bể chứa tăng áp của nhà máy, tại các vùng dân bị ảnh hưởng đến hết tháng 10/2019.
Đối với Công ty nước sạch Sông Đà, Hà Nội yêu cầu công ty kiểm tra, rà soát hệ thống thiết bị giám sát, kiểm soát chất lượng nước trên toàn bộ hệ thống cấp nước đảm bảo yêu cầu cấp nước an toàn, phục vụ nhân dân trong vùng cấp nước của Công ty.
"Các thiết bị nào không đạt yêu cầu, cần có kế hoạch thay thế ngay. Kiểm tra toàn bộ quy trình vận hành Nhà máy nước mặt Sông Đà gồm: khu vực chứa trung gian, trạm bơm tăng áp, hệ thống đường ống truyền dẫn cấp nước. Chú ý đến khu vực hồ chứa nước mặt và rà soát lại thiết kế toàn bộ nhà máy. Trong đó chú ý đến khu chứa nước đầu vào cần xây dựng tách riêng, không nên sử dụng chung với hồ Đầm Bài như hiện nay", ông Định nói.
UBND thành phố Hà Nội cũng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tiếp tục kiểm tra, giám sát quy trình xử lý nước của Nhà máy nước Sông Đà, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
Trong diễn biến có liên quan, Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) xác định, việc đổ gần 9 tấn dầu thải vào đầu nguồn nước sông Đà được đối tượng Lý Đình Vũ cùng 2 đồng phạm thực hiện sau khi thỏa thuận xử lý với Công ty gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ), nhưng lại mang đổ xuống nguồn nước sông Đà.