Ung thư phổi “không hút thuốc” ngày càng gia tăng
Hút thuốc lá thụ động là tình trạng hít phải khói thuốc từ môi trường xung quanh mà không trực tiếp hút thuốc. Khói thuốc thụ động chứa hơn 6.000 hóa chất độc hại và ít nhất 69 chất gây ung thư...
![Ảnh minh họa.](https://media.vneconomy.vn/w800/images/upload/2025/02/11/khoi2.jpg)
Khói sinh ra từ điếu thuốc được chia thành bốn luồng khói. Luồng khói thứ nhất được sinh ra từ đầu điếu thuốc đang cháy trên tay người hút. Đây là luồng khói có nhiều độc chất nhất vì các sợi thuốc lá cháy không hoàn toàn. Luồng khói thứ hai được sinh ra khi con người hút vào phổi. Đây là luồng khói chỉ có người hút bị tác hại.
Luồng khói thứ ba do người hút nhả ra, đây là luồng khói có thể mang theo mầm bệnh nếu người hút có các bệnh truyền nhiễm như lao, sởi, cúm… Luồng khói thứ tư là luồng khói lắng đọng, nghĩa là điếu thuốc được hút xong, không còn thấy làn khói bay nhưng vẫn còn một luồng khói độc hại tồn tại trong môi trường. Đây là luồng khói lắng đọng sâu trong phổi nhất.
GIA TĂNG NGƯỜI MẮC UNG THƯ PHỔI KHÔNG HÚT THUỐC
Tháng 11/2024, Giáo sư Bryant Lin, Trường Y Đại học Stanford, bất ngờ nhận chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn 4, dù bản thân chưa bao giờ hút thuốc. Dù đã giảm trong vài thập kỷ qua, tỷ lệ mắc ung thư phổi ở người không hút thuốc vẫn tăng lên. Biết về xu hướng đáng lo ngại này, cách đây 6 năm, Lin thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Sức khỏe Châu Á ở Stanford hy vọng sẽ tìm hiểu rõ hơn. "Nhưng tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành biểu tượng cho trung tâm nghiên cứu của chính mình", ông nói.
![Dù đã giảm trong vài thập kỷ qua, tỷ lệ mắc ung thư phổi ở người không hút thuốc vẫn tăng lên.](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2025/02/11/khoi.jpg)
Dạng bệnh của ông Lin có tên ung thư phổi không tế bào nhỏ, hoặc còn được gọi là ung thư phổi "không hút thuốc". Ung thư xảy ra do sự cố trong quá trình phân chia và nhân đôi tế bào. Sự cố ban đầu có thể do hóa chất như khói thuốc lá gây ra hoặc đột biến DNA. Mới đây, trung tâm Nghiên cứu ung thư Quốc tế (IARC) - Cơ quan ung thư của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - cho biết, tỷ lệ người được chẩn đoán mắc ung thư phổi mặc dù chưa bao giờ hút thuốc đang gia tăng, hiện được dự báo là nguyên nhân gây tử vong do ung thư cao thứ 5 trên toàn thế giới.
IARC cho biết, ung thư phổi ở những người không bao giờ hút thuốc cũng chỉ xảy ra dưới dạng ung thư biểu mô tuyến - loại ung thư phổ biến nhất trong 4 loại ung thư chính ở cả nam giới và phụ nữ trên toàn cầu. Tác giả chính của nghiên cứu và là người đứng đầu chi nhánh giám sát ung thư của IARC, Tiến sĩ Freddie Bray, cho biết những phát hiện này nhấn mạnh nhu cầu theo dõi khẩn cấp nguy cơ ung thư phổi đang thay đổi.
“Với sự suy giảm tỷ lệ hút thuốc lá trên toàn thế giới, tỷ lệ ung thư phổi được chẩn đoán ở những người chưa bao giờ hút thuốc lại có xu hướng tăng lên. Tỷ lệ ung thư biểu mô tuyến toàn cầu do ô nhiễm không khí có tăng hay không phụ thuộc vào các chiến lược trong tương lai nhằm hạn chế sử dụng thuốc lá và ô nhiễm không khí trên toàn thế giới”, tiến sĩ Bray cho biết.
![Khoảng cách giữa tỷ lệ mắc ung thư phổi ở nam giới và nữ giới đang thu hẹp.](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2025/02/11/khoi3.jpg)
Ung thư phổi vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây ra tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới. Vào năm 2022, khoảng 2,5 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh. IARC cho biết ung thư biểu mô tuyến chiếm tới 70% các trường hợp ung thư phổi ở những người không bao giờ hút thuốc. Xu hướng hiện tại cho thấy rằng mặc dù nam giới vẫn chiếm phần lớn các trường hợp ung thư phổi, nhưng khoảng cách giữa tỷ lệ mắc ung thư phổi ở nam giới và nữ giới đang thu hẹp. Năm 2023, số lượng phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi ở Anh lần đầu tiên đã vượt qua nam giới.
XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÓI THUỐC
Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, trong hơn 10 năm qua, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động đã giảm tại hầu hết các địa điểm. Tuy nhiên, ước tính mỗi năm có khoảng 104.300 ca tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá, trong đó hút thuốc lá gây ra 85.500 ca tử vong và hút thuốc lá thụ động gây ra 18.800 ca tử vong.
Như vậy, bên cạnh triển khai các giải pháp giảm tỷ lệ người hút thuốc lá, ngăn chặn người mới hút thuốc... cần tiếp tục thực thi các biện pháp bảo đảm môi trường không khói thuốc để duy trì thành công bền vững của chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Trong văn bản của Bộ Y tế do GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế ký ban hành gửi các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương nêu rõ, ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030, trong đó có mục tiêu: "Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng là mục tiêu quan trọng trong việc giảm các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe…". "Ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng".
![Mỗi năm hút thuốc lá thụ động gây ra 18.800 ca tử vong.](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2025/02/11/khoi5.jpg)
Tại hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2024, thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), cho biết có 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá bao gồm đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi... là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.
Về gánh nặng về kinh tế, mỗi năm người Việt chi khoảng 49.000 tỉ đồng để mua thuốc lá (ước tính từ tổng tiêu thụ năm 2020). Trong khi đó, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế y tế Việt Nam, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỉ đồng/năm.
Trước thực trạng này, trong năm 2024 - 2025, Việt Nam sẽ xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá, để đảm bảo đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và cấm sản xuất, kinh doanh, sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới.
![Cần tiếp tục thực thi các biện pháp bảo đảm môi trường không khói thuốc để duy trì thành công bền vững của chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá.](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2025/02/11/khoi-4.png)
Cùng với đó, Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế đề nghị các Bộ, ngành, Đoàn thể Trung ương phối hợp, chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc tại nơi làm việc trong cơ quan Bộ và các cơ quan, đơn vị trong ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách; chỉ đạo đưa nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị; treo biển cấm hút thuốc tại nơi làm việc.
Giám sát thường xuyên việc thực thi quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc của cơ quan bộ, ngành, đoàn thể và các đơn vị trực thuộc. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; Tiếp tục tăng cường việc xử phạt các hành vi vi phạm quy định cấm hút thuốc tại các địa điểm cấm hút thuốc lá; Tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 - 31/5 hàng năm…