15:32 02/03/2023

Vai trò của những người làm nghề ve chai, đồng nát trong nền kinh tế tuần hoàn

Song Hoàng -
Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới, ước tính Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD mỗi năm vì không tái chế hết rác thải nhựa từ sinh hoạt. Còn chất thải hữu cơ ước tính lãng phí hơn 30 tỷ USD mỗi năm khi gần 70% không được tái chế...

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia gây ô nhiễm lớn trên các đại dương trên thế giới. Hàng năm, khoảng 3 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra đất liền ở Việt Nam và ước tính khoảng 0,28 đến 0,73 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra đại dương.

Trên khắp các tỉnh thành Việt Nam, chính quyền địa phương phải vật lộn để thu gom, vận chuyển, và xử lý các dòng chất thải ngày càng tăng của họ. Tình trạng này dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn với quá trình đô thị hóa nhanh chóng cùng với sự gia tăng kinh tế và dân số.

Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới, ước tính Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD mỗi năm vì không tái chế hết rác thải nhựa từ sinh hoạt. Còn chất thải hữu cơ ước tính lãng phí hơn 30 tỷ USD mỗi năm khi gần 70% không được tái chế.

Tổng lượng rác thải hàng năm đã tăng gấp đôi trong vòng 15 năm qua và dự báo sẽ tăng từ 27 triệu tấn năm 2018 lên 54 triệu tấn vào năm 2030.

Trong khi, rác mang lại lợi nhuận kinh tế như vậy, nhưng ở Việt Nam có đến khoảng 85% lượng rác thải đang được xử lý bằng công nghệ chôn lấp.

Riêng TP Hồ Chí Minh và Hà Nội dành nguồn kinh phí thu gom, xử lý rác khoảng 1.200 - 1.500 tỷ đồng mỗi năm, chiếm 3,5% chi ngân sách. Còn các chuyên gia môi trường nhận định, nếu đem rác đi chôn lấp sẽ lãng phí từ 55 - 67% các sinh khối và chất hữu cơ trong chất thải rắn.

Mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới tái tạo chất thải, sử dụng chất thải ngành này làm đầu vào nguyên liệu sản xuất của ngành khác sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững.

Tuy nhiên, với rác thải nhựa tại Việt Nam, hiện nay nếu để tuần hoàn được thì phải trông chờ vào hoạt động của hàng ngàn người làm nghề thu gom ve chai, đồ nhựa phế thải.

Những năm vừa qua, một số doanh nghiệp đã hợp tác để hồi sinh rác thải nhựa, qua đó giúp giảm thiểu ô nhiễm và từng bước tận dụng tài nguyên rác tại Việt Nam.

Tiêu biểu, từ năm 2021, Unilever Việt Nam và VietCycle, một doanh nghiệp chuyên thu gom rác thải nhựa đã bắt tay với nhau.

Bước đầu, sáng kiến này đã thành công xây dựng hệ thống thu gom trên địa bàn Hà Nội thông qua tuyển chọn và xây dựng các đại lý thu gom trên đường phố, các trạm thu gom lớn, mạng lưới lao động ve chai tự do với hơn 1.200 người lao động. Chương trình cũng đã thực hiện phân loại và thu gom hơn 12.000 tấn rác thải nhựa trong thời gian qua.

Bà Nguyễn Thị Mai, Tổng giám đốc Nhãn hàng chăm sóc gia đình, Unilever Việt Nam, đã chia sẻ về dự án hồi sinh rác thải nhựa cũng như một phần vai trò của những phụ nữ làm nghề ve chai đồng nát trong phát triển kinh tế rác, kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Video xem nhiều