Triển khai dự án Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại Cần Giờ
Ngày 25/11, UBND huyện Cần Giờ và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) ra mắt dự án “Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại huyện Cần Giờ”, tài trợ bởi Quỹ Coca-Cola…
Dự án “Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại huyện Cần Giờ” thúc đẩy sự hợp tác của người tiêu dùng, doanh nghiệp tái chế và chính quyền địa phương để thí điểm cách tiếp cận mới và sáng tạo của mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa, đồng thời cung cấp thông tin phản hồi để hỗ trợ cho các chính sách phù hợp cấp quốc gia.
Với mong muốn chung tay xây dựng mô hình tuần hoàn về rác thải nhựa thông qua việc thúc đẩy sự hợp tác của người tiêu dùng, cá nhân thu gom, doanh nghiệp tái chế và chính quyền địa phương trong công tác thu gom, tái chế rác thải, đồng thời thu thập các phản hồi về các chính sách cấp quốc gia, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) phối hợp với UBND huyện Cần Giờ triển khai dự án “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cho rác thải nhựa tại huyện Cần Giờ”, tài trợ bởi Quỹ Coca-Cola toàn cầu.
Dự án dự kiến triển khai tới tháng 12/2023 với 3 hợp phần chính: Đánh giá thực trạng rác thải nhựa tại địa phương; Thiết kế giải pháp, mô hình kinh tế tuần hoàn và tăng cường năng lực các bên liên quan trong triển khai mô hình; Truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và quảng bá doanh nghiệp tái chế nhựa.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Đồng sáng lập, Phó Giám đốc GreenHub, khẳng định rằng đây sẽ là mô hình thí điểm cách tiếp cận mới và sáng tạo của mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Cần Giờ. GreenHub kỳ vọng sẽ có thể lan toả mô hình này sang các địa phương khác trong tương lai.
Hiện, tình trạng ô nhiễm rác thải ở Cần Giờ ngày càng nghiêm trọng do lượng lớn rác thải từ biển vào hệ thống sông Lòng Tàu, sông Soài Rạp và rác thải sinh hoạt tăng lên do quá trình đô thị hoá. Ngoài ra, thực trạng rò rỉ chất thải nhựa đang gây áp lực lên Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ - Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam được UNESCO công nhận năm 2000, đe doạ “lá phổi xanh” bảo vệ thành phố trọng điểm phía Nam. Dự án này có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển xanh, phát triển bền vững ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.