08:49 28/10/2024

Vàng sụt giá sáng đầu tuần, giới chuyên gia nói về “sự bất thường”

Điệp Vũ

"Sự bất thường" đó là việc giá vàng vẫn liên tục lập kỷ lục thời gian gần đây, bất chất tỷ giá USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng tăng...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Giá vàng thế giới khởi động tuần giao dịch mới vào sáng nay (28/10) trong trạng thái giảm khá mạnh do đồng USD tiếp tục xu hướng leo thang. Tuy nhiên, giá vàng vẫn liên tục lập kỷ lục thời gian gần đây, bất chất tỷ giá USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng tăng, và nhiều chuyên gia cho rằng đây là một “sự bất thường”.

Lúc gần 8h sáng theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á giảm 14,4 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Sáu tuần trước tại thị trường New York, tương đương giảm 0,52%, còn 2.734,5 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.

Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương khoảng 83,9 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng so với cuối tuần. Đầu giờ sáng, Vietcombank báo giá USD ở mức 25.167 đồng (mua vào) và 25.467 đồng (bán ra), không thay đổi so với mức chốt tuần vừa rồi.

Vàng giảm giá ngay khi vừa bước sang tuần mới dưới áp lực từ đà tăng của đồng USD. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác lúc gần 8h theo giờ Việt Nam tăng 0,15% so với mức chốt của tuần trước, giao dịch ở mức 104,4 điểm - theo dữ liệu từ trang MarketWatch.

Đây là mức tỷ giá cao nhất của USD trong vòng 3 tháng trở lại đây. Đồng tiền này đang được hưởng lợi từ khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ hạ lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ còn vững vàng. Ngoài ra, thông tin Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản mất đa số ghế trong Quốc hội trong cuộc bầu cử sớm vào cuối tuần vừa rồi đã gây áp lực mất giá mạnh lên đồng yên Nhật, qua đó giúp đồng USD tăng giá mạnh hơn.

Vàng được định giá bằng USD, nên vàng thường giảm giá khi USD tăng giá và ngược lại. Ngoài ra, vàng không mang lãi suất, nên lãi suất tăng thường gây sức ép giảm giá lên vàng và ngược lại.

Nhưng nhìn trong khoảng thời gian mấy tuần vừa qua, vàng vẫn tăng giá bất chấp đà tăng của USD. Chưa kể, xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng không cản được xu hướng lập kỷ lục của giá kim loại quý này.

Trong tháng 10, giá vàng giao ngay đã lập một loạt kỷ lục mới, gần nhất là mức gần 2.760 USD/oz thiết lập vào tuần trước. Tính từ đầu tháng, giá vàng đã tăng khoảng 3%.

Trong khi đó, Dollar Index đã tăng khoảng 3,6% trong 1 tháng trở lại đây và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vào tuần trước có lúc lập đỉnh 3 tháng trên 4,25%. Nếu so với mức đáy của 52 tuần thiết lập vào giữa tháng 9, lợi suất của kỳ hạn 10 năm hiện đã tăng gần 0,6 điểm phần trăm.

“Giá vàng đã diễn biến ‘bình thường’ trong suốt mùa hè. Nhưng trong những tuần gần đây, giá vàng lại đi ngược quy luật”, nhà kinh tế trưởng David Oxley của công ty nghiên cứu Capital Economics nhận định trong một báo cáo.

“Vàng về cơ bản đang phớt lờ đồng USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng”, nhà đồng sáng lập Michael Armbruster của công ty Altavest nhận định với trang MarketWatch. Ông Armbruster tin rằng đó là dấu hiệu cho thấy nhu cầu vàng vật chất “đang mạnh ở các quốc gia khác, nhất là từ các ngân hàng trung ương muốn phi đôla hóa dự trữ ngoại hối”.

Tương tự, ông Oxley đề cập đến những đồn đoán cho rằng giá vàng duy trì xung lực tăng phản ánh một sự dịch chuyển mô hình trên diện rộng, dẫn đầu bởi các ngân hàng trung ương nhóm BRICS, trong đó tăng dự trữ vàng và giảm phụ thuộc vào đồng USD. BRICS là nhóm các nền kinh tế mới nổi lớn, dẫn đầu là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, gần đây đã kết nạp thêm một số thành viên khác.

Nhưng ông Oxley cho rằng lập luận thuyết phục nhất về những diễn biến gần đây của giá vàng có lẽ là các giao dịch dựa trên khả năng cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử vào ngày 5/11 - những giao dịch được gọi là “Trump trade”. Thị trường tài chính đang nghiêng về khả năng ông Trump giành chiến thắng trước Phó tổng thống Kamala Harris.

“Nếu bạn lo nhiều về sự chi tiêu công quá mức và vai trò độc lập của Fed không còn như trước, thì vàng chính là một tài sản hấp dẫn”, ông Oxley nhấn mạnh.

Diễn biến giá vàng thế giới 10 năm qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading Economics.
Diễn biến giá vàng thế giới 10 năm qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading Economics.

Một số chuyên gia còn đề cập tới khả năng suy thoái kinh tế Mỹ như một lý do để nắm giữ vàng.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của MarketWatch gần đây, Chủ tịch jim Rogers của công ty Beeland Interest Inc. nói rằng nền kinh tế Mỹ đang nhích dần đến một cuộc suy thoái “cực kỳ tồi tệ”, và kim loại quý “luôn là tài sản để trú ẩn khi có biến động kinh tế”.

Ông Armbruster còn nhấn mạnh việc thâm hụt ngân sách hàng năm của Chính phủ Mỹ đang lên tới gần 2 nghìn tỷ USD và được dự báo còn tăng trong những năm tới ngay cả khi không có chiến tranh hay suy thoái. Bởi vậy, “nhà đầu tư xem vàng là một đặt cược hấp dẫn”. Ngoài ra, ông cho rằng lạm phát ở Mỹ có thể tăng tốc trong những tháng tới, và vàng sẽ phát huy vai trò chống lạm phát ngay cả khi Fed giảm lãi suất chậm lại.

Tuy nhiên, ông Oxley cho rằng sự thận trọng là cần thiết. “Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng giá vàng không phải là thứ chỉ đi theo một chiều. Có nhiều người đang mang tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO), điều thường xuất hiện trong các thời kỳ hình thành bong bóng tài sản”, ông nói.

Vì vậy, ông Oxley cho biết Capital Economics “không vội” thay đổi dự báo giá vàng vào thời điểm cuối năm 2025 là 2.750 USD/oz, “nhiều khả năng sẽ có một đợt điều chỉnh lớn trong thời gian từ nay đến đó”.