14:03 24/04/2023

Vì sao nhiều ý kiến ủng hộ giảm 2% thuế VAT đồng loạt?

Ánh Tuyết

Dù có khả năng gây hụt thu ngân sách nhiều hơn nhưng hầu hết các ý kiến đều đồng tình với việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%, áp dụng với toàn bộ các mặt hàng. Cùng với giảm thuế VAT và các loại thuế, phí khác, chính sách tài khoá được coi là trụ cột trong bối cảnh hiện nay đang gặp không ít khó khăn...

Khi nền kinh tế suy thoái hoặc khó khăn, chính sách tài khoá là trụ cột. Nhiều chuyên gia kiến nghị chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất 2% chưa giải ngân để miễn giảm thuế, phí... mạnh tay hơn.
Khi nền kinh tế suy thoái hoặc khó khăn, chính sách tài khoá là trụ cột. Nhiều chuyên gia kiến nghị chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất 2% chưa giải ngân để miễn giảm thuế, phí... mạnh tay hơn.

Trả lời Công văn số 3657/BTC-CST ngày 14/4 của Bộ Tài chính về việc lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hoàn toàn đồng tình với việc giảm thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) từ 10% xuống 8% vào thời điểm này để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.

"Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và những biến động kinh tế vĩ mô hiện nay của Việt Nam, việc sử dụng chính sách tài khoá mang tính phổ cập như giảm thuế VAT là rất phù hợp", VCCI khẳng định.

GIẢM VAT 2% ĐỒNG LOẠT ĐỂ TRỢ SỨC CHO DOANH NGHIỆP

Đáng chú ý, trong văn bản phản hồi Bộ Tài chính, VCCI đồng tình với việc giảm thuế đối với toàn bộ các hàng hoá, dịch vụ thay vì chỉ giảm đối với hầu hết hàng hoá dịch vụ như Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết 43).

Thực tế triển khai thực hiện Nghị quyết 43 và Nghị định 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị định 15) năm vừa qua cho thấy, việc chỉ giảm thuế với một số mặt hàng mà không giảm với một số khác khiến việc kê khai và nộp thuế trở nên vô cùng phức tạp do "ma trận" các mặt hàng loại trừ.

 

"Các doanh nghiệp và cơ quan thuế, cơ quan hải quan đều lo ngại việc xác định không đúng mặt hàng sẽ dẫn đến nguy cơ bị xử phạt, xử lý kỷ luật sau này. Do đó, việc giảm thuế cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ là hợp lý", VCCI khẳng định.

Mặc dù tờ trình đã đề xuất thời gian áp dụng chính sách này là cho đến hết ngày 31/12/2023; tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết (trong tài liệu đính kèm) chưa có nội dung này. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo lưu ý bổ sung vào dự thảo.

Một điểm nữa được VCCI lưu ý đó là dự thảo quy định thời điểm bắt đầu áp dụng chính sách giảm thuế là ngày Nghị quyết này được ban hành.

Trước đó, Nghị quyết 43 cũng quy định thời điểm áp dụng là từ ngày ban hành (11/1/2022) nhưng khi triển khai, một số doanh nghiệp phản ánh họ không cập nhật kịp thời sự thay đổi thuế suất vào ngày 11/1/2022.

Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp đã phải sửa hoá đơn giá trị gia tăng, sửa tờ khai hải quan, điều chỉnh sổ sách kế toán và hoàn trả tiền cho khách hàng khá vất vả.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng, thời điểm có hiệu lực của chính sách này là 1 ngày sau khi ban hành và sẽ ghi ngày cụ thể khi ban hành. Đồng thời, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo chuẩn bị tốt về mặt truyền thông chính sách để bảo đảm doanh nghiệp nhanh chóng kịp thời cập nhật sự thay đổi này, tránh các sai sót không đáng có.

GS.TS. Tô Trung Thành, Trưởng Phòng Quản lý khoa học Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cũng đồng tình với chính sách giảm thuế VAT do chính sách này mang tính chất phủ rộng, tiếp cận được nhiều đối tượng, nhiều doanh nghiệp hơn.

Cũng theo ông Thành, rõ ràng hỗ trợ về phí và thuế là một trong những hỗ trợ quan trọng nhất hiện nay, chứ không phải hỗ trợ về lợi nhuận hay hỗ trợ về thị trường bởi tình hình kinh tế thế giới hiện khá xấu, thị trường đầu ra rất kém.

Có thể thấy sự sụt giảm này thông qua con số tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quý 1 chỉ đạt 154,27 tỷ USD, giảm tới 13,3% so với cùng kỳ năm trước trong khi cùng kỳ tăng 15%. Riêng xuất khẩu hầu hết các nhóm hàng chủ lực như điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; gỗ và sản phẩm gỗ… đều giảm mạnh.

Giãi bày khó khăn hiện nay, ông Trần Đức Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH Đầu Tư & Sản Xuất Thái Hưng, một doanh nghiệp sản xuất bao bì chuyên cung cấp cho các doanh nghiệp FDI, cho biết đơn hàng của công ty đã giảm sâu từ tháng 10/2022 và bối cảnh khó khăn còn kéo dài có thể sang năm sau.

Trong khi đó, chi phí đầu vào của doanh nghiệp vẫn tăng cao, doanh nghiệp vẫn khó khăn về chi phí logistics, xăng dầu, nguyên nhiên vật liệu, lãi suất...

Bên cạnh đó, trước lo ngại về việc giảm toàn bộ các mặt hàng thay vì loại trừ như năm ngoái gây gánh nặng ngân sách hơn, GS.TS Tô Trung Thành, cho rằng phân tích kỹ cơ cấu về nợ công và nợ Chính phủ hiện vẫn ở mức độ khá tốt vì năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế khá tốt. Điều này dẫn đến tỷ trọng nợ công/GDP cũng đang giảm.

"Chúng ta cần đánh đổi và đặc biệt, trong khi nền kinh tế ở giai đoạn suy thoái hoặc khó khăn, chắc chắn phải dùng các chính sách tài khoá và chấp nhận thâm hụt ngân sách", GS.TS Tô Trung Thành nhấn mạnh.

Mặt khác, nhiều ý kiến lạc quan cho rằng giảm thuế VAT làm giảm nguồn thu ngân sách trước mắt nhưng về lâu dài, nhờ các tác động tích cực từ chính sách này và áp dụng thêm các biện pháp khác giúp doanh nghiệp "hồi sức", thu ngân sách thậm chí có thể dôi dư, vượt xa con số hụt thu do giảm thuế VAT.

CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ LÀ TRỤ CỘT TRONG LÚC NGUY KHÓ

Trong khoảng 77.000 tỷ đồng tiền miễn, giảm các loại thuế, phí và lệ phí dự kiến được Bộ Tài chính triển khai trong năm 2023, gói giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với tất cả nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 10% xuống còn 8% với trị giá "khủng" 35.000 tỷ, được người dân và giới chuyên gia rất mong đợi vì mục tiêu kích cầu tiêu dùng, giảm lạm phát cũng như giúp doanh nghiệp gia tăng sản xuất, phát triển kinh tế.

Khẳng định tầm quan trọng của những chính sách tài khoá khoan sức dân, đặc biệt là các gói miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí nêu trên, GS.TS Tô Trung Thành, nhấn mạnh trong thời điểm khó khăn như hiện nay, thực ra chính sách tiền tệ không phải chính sách quan trọng nhất mà chính sách tài khoá và hỗ trợ doanh nghiệp mới là điều quan trọng nhất và chính sách tiền tệ cần phải hỗ trợ phối hợp hiệu quả với tài khoá.

 
GS.TS Tô Trung Thành, Trưởng Phòng Quản lý khoa học Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
GS.TS Tô Trung Thành, Trưởng Phòng Quản lý khoa học Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

"Theo quan điểm của tôi, những chính sách không phát huy được hiệu quả như gói cấp bù lãi suất 2% nên cân nhắc, xem xét dừng lại để điều chuyển sang chính sách khác có hiệu quả hơn và đặc biệt là tập trung vào chính sách tài khoá, đảm bảo tổng kinh phí vẫn nằm trong chương trình phục hồi được Quốc hội phê duyệt trước đây".

Một phần bởi chính sách tiền tệ hiện tại rõ ràng chịu sức ép, phải ứng phó linh hoạt với những diễn biến bất ngờ từ kinh tế thế giới và phải "nhìn trước ngó sau" trước động thái của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới để phản ứng. Do đó, chính sách tiền tệ muốn hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế cũng gặp nhiều khó khăn, phải giữ "phòng tuyến" về tỷ giá.

Thay vào đó, Chính phủ và Bộ Tài chính nên cân nhắc hỗ trợ các chính sách tài khoá như: giảm thuế, giảm phí…, thực sự sẽ hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp.

Nói thêm về việc "mắc kẹt" gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã có khả năng phục hồi sau dịch Covid-19, vị chuyên gia này cho rằng việc giải ngân rất chậm, hiện nguồn tiền vẫn còn, có thể chuyển sang hỗ trợ khác cho doanh nghiệp ví dụ như giãn, giảm thuế...

Cũng theo chia sẻ của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, quá trình giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% không được như mong muốn, bởi nhiều nguyên nhân như: do quy định chưa sát, điều kiện thực tiễn đã thay đổi. Đáng nói, Nghị quyết 43 quy định tiêu chí cứng là "có khả năng phục hồi" - đây là điều kiện để được hưởng chính sách ưu đãi này.

Tuy nhiên, "cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đều rất khó xác định thế nào là "có khả năng phục hồi" cho nên rất khó thực hiện.

Một trong những lý do khác khiến doanh nghiệp không mặn mà với gói hỗ trợ lãi suất chính là tâm lý e ngại đối với các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vì đây là hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, nên việc bị thanh tra, kiểm tra là khó tránh.

Trước thực tế tổng giải ngân gói này "nhỏ giọt", mới được 330/40.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước cũng nhiều lần báo cáo nên chuyển nguồn này sang các chính sách khác, những lĩnh vực đang thiếu vốn để tận dụng nguồn lực đang dôi dư.

Nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng nhất trí kiến nghị chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất 2% chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn giảm thuế, phí, lệ phí... cho các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay để sử dụng nguồn lực hỗ trợ hiệu quả, có khả năng hấp thụ tốt hơn.