07:59 19/04/2023

Hơn 500.000 tỷ tiền ngân sách "hồi sức" doanh nghiệp, người dân trong 3 năm trước được nối dài hỗ trợ sang năm 2023

Ánh Tuyết

Nối tiếp những chính sách "hồi sức" cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế trị giá 507 nghìn tỷ đồng trong 3 năm vừa qua, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất hàng loạt chính sách gia hạn, giãn hoãn thời hạn nộp nhiều sắc thuế năm nay...

Bộ Tài chính đang đề xuất giảm tiền thuê đất phải nộp, giảm thuế giá trị gia tăng năm 2023.
Bộ Tài chính đang đề xuất giảm tiền thuê đất phải nộp, giảm thuế giá trị gia tăng năm 2023.

Theo Bộ Tài chính, ngay từ cuối năm 2022, bên cạnh những điều kiện thuận lợi kế thừa từ thành tựu trong phục hồi kinh tế của năm 2022, dự báo còn nhiều rủi ro, thách thức từ những biến động khó lường của tình hình thế giới có thể ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân cũng như nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Do đó, để kịp thời, chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách của năm 2023, Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền nhiều giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023

NHỮNG CHÍNH SÁCH SẼ TRIỂN KHAI NĂM 2023

Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết thứ nhất, trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Dự kiến thực hiện Nghị quyết này sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 38 nghìn tỷ đồng.

Thứ hai, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (thuế VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 đối với doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo Tờ trình số 43/TTr-BTC ngày 30/3/2023 của Bộ Tài chính.

Theo đó, dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được xem xét gia hạn là hơn 110 nghìn tỷ đồng.

Thứ ba, Bộ Tài chính cũng đang tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2023 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian sớm nhất.

Dự kiến thực hiện giải pháp này, số tiền thuê đất được giảm nghĩa vụ năm 2023 là khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng.

Thứ tư, Bộ Tài chính cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Thứ năm, nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi và phát triển, Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.

 

Theo đó, năm 2023, Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế VAT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế VAT 10%.

Thực hiện theo phương án này nhằm đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.

Thời gian áp dụng chính sách giảm thuế VAT kể từ khi chính sách được ban hành đến hết ngày 31/12/2023.

LOẠT CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ TRỢ LỰC NGƯỜI DÂN TRONG 3 NĂM LAO ĐAO VÌ ĐẠI DỊCH

Cũng theo Bộ Tài chính, trong 3 năm 2020-2022, các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất giúp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khoảng 507 nghìn tỷ đồng, góp phần tích cực trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...

Theo chức năng quản lý, Bộ Tài chính chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, như gia hạn các khoản thuế như: thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt; miễn, giảm các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, cùng nhiều khoản phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

Trong năm 2020, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ khoảng 129 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm hơn 31,5 nghìn tỷ đồng.

Năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các giải pháp hỗ trợ đã được tiếp tục triển khai ở mức cao hơn cả về nội dung và giá trị hỗ trợ với tổng quy mô khoảng 145 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 25 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 120 nghìn tỷ đồng.

Năm 2022, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sau dịch Covid-19, Bộ Tài chính cũng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đề xuất, tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó có quy định giảm mức thuế suất thuế VAT đối với hầu hết các mặt hàng đang chịu thuế suất 10% xuống còn 8%; tiếp tục tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.

Việc thực hiện các giải pháp này trong năm 2022 sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là khoảng 233 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 98 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng.