18:55 11/04/2023

Giảm thuế VAT 2%: Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án

Ánh Tuyết

Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án giảm 2% thuế VAT năm 2023. Theo đó, sẽ giảm đồng loạt 2% mức thuế suất VAT đối với nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10% hoặc loại trừ một số nhóm hàng hoá, dịch vụ như đã triển khai trong năm vừa qua...

Việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng theo hai phương án cần cân nhắc kỹ lưỡng, tính toán thiệt hơn và dễ dàng khi triển khai.
Việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng theo hai phương án cần cân nhắc kỹ lưỡng, tính toán thiệt hơn và dễ dàng khi triển khai.

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) trong năm 2023.

HAI PHƯƠNG ÁN GIẢM 2% THUẾ SUẤT THUẾ VAT

Trong văn bản này, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết tại dự thảo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương khẩn trương xử lý, giải quyết vấn đề hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét tiếp tục chính sách giảm 2% thuế VAT.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án giảm 2% thuế VAT năm 2023.

Phương án 1, giảm 2% mức thuế suất VAT đối với nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%).

Phương án 2, giảm 2% mức thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hoá, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất VAT 10%, trừ một số nhóm hàng hoá, dịch vụ như đã áp dụng trong năm 2022 theo Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về thời gian thực hiện, Bộ Tài chính đề xuất kể từ khi chính sách được ban hành, dự kiến trong 6 tháng, từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12/2023.

Để có cơ sở báo cáo, Bộ Tài chính đề nghị Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách giảm 2% thuế VAT theo quy định tại Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị định 15 của Chính phủ và đánh giá tác động số thu ngân sách theo 2 phương án nêu trên để đề xuất phương án giảm thuế VAT áp dụng cho năm 2023.

ĐONG ĐẾM LỢI HẠI HAI PHƯƠNG ÁN

Trước đó, nhiều chuyên gia kinh tế và Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) và Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA)... từng nhiều lần đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài chính sách giảm 2% thuế VAT tới hết năm 2023 đi kèm một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ… trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh năm nay vẫn gặp nhiều khó khăn.

Được biết, từ ngày 1/2/2022 đến hết năm 2022, thuế VAT được áp dụng giảm từ 10% xuống còn 8% đối với hầu hết nhóm hàng hóa dịch vụ theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Theo ghi nhận, chính sách này đã tác động tích cực và hiệu quả đến nền kinh tế, giúp người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế hưởng lợi từ chính sách thiết thực này.

Với mỗi người dân, khi điều kiện kinh tế khó khăn hơn, thu nhập sụt giảm, việc giảm thuế suất thuế VAT 2% giúp người tiêu dùng cùng một số tiền nhưng mua được nhiều sản phẩm hơn, chất lượng cuộc sống được nâng cao hơn.

Với mỗi doanh nghiệp, giảm thuế cũng là giảm cả giá đầu vào và đầu ra. Giá đầu vào giảm giúp doanh nghiệp trực tiếp tiết giảm được chi phí, có thêm vốn để tái đầu tư, tăng khả năng mở rộng sản xuất. Giá đầu ra giảm tuy doanh nghiệp không được lợi trực tiếp nhưng lại thu lợi gián tiếp nhờ cơ hội gia tăng doanh số.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc giảm thuế suất thuế VAT góp làm giảm giá hàng hóa, giảm áp lực lạm phát. Như vậy, chính sách này có tác động kép, vừa kích thích tăng trưởng sản xuất, vừa ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi hiện tại có 2 mức thuế suất 10% và 5%, nhiều ý kiến thắc mắc vậy tại sao mặt hàng có thuế suất 5% lại không được giảm sẽ gây nên sự thiếu công bằng.

Bên cạnh đó, đối tượng thụ hưởng cũng sẽ thay đổi, bởi nếu trong năm 2022 tập trung vào ứng phó với đại dịch và khoanh vùng hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch thì bây giờ cả nền kinh tế gặp khó khăn, không thể phân biệt đối xử như phương án 1.

Đáng quan ngại, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 43 về giảm 2% thuế suất với các sản phẩm, dịch vụ chịu thuế suất 10%, thực sự có nhiều vướng mắc và những lúng túng nhất định do doanh nghiệp, kế toán trong mỗi doanh nghiệp loay hoay, rối như "tơ vò" khi khó xác định mặt hàng nào được giảm thuế hay không. Thực sự nếu phương án 1 được triển khai như năm vừa qua sẽ gây nhiều rắc rối, bất cập khi đi vào thực thi.

Do đó, kế toán viên tại các doanh nghiệp đều mong mỏi việc giảm thuế suất thuế VAT 2% được áp dụng đồng loạt, giảm còn 8% bởi áp dụng như chính sách năm 2022 khiến kế toán viên rất khổ sở; đồng thời, nếu kê khai sai thì doanh nghiệp phải chịu tiền phạt rất nặng.

Dù vậy, nếu áp dụng đồng loạt như phương án 2 thì sẽ thực sự tác động rất lớn đến ngân sách nhà nước bởi thay vì chỉ hỗ trợ một số đối tượng nhất định lại áp dụng cho cả nền kinh tế và áp dụng cho cả hai loại thuế suất, chắc chắn con số giảm thu đối với ngân sách nhà nước không hề nhỏ. Do đó, chính sách này sẽ phải cân nhắc kỹ càng.

 

Thông tin về kết quả thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022, Bộ Tài chính cho biết, tổng số thuế miễn, giảm ước khoảng 50,2 nghìn tỷ đồng, bằng 78,4% số dự kiến khi xây dựng chương trình (64 nghìn tỷ đồng). 

Trong đó, quy mô việc giảm thuế suất thuế VAT từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% trong gói hỗ trợ trên theo quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP là lớn nhất, lên đến khoảng 38,9 nghìn tỷ đồng.