Việt Nam – Hàn Quốc thống nhất 5 nội dung hợp tác
Tại cuộc họp Đối thoại kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam – Hàn Quốc lần thứ hai, hai bên đã đề xuất, trao đổi và đạt được thỏa thuận về nhiều nội dung hợp tác trong 5 lĩnh vực thương mại; năng lượng và xây dựng hạ tầng; hợp tác phát triển; công nghệ thông tin - truyền thông, khởi nghiệp và đầu tư; y tế và lao động…
Ngày 10/3, tại Hà Nội, diễn ra Đối thoại kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ hai do Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Đại Hàn Dân Quốc Kyungho Choo đồng chủ trì.
Trong những năm qua, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, liên tục, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Với quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2009 và nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 12/2022, Việt Nam và Hàn Quốc là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của nhau trong nhiều lĩnh vực, từ thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, lao động tới khoa học - công nghệ, công nghiệp, hạ tầng - giao thông - xây dựng, năng lượng, nông nghiệp, tài chính - ngân hàng…
Giữa Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều cơ chế, khuôn khổ hợp tác kinh tế. tương đối đa dạng, bao gồm cả hợp tác đa ngành và hợp tác trong từng lĩnh vực chuyên môn cụ thể, ở nhiều cấp khác nhau. Các cơ chế, khuôn khổ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc hiện nay đang hoạt động thuận lợi, hiệu quả, linh hoạt, giải quyết tốt những vấn đề phát sinh và nhu cầu thực tế trong từng lĩnh vực hợp tác cụ thể giữa hai nước.
Sáng kiến lập cơ chế Đối thoại kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam - Hàn Quốc được hai bên đưa ra và quyết định cùng nhau thực hiện nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Moon Che In vào tháng 3/2018 nhằm tạo ra cơ chế trao đổi cấp cao tương xứng với quan hệ hợp tác kinh tế sâu rộng giữa Việt Nam và Hàn Quốc về những vấn đề quan trọng, giúp mở rộng, tăng cường hợp tác song phương vì lợi ích của cả hai phía trong các lĩnh vực kinh tế và khắc phục vướng mắc, hỗ trợ các cơ chế, khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương khác. Đối với phía Hàn Quốc, sáng kiến này nằm trong tổng thể chính sách Hướng Nam mới, trong đó Việt Nam được đặt là trọng tâm.
Tại cuộc họp Đối thoại lần thứ hai, hai bên đã đề xuất, trao đổi và đạt được thỏa thuận về nhiều nội dung hợp tác trong 5 lĩnh vực thương mại; năng lượng và xây dựng hạ tầng; hợp tác phát triển; công nghệ thông tin - truyền thông, khởi nghiệp và đầu tư; y tế và lao động. Các thoả thuận hợp tác đạt được là thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế mỗi bên, giúp giải quyết các khó khăn, vướng mắc và mở ra các cơ hội hợp tác kinh tế mới.
Nổi bật trong số đó là việc hai bên đã thống nhất 5 nội dung.
Thứ nhất, cùng phối hợp để tăng cường hợp tác thương mại giữa hai nước, trong đó có các giải pháp nhằm giảm nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc, đẩy mạnh xúc tiến hơn nữa việc xuất khẩu một số mặt hàng sang nhau trên cơ sở Hiệp định Thương mại tự do Việt - Hàn, hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 100 tỷ đôla Mỹ năm 2023 và 150 tỷ đôla Mỹ năm 2030.
Thứ hai, thống nhất nhiều giải pháp nhằm giải quyết vướng mắc, khó khăn mà doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Hai bên cũng đã nhất trí cùng nhau thúc đẩy đầu tư từ Hàn Quốc vào những lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam như ICT, năng lượng sạch, hạ tầng, đô thị thông minh...Đồng thời, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phân phối và logistic.
Thứ ba, thống nhất tăng cường hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển chính thức giữa Chính phủ Hàn Quốc và Chính phủ Việt Nam thông qua việc sử dụng hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại, tận dụng nguồn vốn vay ODA Hàn Quốc thông qua Quỹ EDCF và Quỹ EDPF.
Thứ tư, nhiều thỏa thuận quan trọng đã đạt được nhằm mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ.
Thứ năm, cùng phối hợp thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực y tế, lao động. Một số vấn đề trong hợp tác lao động đã được thống nhất phối hợp nhằm xác định các giải pháp để giải quyết các vướng mắc nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực của cả hai bên để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của hai dân tộc.
Trong khuôn khổ cuộc họp Đối thoại, hai phía Việt Nam và Hàn Quốc đã ký Thỏa thuận vay dự án Cải tạo khu gian Hòa Duyệt-Thanh Luyện, tuyến đường sắt Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh với hạn mức vốn vay 68 triệu USD.
Đối thoại kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam - Hàn Quốc đã thành công tốt đẹp, góp phần nâng tầm quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc, vì sự thịnh vượng chung của hai dân tộc.
Đối thoại kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ ba sẽ được tổ chức tại Hàn Quốc vào thời gian thích hợp để hai bên rà soát tiến độ, kết quả triển khai các thoả thuận tại Đối thoại lần thứ hai, đồng thời đề xuất các sáng kiến, thoả thuận hợp tác mới.