10:35 02/11/2020

Viettel, VinaPhone, MobiFone roaming vùng bị bão lũ: Lịch sử ngành viễn thông

Thủy Diệu

Lịch sử ngành viễn thông di động Việt Nam chưa bao giờ hiện diện việc roaming cùng lúc giữa các mạng di động lớn

Trước nay, roaming giữa các mạng di động tại Việt Nam luôn là thứ xa xỉ và rất khó xảy ra - ảnh minh họa.
Trước nay, roaming giữa các mạng di động tại Việt Nam luôn là thứ xa xỉ và rất khó xảy ra - ảnh minh họa.

Chưa bao giờ lịch sử ngành viễn thông di động Việt Nam lại hiện diện việc chuyển vùng dịch vụ viễn thông di động (roaming) cùng lúc giữa các mạng di động (lớn) như lần này - trong vùng bão lũ đang xảy ra tại miền Trung.

Cụ thể ngày 30/10, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) có văn bản yêu cầu ba nhà mạng Viettel, VinaPhone-VNPT, MobiFone triển khai chuyển vùng dịch vụ viễn thông di động tại ba địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Việc thực hiện roaming nhằm đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, đồng thời phục vụ cho công tác cứu hộ tại những vùng bị cô lập, giúp người dùng di động có thể thực hiện cuộc gọi thoại và nhắn tin bình thường khi nhà mạng đang sử dụng dịch vụ gặp sự cố và không có sóng.

Hoạt động chuyển vùng di động này được triển khai đối với dịch vụ thoại và nhắn tin SMS. Ngoài 3 địa phương trên, các nhà mạng cũng được lưu ý việc xây dựng phương án roaming tại các tỉnh thành khác khi và sẵn sàng triển khai có yêu cầu.

Cũng cần nhắc, trước khi có văn bản chỉ đạo trên của Cục Viễn thông, tại cuộc họp giao ban quản lý nhà nước trước đó của Bộ Thông tin và Truyền thông, chiều ngày 29/10, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo Cục Viễn thông cần nhanh chóng bàn, phối hợp ngay với các nhà mạng xây dựng kế hoạch bảo đảm roaming 3 nhà mạng lớn nhất (Viettel, VinaPhone, MobiFone); tìm ra những giải pháp, lập kế hoạch hành động nhằm bảo đảm mỗi xã có ít nhất một trạm phát sóng kiên cố hoạt động thông tin liên lạc thông suốt trong bão lũ, giảm thiểu thiệt hại.

Sau văn bản chỉ đạo của Cục Viễn thông, mạng di động VinaPhone-VNPT chiều 30/10 đã hoàn thành việc mở roaming cho các thuê bao của MobiFone, với thuê bao Viettel trong đêm 30/10. Đến ngày 31/10, các nhà mạng còn lại đã hoàn thành việc roaming cho thuê bao ở 3 tỉnh trên. 

Trong đó muộn nhất là MobiFone, mạng di động này đến chiều 31/10 cũng thông tin đã hoàn thành việc mở kết nối với hai nhà mạng VinaPhone, Viettel để thuê bao hai nhà mạng này có thể sử dụng sóng MobiFone.

Trước nay, roaming giữa các mạng di động tại Việt Nam luôn là thứ xa xỉ và rất khó xảy ra, ngoại trừ hai mạng di động "anh em" VinaPhone và MobiFone là thực hiện roaming thường xuyên, ở những vùng mà một trong hai nhà mạng này không có sóng hoặc sóng yếu. 

Đầu năm 2013, việc roaming giữa hai mạng không cùng thuộc tập đoàn VNPT đã được mở ra cho mạng Gmobile (Công ty Cổ phần Dịch vụ viễn thông Toàn cầu - Gtel Mobile), khi mạng này được sử dụng sóng của VNPT, tuy nhiên cũng chỉ ở một số địa bàn nhất định. Từ đó đến nay, câu chuyện roaming giữa các nhà mạng trong nước không còn được nhắc tới, bởi quan điểm "của nhà ai nấy dùng" vẫn "ăn sâu bám rễ" trong mỗi doanh nghiệp viễn thông.

Chính vì vậy, việc thực hiện roaming giữa ba mạng lớn Viettel, VinaPhone và MobiFone như trên, dù chỉ ở ba địa bàn Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, được xem là một tín hiệu sáng tiếp theo sau lần ba nhà mạng lớn trên ký kết thỏa thuận dùng chung cơ sở hạ tầng các trạm thu phát sóng (dùng chung khoảng 1.200 trạm BTS) hồi tháng 6/2020, trên hành trình xây dựng hạ tầng dùng chung để tránh lãng phí tài nguyên, tài sản quốc gia, nâng cao hiệu quả, hiệu suất đầu tư, đặc biệt là cho công nghệ 5G sắp tới.