VN-Index cần thêm thời gian cân bằng quanh vùng 1.213 - 1.222
Xuất hiện lực cầu quanh hỗ trợ 1.200 điểm đi kèm thanh khoản thấp cho thấy lực mua vẫn chưa cao.
VnEconomy giới thiệu nhận định và khuyến nghị đầu tư của một số công ty chứng khoán về diễn biến thị trường ngày 19/11/2024.
Kết thúc phiên ngày 18/11, VN-Index ,iảm 1,45 điểm, đóng cửa tại 1217.12 điểm. Trong khi đó, HNX-Index tăng 0,26 điểm, đóng cửa tại 221,79 điểm.
Các cổ phiếu đã bắt đầu phục hồi khá ấn tượng, cho thấy dòng tiền bắt đáy đang chờ đợi quanh ngưỡng 1.200 điểm
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC)
"Áp lực bán đã đẩy chỉ số VN-Index xuống mốc 1,207.89 trong phiên sáng nay. Vào phiên chiều, VN-Index mở cửa với lực cầu xuất hiện kéo chỉ số phục hồi, tuy nhiên sau đó áp lực bán kéo chỉ số đóng cửa tại mốc 1,217.12 điểm, giảm nhẹ 1 điểm so với phiên hôm qua. Hôm nay có 14/18 ngành giảm điểm. Trong đó, ngành Bán lẻ dẫn đầu đà giảm, theo sau là ngành Dầu khí, Hàng & Dịch vụ Công nghiệp. Ở chiều ngược lại ngành Dịch vụ tài chính có phiên giao dịch tích cực. Về giao dịch khối ngoại, hôm nay khối này bán dòng trên cả 2 sàn HSX và HNX. Mặc dù VN-Index chưa có một phiên đảo chiều hoàn chỉnh trong ngày hôm nay, nhưng các cổ phiếu đã bắt đầu phục hồi khá ấn tượng, cho thấy dòng tiền bắt đáy đang chờ đợi quanh ngưỡng 1200 điểm. Trong trường hợp tích cực VN-Index có thể tạo đáy tại ngưỡng này”.
Xu hướng trung hạn tích lũy với vùng hỗ trợ quanh 1.200 điểm
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội - SHS)
"Xu hướng ngắn hạn VN-Index suy giảm dưới vùng kháng cự gần nhất 1.230 điểm, kháng cự mạnh hơn vùng giá cao nhất năm 2023 quanh 1.250 điểm. Vùng hỗ trợ mạnh 1.200 điểm - 1.210 điểm, hỗ trợ tâm lý mạnh và vùng giá cao nhất năm 2018, cũng như đường xu hướng nối các vùng giá thấp nhất tháng 04/2024 và 08/2024 đến nay. Xu hướng trung hạn tích lũy với vùng hỗ trợ quanh 1.200 điểm, tương ứng đường xu hướng tăng trưởng từ 2020 đến nay, cũng như vùng giá trung bình 05 năm.
Trong ngắn hạn, như kỳ vọng trong bản tin cuối tuần trước, VN-Index đang phục hồi trong vùng quán bán ngắn hạn ở hỗ trợ mạnh 1.200 điểm - 1.210 điểm. Tuy nhiên mức độ rủi ro ngắn hạn của thị trường vẫn ở mức cao với nhiều mã vẫn chịu áp lực bán khá đột biến. Một phần nguyên nhân do áp lực bán mạnh của khối ngoại, áp lực cắt lỗ, giảm tỉ lệ dư nợ margin của nhà đầu tư. Nhà đầu tư tỉ trọng cao, vẫn ưu tiên quản trị rủi ro ngắn hạn. Tỉ trọng dưới mức trung bình, quản trị rủi ro tốt nên xem xét giải ngân các mã cơ bản tốt, có quý III tăng trưởng tốt, kỳ vọng tiếp tục duy trì tăng trưởng. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã cổ phiếu đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt".
VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng khoảng trống giảm giá 1.230 – 1.232 điểm
(Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam – YSVN)
“Chúng tôi cho rằng thị trường có thể sẽ hồi phục trong phiên kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng khoảng trống giảm giá 1.230 – 1.232 điểm. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao cho nên thị trường vẫn đang ở nhịp hồi kỹ thuật và chưa thể xác định vùng đáy ngắn hạn. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn bi quan với diễn biến thị trường hiện tại.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức 40-45% danh mục ngắn hạn và chưa nên mua mới ở giai đoạn này, các nhà đầu tư cần quan sát thêm diễn biến thị trường trong 1-2 phiên giao dịch tới để xác định vùng giải ngân hợp lý”.
Xác suất cao VN-Index sẽ tiến về vùng điểm 1240 trong ngắn hạn
(Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - VCBS)
“VN-Index kết phiên với nến Doji dragonfly nhờ nỗ lực của lực cầu ở phiên chiều.
Ở khung đồ thị ngày, chỉ số chung vận động ngoài đường biên dưới của dải Bollinger band thể hiện cho áp lực điều chỉnh liên tục của thị trường. Tuy nhiên chỉ báo CMF đã có tín hiệu hướng lên từ vùng thấp và chỉ báo RSI cũng đồng thời cho tín hiệu tương tự cho thấy sự tham gia của lực cầu bắt đáy. Với diễn biến hiện tại, nếu đà hồi phục được duy trì ổn định khi mặt bằng giá mới được chấp thuận thì xác suất cao VN-Index sẽ tiến về vùng điểm 1240 trong ngắn hạn để quay trở lại bám sát đường MA20.
Ở khung đồ thị giờ, chỉ báo RSI cho tín hiệu tạo đáy mới và hướng lên, tuy nhiên chỉ báo MACD đang bẻ ngang ở vùng thấp cho thấy rủi ro rung lắc chưa hoàn toàn được xóa bỏ. Tuy nhiên việc đường -DI đang hạ thấp và +DI hướng lên thêm phần củng cố cho nhịp hồi phục hiện tại.
Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư có thể giải ngân thăm dò với tỉ trọng vừa phải ở một số cổ phiếu thuộc nhóm ngành có tín hiệu thu hút lực cầu trở lại sau khi đã điều chỉnh sâu về vùng đáy/hỗ trợ với mục tiêu lướt sóng T+, tuy nhiên cần lưu ý về việc tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc chốt lời/cắt lỗ để bảo toàn vốn/lợi nhuận trong trường hợp rung lắc bất ngờ xảy ra”.
Tín hiệu tạo đáy của VN-Index vẫn cần thời gian để hình thành
(Công ty Cổ phần Chứng khoán VietCap - VCSC)
"Xuất hiện lực cầu quanh hỗ trợ 1.200 điểm đi kèm thanh khoản thấp cho thấy lực mua vẫn chưa cao. Dự báo ngày mai, VN-Index sẽ tiếp tục giằng co và thậm chí giảm về vùng hỗ trợ tạo ra bởi phiên 18/11 (1.200 điểm). Lực cầu giá thấp trong phiên 18/11 sẽ tạo tiền đề cho hoạt động mua tiếp tục cải thiện và tăng khả năng giữ được hỗ trợ 1.200 điểm. Tuy nhiên, tín hiệu tạo đáy vẫn cần thời gian để hình thành bởi áp lực bán tồn đọng quanh các kháng cự vùng trên và phần lớn thành phần các nhóm ngành có tỷ trọng cao đều đang trong xu hướng giảm trung hạn"
VN-Index cần thêm thời gian cân bằng quanh vùng 1.213 - 1.222
(Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI – SSI)
“VN-Index đóng cửa ở ngưỡng 1.217,12 điểm, giảm -1,45 điểm (-0,12%). KLGD đạt 610 triệu đơn vị.
VN-Index có phản ứng tích cực quanh vùng hỗ trợ quan trọng 1.204 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật RSI và ADX duy trì trong vùng quá bán. Như vậy, chỉ số VN-Index cần thêm thời gian cân bằng quanh vùng 1.213 - 1.222 và tạo tiền đề cho nhịp hồi phục ngắn hạn”.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được VnEconomy trích dẫn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.