10.000 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số
Tính tới tháng 6/2023, Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 đã đào tạo, hỗ trợ chuyển đổi số cho hơn 10.000 doanh nghiệp tại 40 địa phương…
Tiếp tục chuỗi hoạt động đào tạo chuyển đổi số cho doanh nghiệp tại 30 tỉnh thành trong năm 2022, từ tháng 04/2023-06/2023, trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID LinkSME) đã tổ chức thành công 10 khóa đào tạo tại các tỉnh Gia Lai, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Hà Nội, Đắk Nông, Vĩnh Long, Sơn La…
Như vậy, kể từ đầu năm tới nay, Chương trình đã đào tạo về chuyển đổi số cho hơn 10.000 doanh nghiệp tại 40 địa phương.
Với số lượng từ 80 đến 100 học viên mỗi lớp, chuỗi đào tạo tại các tỉnh thành đã thu hút sự quan tâm, tham gia của chủ các doanh nghiệp, quản lý các bộ phận phòng ban trong doanh nghiệp đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, cơ khí, công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ, thương mại... Các chủ đề chính bao gồm chuyển đổi tư duy lãnh đạo khi chuyển đổi số, tái thiết kế quy trình, chuyển đổi số mô hình kinh doanh, ứng dụng công nghệ số để mở rộng thị trường, chuyển đổi số trong chuỗi giá trị nông nghiệp, logistics…
Các buổi đào tạo được tổ chức diễn ra trực tiếp trong 02 ngày tại các địa phương với. Qua đó, các doanh nghiệp được cung cấp các kiến thức nền tảng và chuyên sâu, được thực hành cụ thể cùng các giảng viên giàu kinh nghiệm mà Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã sàng lọc kỹ càng.
Chuỗi đào tạo đã góp phần tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa về chuyển đổi số, giúp các doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích của việc ứng dụng chuyển đổi số trong mô hình kinh doanh và sản xuất.
Thêm vào đó, các khóa đào tạo đã hỗ trợ kết nối các tổ chức, hiệp hội, cơ quan nhà nước với đội ngũ chuyên gia và các doanh nghiệp tại địa phương, nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp trong quá trình áp dụng, triển khai chuyển đổi số và nắm bắt những thông tin, xu thế mới.
Đặc biệt có định hướng ứng cộng công nghệ số trong chuyển đổi mô hình kinh doanh, mở rộng thêm các kênh bán hàng mới, tiếp cận thêm khách hàng mới. Đây là hoạt động rất quan trọng trong giai đoạn khó khăn hiện nay khi doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về thị trường đầu ra, thiếu hụt các đơn hàng.
Bà Bùi Lan, đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Gia Lai, chia sẻ thông qua khóa học, doanh nghiệp đã học được rất nhiều kiến thức như xây dựng mô hình kinh doanh tinh gọn, hoặc ứng dụng một số phần mềm để quản lý doanh nghiệp hiệu quả hơn.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thì việc chuyển đổi số vẫn còn rất mơ hồ, chưa có lộ trình rõ ràng. Nhiều doanh nghiệp đã sử dụng 2 phần mềm về ERP nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình quản lý công việc.
“Sau khóa học của Chương trình, tôi cũng có hình dung một cách sơ bộ những gì mình cần và phải chuẩn bị cho những bước tiếp theo. Tôi cũng như các doanh nghiệp tại đây rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Chương trình trong quá trình thực hiện chuyển đổi số cho doanh nghiệp mình”, ông Nguyễn Hoàng, đại diện doanh nghiệp sản xuất cơ khí tại tỉnh Quảng Ngãi, chia sẻ.