11:49 31/12/2009

10 điểm đáng chú ý của xuất nhập khẩu 2009

Anh Quân

Xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có một năm “hụt hơi” và kém rất xa so với kim ngạch đạt được trong năm 2008

Xuất khẩu tăng mạnh về lượng nhưng kim ngạch giảm gần 10% so với năm 2008 - Ảnh: Anh Quân.
Xuất khẩu tăng mạnh về lượng nhưng kim ngạch giảm gần 10% so với năm 2008 - Ảnh: Anh Quân.
Xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có một năm “hụt hơi” và kém rất xa so với kim ngạch đạt được trong năm 2008.

Khi kinh tế thế giới đi vào giai đoạn trì trệ, những giải pháp chính sách chỉ có thể thúc đẩy xuất khẩu Việt Nam tăng về mặt lượng. Nỗ lực từ phía Chính phủ đang bị “hãm phanh” bởi các hàng rào kỹ thuật có xu hướng gia tăng trên thế giới, thay thế những bức tường chính sách được “đập bỏ” vì cam kết mở cửa và hội nhập.

VnEconomy điểm lại 10 sự kiện, vấn đề xuất nhập khẩu trong năm 2009 đáng ghi nhớ này.

1. Chính phủ buộc phải điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu

Sau kết quả tăng trưởng xuất khẩu xấp xỉ 30% trong năm 2008, cuối năm ngoái, Chính phủ trình lên Quốc hội một kế hoạch kinh tế đầy tham vọng, với kim ngạch xuất khẩu năm 2009 dự kiến đạt khoảng 76,7 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2008.

Cẩn trọng trước diễn biến kinh tế thế giới có chiều hướng đi xuống, gần 88% đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu tán thành nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2009, trong đó tốc độ tăng trưởng xuất khẩu được điều chỉnh xuống còn 13%.

Tháng 1/2009, kim ngạch xuất khẩu xụt giảm mạnh, chỉ còn hơn 3,7 tỷ USD (năm 2008, kim ngạch xuất khẩu bình quân một tháng đạt gần 5,25 tỷ USD). Dù hai tháng kế tiếp, xuất khẩu có phục hồi, nhưng tiếp đến là giai đoạn trầm lắng hơn với kim ngạch tháng 4 và 5/2009 chưa đầy 4,5 tỷ USD mỗi tháng.

Trong các cuộc họp của Bộ Công Thương với các hiệp hội thời gian này, hầu hết các ngành hàng xuất khẩu chủ lực đều kiến nghị điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu, tiêu biểu là dệt may, gỗ, thủy sản…

Cuối tháng 5/2009, Chính phủ buộc trình Quốc hội điều chỉnh kim ngạch xuất khẩu theo hướng giảm mạnh, từ mức 13% xuống còn 3%. Mục tiêu xuất khẩu được điều chỉnh xuống 64,6 tỷ USD kim ngạch.
 
Trong khoảng 4 tháng kế tiếp, liên tục xuất hiện các điều chỉnh trong ước tính kim ngạch xuất khẩu của Bộ Công Thương.

Cuối tháng 7/2009, Bộ này ước tính kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 61 tỷ USD, giảm khoảng 3% so với con số thực hiện năm 2008. Trong nửa cuối tháng 9/2009, Bộ Công Thương tiếp tục đưa ra các dự báo mà con số được điều chính xuống 59 tỷ USD (giảm khoảng 6,5%); tiếp đó là 56,7 tỷ USD (giảm khoảng 9,5%).

2. Lần đầu tiên sau hơn 20 năm, xuất khẩu giảm so với năm trước

Kết thúc năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 56,584 tỷ USD, giảm 9,7% so với thực hiện năm 2008. So sánh với số liệu tương ứng từ 1986 trở lại đây, năm 2009 là năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu giảm so với năm trước đó.

Đóng góp vào việc giảm kim ngạch xuất khẩu trong năm nay, dầu thô chiếm 69,7%. Tiếp đến, giày dép chiếm khoảng 12,6%; cao su chiếm xấp xỉ 6,8%; cà phê 6,7%; gỗ và sản phẩm gỗ 4,7%; thủy sản 4,4%...

Về nhập khẩu, kim ngạch cả năm 2009 ước đạt 68,83 tỷ USD và giảm 14,7% so với năm 2008. Năm nay là năm thứ hai, sau năm 1998, kim ngạch nhập khẩu giảm so với năm trước đó, nhưng mức độ giảm mạnh hơn (năm 1998 chỉ giảm 0,8%).

Trong các nguyên nhân giảm kim ngạch nhập khẩu, xăng dầu chiếm 40%; sắt thép chiếm khoảng 13,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phương tiện chiếm 6,1%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép chiếm 3,5%...

Với diễn biến này, độ mở nền kinh tế, theo cách hiểu là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, đã giảm mạnh trong năm 2009, từ mức 143,4 tỷ USD của năm 2008 xuống chỉ còn trên 125,4 tỷ USD, giảm tới 12,6%.

2. Nhập siêu được kiềm chế

Diễn biến nhập siêu cũng chứng kiến nhiều bất thường trong năm nay. Quý 1/2009, Việt Nam xuất siêu xấp xỉ 1,5 tỷ USD với cả 3 tháng đầu năm đều có xuất siêu, tuy nhiên, xu thế này không duy trì được lâu. Trong 9 tháng còn lại của năm, nhập siêu gia tăng dần sức ép.

Quý 2/2009, nhập siêu đạt xấp xỉ 3,6 tỷ USD, xóa sạch thành tích xuất siêu của quý 1/2009. Tính cho đến giữa năm, Việt Nam đã nhập siêu gần 2,1 tỷ USD.

Sang quý 3/2009, nhập siêu của Việt Nam đột ngột tăng mạnh. Con số ghi nhận trong 3 tháng này đã đạt trên 4,67 tỷ USD. Quý 4/2009, nhập siêu vẫn duy trì ở mức cao, đạt khoảng 4,8 tỷ USD, trong đó, riêng nhập siêu tháng 11/2009 đã vượt 2 tỷ USD.

So với con số nhập siêu trên 18 tỷ USD của năm 2008, năm nay, chênh lệch thương mại quốc tế đã được kiềm chế chỉ còn khoảng 2/3, đạt gần 12,25 tỷ USD.

3. Giá hàng hóa xuất nhập khẩu giảm mạnh

Đa số các mặt hàng xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng về lượng. Nhưng giá của hầu hết các hàng hóa đều theo chiều hướng giảm mạnh trong năm vừa qua, cá biệt có mặt hàng giá bình quân cả năm giảm tới trên 40%.

Về phía xuất khẩu, giá dầu thô xuất bán bình quân cả năm chỉ đạt khoảng 46,3 USD, giảm tới 38,5% so với năm 2008 (năm ngoái, giá xuất khẩu bình quân đạt trên 75,3 USD). Tiếp đến, giá cao su xuất khẩu đã giảm khoảng 32%; cà phê 27%; than đá 26%; gạo 25%; hạt tiêu 24%; hạt điều 13%...

Đối với dệt may, mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong năm 2009, giá bình quân xuất khẩu trong năm nay đã giảm từ 10-15% so với năm 2008, theo ước tính của Hiệp hội Dệt may Việt Nam.

Giá hàng hóa nhập khẩu cũng giảm mạnh trong năm vừa qua. Bình quân, giá xăng dầu nhập khẩu đã giảm 42%; lúa mỳ giảm 40%; phân bón 35%; sắt thép 32%; chất dẻo 24%; sợi dệt 15%...

Do xuất khẩu tăng mạnh về lượng, những tính toán sơ bộ của Tổng cục Thống kê cho biết, chênh lệch xuất nhập khẩu năm nay vẫn đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP, khoảng 30%.

Nếu như tăng trưởng năm 2009 đạt 5,3% như tính toán của cơ quan này, đóng góp của xuất khẩu ròng vào GDP năm này vào khoảng 1,6 điểm %.

4. Hàng nông nghiệp thăng hoa

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản năm 2009 ước đạt khoảng 15,3 tỷ USD, trong đó nông sản đạt trên 8 tỷ USD, thuỷ sản trên 4 tỷ USD, lâm sản trên 2 tỷ USD...

Với kết quả này, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm ngành nông nghiệp năm nay đã vượt dự kiến hồi đầu năm (12 tỷ USD) và chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao (14 tỷ USD).

Diễn biến này cũng được xoay chuyển nhanh chóng trong hai tháng gần đây. Việc giá nhiều mặt hàng nông sản như gạo, cao su, hạt tiêu... tăng trở lại đã góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này.

Nhìn nhận những nhân tố có đóng góp tích cực vào kết quả xuất khẩu năm nay, trong 8 mặt hàng tác động kìm hãm sự suy giảm của kim ngạch xuất khẩu năm 2009, nhóm nông, lâm, thủy sản chiếm một nửa.

Đứng đầu là sắn và sản phẩm sắn. Nhóm hàng này đạt tăng trưởng 52,8% về giá trị trong năm 2009 và đóng góp 3,2% vào việc kìm hãm sụt giảm kim ngạch xuất khẩu. Tiếp đến là hạt tiêu tăng trưởng 14,3% và đóng góp 0,8%; chè 21,3% và 0,5%; cuối cùng là rau quả 6,1% và 0,4%.

5. “Ẩn số” xuất, nhập vàng

Năm 2009 cũng chứng kiến một nhân tố gây đột biến lớn đến kim ngạch xuất nhập khẩu, đó là vàng vật chất. Theo Tổng cục Thống kê, tái xuất vàng quý 1/2009 khoảng 2,287 tỷ USD. Đây cũng là động lực chính khiến Việt Nam xuất siêu trong giai đoạn này.

Tính chung cả năm, xuất khẩu nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm đã đạt trên 2,7 tỷ USD kim ngạch. Nhân tố này đóng góp tới 32,4% tổng các cản lực đối với suy giảm kim ngạch xuất khẩu.

Cũng liên quan đến diễn biến khá bật thường này, nhiều ý kiến đã chỉ trích Tổng cục Thống kê về việc đưa vàng vào kim ngạch xuất khẩu chung cả nước, cho rằng động thái này là nhằm để làm đẹp con số, và vàng không phải là hàng hóa thông thường…

Trong một diễn biến ngược chiều, đến cuối năm 2009, trước việc giá vàng trong nước đã lên quá cao, có độ chênh lệch lớn so với mặt bằng giá thế giới, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định cho phép nhập khẩu một số lượng lớn vàng vật chất.

Theo số liệu của cơ quan thống kê, riêng tháng 11/2009, kim ngạch nhập khẩu vàng đã trên 337 triệu USD. Nếu tính giá vàng ở mức 1.100 – 1.200 USD/oz (1 Troy oz = 31,1 gam), lượng vàng nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 11/2009 tương đương khoảng 9 - 10 tấn.

10 điểm đáng chú ý của xuất nhập khẩu 2009 - Ảnh 1

7. Năm điều chỉnh của chính sách thuế


Trong một năm tình hình xuất khẩu có nhiều khó khăn, vai trò của Chính phủ và các bộ, ngành thể hiện rõ nét. Rất nhiều cuộc họp với các ngành hàng được Bộ Công Thương tổ chức liên tục trong năm qua, nhiều chính sách mới ra đời, đặc biệt liên quan đến thuế xuất, nhập khẩu.

Đáng kể nhất là việc điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi hàng nghìn dòng thuế theo cam kết trong CEPT/AFTA, ACFTA, AKFTA, AJCEP năm 2009.

Riêng việc thực hiện hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản đã giảm thuế nhập khẩu đối với hàng loạt mặt hàng như ô tô, sữa, đồ điện tử, điều hoà nhiệt độ, điện thoại, thức ăn chăn nuôi, rau quả, gạo...

Cũng trong năm vừa qua, nhằm thực hiện chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng, ngăn chặn suy giảm kinh tế, tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều thông tư hướng dẫn thực hiện việc giãn, giảm, hoãn, miễn thuế, đáng chú ý là việc giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng theo danh mục hàng hoá của biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

8. Điều chỉnh tỷ giá

Từ biên độ +/-3% được công bố cuối năm 2008, sang đến tháng 3/2009, biên độ tỷ giá VND/USD được điều chỉnh lên +/-5% với tỷ giá bình quân liên ngân hàng sau lần điều chỉnh cuối cùng ở mức 17.034 VND/USD.

Cũng trong thời gian này, trên thị trường tự do giá USD liên tục tăng cao. Chỉ số giá USD bình quân năm 2009 đã tăng 9,17% so với năm trước đó, gây sức ép rất lớn lên chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.

Trên thực tế, giá mua và bán được các ngân hàng thương mại công bố liên tục kịch trần, nhiều thời điểm các ngân hàng niêm yết giá mua bằng với giá bán.

Trong các giao dịch mua ngoại tệ với ngân hàng, nhiều doanh nghiệp luôn phải chấp nhận tính thêm vào giá USD chính thức một vài loại chi phí khác. Phần chênh lệch này được các doanh nghiệp gọi đùa là “chi phí không biết đưa vào đâu”.

Neo vào đồng USD trong khi phương tiện thanh toán này mất giá với hầu hết các đồng tiền khác. Tuy nhiên, bản thân VND cũng mất giá so với USD.

Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ công bố hôm 16/12 cho biết, lạm phát khu vực thành thị trong vòng một năm qua, tính đến tháng 11/2009 đã tăng 1,8%. Trong khi đó, lạm phát tại Việt Nam trong 12 tháng qua đã trên 6,5%.

Trước những sức ép kể trên, ngày 25/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố mức tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng áp dụng cho ngày 26/11/2009 là 17.961 và biên độ được thu hẹp về +/-3%.

9. Kiện chống bán phá giá gia tăng

Theo Hội đồng Trọng tài quốc tế Việt Nam, tính đến hết tháng 7/2009, Việt Nam bị kiện chống bán phá giá 39 vụ, tỷ lệ thua kiện gần 70%, đứng thứ 7 trong 100 nước bị kiện nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, đó chưa phải con số cuối cùng.

Trong năm nay, nhiều vụ kiện chống bán phá giá mới lại tiếp tục, đáng chú ý có các vụ như sau:

Ngày 27/2, Canada chính thức khởi xướng vụ điều tra chống bán phá giá đối với giầy và đế giầy cao su không thấm nước Việt Nam.

Ngày 31/3, hai công ty nhựa Hoa Kỳ đã gửi đơn kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với túi nhựa PE Việt Nam.

Ngày 25/7, Cục Điều tra Trợ cấp và Bán phá giá Thổ Nhĩ Kỳ ra quyết định số 2009/26 về việc khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế đối với sản phẩm máy điều hòa có xuất xứ từ Việt Nam, Indonesia, Philippin, Pakistan và Ai Cập.

Ngày 8/9, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) điều chỉnh mức thuế chống bán phá giá đối với cả 3 bị đơn bắt buộc gồm Minh Phu Corp (từ 1,66% xuống 0,43%), Phuong Nam (từ 5,6% xuống 0,21%), và Camimex (từ 19,8% xuống mức 0,08%).

Ngày 22/12, Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ phiếu chính thức thông qua đề xuất của Ủy ban Châu Âu (EC), kéo dài thêm 15 tháng thời hạn áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da nhập khẩu của Việt Nam. Mức thuế mà EC áp đặt với giày dép nhập khẩu từ Việt Nam là 10%.

10. Thi nhau dựng rào cản kỹ thuật

Khủng hoảng kinh tế khiến các rào cản thương mại được dựng lên ngày càng nhiều. Các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phải đầu tư, chi phí cả nhân lực và vốn, thiết bị để đáp ứng các yêu cầu mới.

Liên quan đến thị trường Hoa Kỳ, đạo luật Lacey sửa đổi, đạo luật Nông nghiệp Mỹ 2008 (Farm Bill 2008), đạo luật cải tiến an toàn sản phẩm tiêu dùng đều yêu cầu cung cấp chứng nhận xuất xứ sản phẩm, kiểm soát hóa chất, an toàn cháy… Những thay đổi này sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu nông sản, hải sản, đồ gỗ, dệt may, hàng tiêu dùng...

Đạo luật FLEGT của EU quy định tất cả các chuyến hàng gỗ xuất khẩu vào thị trường EU chỉ được cơ quan thẩm quyền cấp phép sau khi kiểm tra nguồn gốc xuất xứ. Quy định IUU (cũng của EU) bắt buộc mỗi lô hàng thuỷ sản xuất khẩu sang EU phải tuân thủ quy định về khai thác hợp pháp, phải có cam kết của nhà máy chế biến về nguồn gốc sản phẩm…

Hàn Quốc cũng thắt chặt kiểm tra các sản phẩm nhập khẩu theo hình thức OEM (Original Equipment Manufacturing). Các doanh nghiệp Hàn Quốc nhập khẩu sản phẩm từ các công ty gia công ở nước ngoài cần phải kiểm tra cơ sở sản xuất ít nhất một lần trong một năm.