5G là hạ tầng quan trọng để Việt Nam phát triển kinh tế số
Với tiềm năng ứng dụng và tạo giá trị mới đột phá cho nhiều ngành kinh tế, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào khẳng định, 5G là 1 hạ tầng số quan trọng với các nền kinh tế, thành tố quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế số, nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam để thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư công nghệ cao...
Việt Nam đã cho phép một số nhà mạng triển khai thử nghiệm 5G cả về kỹ thuật và thương mại. Qua đó, giúp các nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobifone có kinh nghiệm thực tế, giá trị của 5G có thể đem lại. Những kinh nghiệm này sẽ rất hữu ích cho các nhà mạng khi triển khai 5G rộng rãi vào cuối năm 2023. Ông Denis Brunetti, cho rằng đó là cách tiếp cận đúng đắn, và việc triển khai 5G vào thời gian này là rất phù hợp.
Hiện nay, mạng 5G đã được nhiều nước trên thế giới triển khai. Theo ông, 5G sẽ đóng góp giá trị thế nào đối với các ngành kinh tế của Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số. Những ngành, lĩnh vực nào sẽ là tiềm năng của 5G?
Hiện tại 5G đã được triển khai rộng rãi trên toàn cầu. Trong số hơn 230 mạng 5G đang vận hành trên thế giới, có hơn 145 mạng ở 63 quốc gia do Ericsson hỗ trợ triển khai.
Mạng 5G hiện đang có rất nhiều phương án sử dụng khác nhau. Về mặt người dùng, 5G sẽ thúc đẩy lượng tiêu thụ dữ liệu. Ví dụ ở Hàn Quốc, dữ liệu người tiêu dùng trong tháng đã tăng lên gấp 3 lần sau khi chuyển từ 4G lên 5G. Điều này thúc đẩy sự phát triển của các ngành game, truyền thông, mạng xã hội…
Ứng dụng sóng mmWave của 5G có thể giúp nâng cao dung lượng, băng thông, giảm mức độ tiêu thụ năng lượng và sử dụng băng tần hiệu quả hơn. Ngoài ra nó cũng cho phép nâng cao mật độ các thiết bị kết nối mạng. Trong cách mạng số, việc kết nối không chỉ diễn ra giữa người với người mà còn là người với máy ở các ngành công nghiệp, sản xuất, năng lượng, nông nghiệp, logistics, giao thông vận tải…
Một ứng dụng khác của 5G là bản sao số (Digital Twins), có thể mô phỏng các dây chuyền sản xuất trước khi đưa vào hoạt động, giúp nâng cao hiệu quả và năng suất lao động. 5G cũng sẽ là công nghệ hỗ trợ các ứng dụng khác như là AI, VR...
Dự báo đến năm 2030, khoảng 2/3 các hoạt động sản xuất sẽ thực hiện tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong đó Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng lớn. Tại Việt Nam, nhờ triển khai 5G cũng như các ứng dụng công nghệ 4.0, có thể nâng cao hiệu quả của ngành sản xuất và chế biến. Qua đó sẽ thu hút đầu tư vào sản xuất thông minh, hiện đại.
Thời gian qua, Ericsson đã tập trung vào hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, có những cam kết thu hút các nhà cung cấp nội địa vào chuỗi cung ứng toàn cầu của mình.
Theo tôi, 5G là thành phần rất quan trọng trong nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam, thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư công nghệ cao.
Từ kinh nghiệm hỗ trợ hàng trăm nhà mạng triển khai thương mại 5G trên toàn cầu, ông có gợi ý, khuyến nghị gì với Việt Nam về mô hình triển khai 5G để đạt hiệu quả cao?
Khi triển khai 5G cần có sự cân đối giữa các công nghệ. Hiện nay 4G đang được triển khai rộng rãi, độ phủ lớn và băng thông tốt, phù hợp trên thị trường, đáp ứng được hầu hết các phương án sử dụng. Chúng ta hình dung, 4G như “đại dương” và trên đó có các “đảo” là 5G. Các “đảo” 5G sẽ phục vụ các trung tâm thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu sản xuất, công nghệ cao đòi hỏi tốc độ cao, băng thông lớn, mật độ thiết bị cao.
Theo thời gian, các “đảo” 5G này sẽ dần mở rộng và đến lúc sẽ trở thành “đại dương”. Trên “đại dương” 5G sẽ dần xuất hiện các “đảo” 6G. Đó là cách mở rộng triển khai mạng.
Theo tôi, trước hết chúng ta nên tận dụng, khai thác hết tiềm năng của 4G. Việc triển khai 5G cần tiếp cận đầu tư từng bước, dần mở rộng theo các hình thức độc lập (standalone) và không độc lập (non-standalone).
Thứ nhất, Việt Nam nên tận dụng công nghệ không độc lập, tức là công nghệ 5G xây dựng trên nền công nghệ 4G. Hiện nay, Ericsson có 145 mạng 5G trên thế giới, trong đó 80% mạng này triển khai theo hình thức tận dụng cơ sở hạ tầng 4G sẵn có để nâng cấp, chạy 5G trong thời điểm đầu.
Thứ hai, khi triển khai 5G, các nhà mạng hợp tác chặt chẽ với các khách hàng để tính toán phương án sử dụng như thế nào, nên ứng dụng ở đâu để thực hiện đầu tư từng bước và tăng dần.
Việc triển khai 5G sẽ mở ra những mô hình kinh doanh, nguồn thu mới thế nào cho các nhà mạng? Chi phí đầu tư cho 5G được cho là rất lớn. Ông có chia sẻ gì với các nhà mạng về bài toán kinh doanh 5G và mất bao lâu để nhà mạng có thể thu hồi vốn?
Điều này phụ thuộc rất nhiều vào thị trường từng nước, các phương án sử dụng, cách triển khai,… Đó là lý do chúng tôi thấy cần các phương án kinh doanh rất rõ ràng cho 5G. Các nhà khai thác cần làm việc với khách hàng, người tiêu dùng và các doanh nghiệp để hiểu rõ nhu cầu, phương án sử dụng 5G.
Nghiên cứu của Ericsson tại Việt Nam chỉ ra, nhờ công nghệ mới, các nhà mạng có thể có doanh thu bổ sung khoảng 1,54 tỉ USD. Những công nghệ này tập trung vào lĩnh vực sản xuất, giao thông, chăm sóc y tế, năng lượng, nông nghiệp,… Với 5G, công nghiệp 4.0, tự động hoá sẽ xảy ra rất mạnh mẽ trong các ngành sản xuất, công nghiệp, giúp nâng cao và cải thiện hiệu suất, năng suất lao động.
5G cũng là nền tảng cho sự đổi mới sáng tạo và mang lại nhiều giá trị cho các công ty khởi nghiệp Việt Nam.
Có thể nói, 5G sẽ góp phần rất lớn trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trước đây, tại Việt Nam, sự tăng trưởng kinh tế tập trung vào thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp vào các ngành đòi hỏi nhiều nhân công. Tuy nhiên Việt Nam có thể thay thế, phát triển nền kinh tế tốt hơn bằng áp dụng công nghệ.
Với sự thích ứng cao, khả năng linh hoạt cộng với 5G và hệ thống chính sách luật pháp, Việt Nam có thể tạo nền tảng tốt cho đổi mới sáng tạo. Hiện nay nhiều công ty nước ngoài đang dần chuyển các hoạt động nghiên cứu phát triển, sản xuất tới Việt Nam.
Nếu như trước đây các cơ sở hạ tầng vật lý như đường xá, sân bay… là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài thì hiện nay hạ tầng số là yếu tố quan trọng. 5G hiện đã trở thành hạ tầng số quan trọng với các nền kinh tế.