09:33 19/06/2009

Ba Lan quan tâm đến đóng tàu và khai mỏ tại Việt Nam

Thúy Nhung

Ba Lan sẽ hỗ trợ cho Việt Nam 280 triệu USD để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu và khai thác mỏ giữa hai quốc gia

Đóng tàu là lĩnh vực được đánh giá là có nhiều cơ hội trong hợp tác giữa Việt Nam và Ba Lan - Ảnh minh họa.
Đóng tàu là lĩnh vực được đánh giá là có nhiều cơ hội trong hợp tác giữa Việt Nam và Ba Lan - Ảnh minh họa.
Ba Lan sẽ hỗ trợ cho Việt Nam 280 triệu USD để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu và khai thác mỏ giữa hai quốc gia.

Thông tin trên đã được ông Adam Szejnfeld, Quốc Vụ khanh Bộ Kinh tế Ba Lan khẳng định trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh, nhân chuyến ông dẫn đầu đoàn công tác của liên bộ Kinh tế - Tài chính Ba Lan sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Bên lề buổi làm việc, ông đã có cuộc trao đổi cùng báo giới.

Xin ông giới thiệu đôi nét về thành phần đoàn công tác của Ba Lan tới Việt Nam lần này?

Đoàn Ba Lan tới Việt Nam lần này gồm có đại diện của liên bộ Kinh tế và Tài chính do tôi là trưởng đoàn. Đi theo đoàn còn có 13 doanh nghiệp chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực đóng tàu và khai thác mỏ cùng đại diện của Đại học Bách khoa Gdin, nơi chuyên đào tạo các kỹ sư về ngành đóng tàu tại Ba Lan.

Vậy mục đích của chuyến tới thăm và làm việc tại Việt Nam lần này của đoàn là gì, thưa ông?

Ngoài gặp gỡ với đại diện Bộ Công Thương, chúng tôi đã có các cuộc gặp gỡ với Thứ trưởng Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Những cuộc trao đổi trên đều chúng tôi đều đã đạt được những thoả thuận nhất định.

Chiều ngày 15/6, tại trụ sở Bộ Công Thương cũng đã có cuộc giao lưu để tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Ba Lan trong lĩnh vực đóng tàu và khai thác mỏ. Qua cuộc tiếp xúc này, các doanh  nghiệp cũng đã thu được những kết quả cụ thể chứ không chỉ là bàn về tiềm năng hợp tác chung chung.

Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những kết qủa mà các doanh nghiệp Việt Nam - Ba Lan đã đạt được trong cuộc gặp gỡ không?

Về lĩnh vực khai thác mỏ, các doanh nghiệp đã nói về các dự án xây dựng nhà máy chế biến than đá; các dự án xây dựng mỏ than và các dự án có liên quan. Còn về lĩnh vực năng lượng, hai bên đã nói đến dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện với công suất trên 6.000 MW.

Lĩnh vực đóng tàu, các bên đã bàn đến những dự án về đóng tàu cứu hộ, cứu nạn… Đoàn chúng tôi thực sự rất vui và có ấn tượng tốt khi mà thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị các dự án hợp tác rất cụ thể.

Theo đó, Chính phủ Ba Lan sẽ hỗ trợ như thế nào để thúc đẩy khả năng hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam - Ba Lan, thưa ông?

Hai lĩnh vực chính mà Ba Lan rất quan tâm trong hợp tác với Việt Nam là đóng tàu và khai thác mỏ. Trong lĩnh vực khai thác mỏ, chúng tôi lại có thế mạnh rất lớn về đào tạo đội ngũ khai thác mỏ; chuyển giao công nghệ; xây dựng các mỏ hoàn thiện để phục vụ cho việc khai thác than tại Việt Nam. Ngoài ra, Ba Lan và Việt Nam còn có thể hợp tác trên các lĩnh vực khác như năng lượng, chế biến than.

Để hỗ trợ cho các dự án thuộc hai lĩnh vực chủ yếu trên, phía Ba Lan sẽ cung cấp khoản tín dụng 280 triệu USD với lãi suất rất ưu đãi cho Việt Nam trong thời hạn ít nhất là 20 năm.

Nhưng ngoài những dự án nằm trong khoản tín dụng đầu tiên này, hai bên vẫn có thể tiếp tục đàm phán để phát triển những dự án khác liên quan đến gói tín dụng mới.

Ông nhìn nhận như thế nào về tiềm năng hợp tác giữa các doanh nghiệp hai bên trong lĩnh vực đóng tàu và khai thác mỏ cũng như các lĩnh vực khác trong thời gian tới?

Năm 2010 sẽ kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ba Lan, khi đó Thủ tướng Ba Lan sẽ đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Đây chính là cơ hội để các dự án giữa hai bên sớm được triển khai trong thực tiễn.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Ba Lan đều là những nước đã sớm thoát khỏi ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Chính điểm tương đồng này cũng sẽ mang lại cơ hội hợp tác cho cả hai bên trong thời gian tới.

Tôi cho rằng, trong tương lai gần, ngoài hai lĩnh vực cơ bản là đóng tàu và khai thác, chúng ta có thể mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác như công nghiệp hóa chất, bảo vệ môi trường, chế biến nông sản… Những lĩnh vực mà cả hai nước đều có rất nhiều tiềm năng.

Còn về giao lưu thương mại giữa hai nước, ông đánh giá thế nào về tiềm năng này?

Năm 2008, kim ngạch hai chiều giữa hai nước đạt khoảng 600 triệu USD. Trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Ba Lan với kim ngạch là 500 triệu USD.

Hiện Ba Lan đã là thành viên chính thức của EU được 5 năm. Khi hàng hoá của Việt Nam vào được thị trường Ba Lan, cũng sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận với thị trường chung châu Âu với khoảng 400 triệu dân.  

Trong năm nay, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng tôi tin rằng kim ngạch thương mại hai chiều sẽ vẫn tăng vì những tháng đầu năm, tình hình xuất nhập khẩu giữa hai bên đều có mức tăng trưởng khá tốt.