14:10 27/08/2021

Bắc Kinh kêu gọi thúc đẩy "thịnh vượng chung", giới tỷ phú Trung Quốc từ thiện nhiều chưa từng thấy

Ngọc Trang

Theo thống kê từ Bloomberg, chỉ trong vài tháng qua, 7 tỷ phú Trung Quốc đã quyên góp tổng số tiền lên tới 5 tỷ USD, tăng 20% so với tổng số tiền quyên góp của cả nước trong năm 2020...

Lời kêu gọi "thịnh vượng chung" gia tăng sức ép lên tầng lớp những người giàu nhất và các công ty lớn nhất ở Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg
Lời kêu gọi "thịnh vượng chung" gia tăng sức ép lên tầng lớp những người giàu nhất và các công ty lớn nhất ở Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg

Các khoản tiền này - được quyên góp qua hoạt động của công ty, tổ chức hoặc tài sản cá nhân - tăng mạnh hưởng ứng lời kêu gọi “thịnh vượng chung” mà Đảng và Chính phủ Trung Quốc đưa ra nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng thu nhập tại quốc gia đông dân nhất thế giới. 

Trong nhiều bài phát biểu và cuộc họp trong năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên tục nhấn mạnh việc phân bổ lại tài sản tại Trung Quốc nhằm đạt được mục tiêu mang lại “sự thịnh vượng chung” cho đất nước. Số lần ông nhắc tới cụm từ này trong năm 2021 đã nhiều gấp đôi so với 30 lần của cả năm 2020.

Mục đích của lời kêu gọi này phân bố lại tài sản vốn đã tập trung quá nhiều vào một nhóm nhỏ những người siêu giàu, nhằm thúc đẩy bình đẳng kinh tế và xã hội. Trong một cuộc họp cấp cao do ông Tập chủ trì hôm 17/8, chính phủ Trung Quốc cho biết “điều chỉnh một cách hợp lý đối với tình trạng thu nhập cao quá mức, đồng thời khuyến khích các các nhân thu nhập cao và doanh nghiệp đóng góp nhiều hơn cho xã hội”.

Truyền thông Trung Quốc cho rằng ý tưởng về một “bàn tay xã hội” sẽ dựa trên nghĩa vụ đạo đức và kỳ vọng của xã hội để truyền cảm hứng cho những người giàu nhất, để họ cho đi một phần tài sản của mình.

Lời kêu gọi "thịnh vượng chung" cũng gia tăng sức ép lên tầng lớp những người giàu nhất và các công ty lớn nhất ở Trung Quốc - nhóm vốn đang đương đầu với sự siết chặt giám sát của Bắc Kinh nhằm kiểm soát sức mạnh của khu vực kinh tế tư nhân.

Theo Xếp hạng Từ thiện Trung Quốc, tổng các khoản từ thiện lớn nhất từ đầu năm nay đã vượt qua mức 27 tỷ Nhân dân tệ (4,2 tỷ USD) mà các cá nhân và doanh nghiệp nước này quyên góp trong cả năm 2020. Tổng số tiền còn có thể cao hơn khi nhiều công ty lớn và người nổi tiếng đã đóng góp hơn 600 triệu USD cho hoạt động hỗ trợ khắc phục hậu quả sau lũ lụt tại tỉnh Hà Nam. 

Nhiều đại gia công nghệ cũng đã cam kết kết dành lợi nhuận hiện tại và trong tương lai của công ty đầu tư cho các dự án từ thiện.

Đầu tuần này, “đế chế” Internet khổng lồ Tencent cam kết trao tặng 50 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 7,7 tỷ USD) nhằm hỗ trợ thu nhập cho người nghèo, giải quyết bất bình đẳng giáo dục, và một số sáng kiến khác. Trong khi đó, hãng thương mại điện tử Pinduoduo cam kết trao tặng toàn bộ 372 triệu USD lợi nhuận mà công ty đạt được trong quý 2 năm nay. Số tiền này sẽ đóng góp vào sự phát triển của ngành nông nghiệp và các vùng nông thôn Trung Quốc. Pinduoduo cũng dự kiến đóng góp tổng cộng 10 tỷ Nhân dân tệ (1,5 tỷ UD) cho các lĩnh vực này.

Tuyên bố đóng góp cho xã hội của Pinduoduo và Tencent được đưa ra trong bối cảnh nhà chức trách Trung Quốc vừa mở một cuộc điều tra về quan hệ giữa doanh nghiệp với quan chức địa phương ở Hàng Châu - nơi đặt trụ sở của hãng thương mại điện tử Alibaba. Ủy ban Thanh tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) cảnh báo rằng quan chức ở Hàng Châu phải giải quyết triệt để bất kỳ mối xung đột lợi ích nào liên quan đến bản thân và người thân trong gia đình.

Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp công nghệ khổng lồ của Trung Quốc như Alibaba, Didi Chuxing... đối mặt với nhiều cuộc điều tra về chống độc quyền, xử lý dữ liệu người dùng. Hồi tháng 4, Alibaba lĩnh án phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD vì vi phạm quy định chống độc quyền. 

Lời kêu gọi về "thịnh vượng chung" của Trung Quốc bắt đầu nổi lên sau khi Trung Quốc tuyên bố "toàn thắng" trong chiến dịch xóa nghèo cùng cực, đánh dấu bước đầu tiên trong việc triển khai các cam kết lâu dài hơn của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tại một sự kiện vào cuối tháng 2 năm nay, ông Tập Cận Bình khẳng định việc xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nghèo đói là đóng góp then chốt để hoàn thành mục tiêu xây dựng một xã hội khá giả về mọi mặt.

Trong vài thập kỷ qua, bất bình đẳng thu nhập tại Trung Quốc - đất nước có 1,4 tỷ dân - ngày càng gia tăng. Năm 2015, 41% tổng thu nhập quốc gia của Trung Quốc nằm trong tay nhóm 10% giàu nhất, tăng từ tỷ lệ 27% của năm 1978, theo một ước tính vào năm 2019 của giáo sư Thomas Piketty và cộng sự tại trường kinh tế Paris School of Economics. Trong khi đó, một nửa dân số thuộc nhóm thu nhập thấp chỉ chiếm khoảng 15% tổng thu nhập quốc gia, giảm từ tỷ trọng 27% năm 1978.