Bàn về “cơ chế xin - cho”
Không ít quan chức và công chức lại thích sống theo cơ chế cũ, cố bám lấy cơ chế cũ
"Xin - cho" là sản phẩm của cơ chế kế hoạch hóa tập trung, thậm chí đồng nhất với cơ chế này, do đó cũng được gọi là cơ chế - "cơ chế xin - cho".
Theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung thì mọi hoạt động của cơ sở đều phải đặt trong một kế hoạch chung của ngành, của địa phương, mọi hoạt động của các ngành, các địa phương phải đặt trong một kế hoạch chung của cả nước, gọi là Kế hoạch Nhà nước. Kế hoạch này, do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tổng hợp, cắt xén cho cân đối, rồi trình Quốc hội phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ ký lệnh ban hành.
Kế hoạch Nhà nước gồm hàng triệu chỉ tiêu pháp lệnh giao cho từng ngành, từng địa phương, từng cơ sở sản xuất lớn. Tính chất quan liêu của cơ chế này đã hạn chế và làm triệt tiêu sáng kiến và tính năng động của cơ sở, gây bức xúc cho hàng triệu người lao động ở cơ sở và cả những nhà quản lý các cấp dẫn đến những vụ "vượt rào", "xé rào" kéo dài từ thập kỷ 60 sang thập kỷ 70 và 80, tạo điều kiện chín muồi cho chủ trương "đổi mới" của Đại hội Đảng lần thứ 6.
Qua 25 năm triển khai, chủ trương "đổi mới" thực ra mới chỉ được thực hiện trong lĩnh vực kinh tế là chủ yếu, còn ở nhiều lĩnh vực khác, chủ trương đó mới chỉ dừng lại ở mức khẩu hiệu.
Tại sao như vậy? Vì lĩnh vực kinh tế liên quan đến cuộc sống thiết thân của hàng triệu con người, không đổi mới không sống được, còn các lĩnh vực khác, nếu không "rũ rối ra" thì vẫn có thể tạm sống được với cơ chế cũ. Còn một nguyên nhân quan trọng nữa là: trong bộ máy Nhà nước, không ít quan chức và công chức lại thích sống theo cơ chế cũ, cố bám lấy cơ chế cũ. Đơn giản vì cơ chế này trao cho họ cái quyền "cho".
Trong một bài báo, không thể kể hết những điều bất hợp lý của cơ chế xin - cho, chỉ xin kể ra đây mấy thí dụ có liên quan trực tiếp đến một đơn vị cơ sở một trường đại học - mà tôi là người đại diện.
Khi tôi cùng mấy chục giáo sư nghỉ hưu xin phép thành lập một trường đại học (đương nhiên là trường ngoài công lập) thì phải mất 3 năm, qua rất nhiều cửa mới xin được cái giấy phép.
Khi trường tôi (Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) "xin" một héc-ta đất để xây trường (đây là một khoảnh đất trồng rau muống, những người trồng rau sẵn sàng nhường lại cho trường, tiền đền bù giải phóng mặt bằng thì do trường bỏ ra) vậy mà phải mất 7 năm, qua hơn 100 con dấu và chữ ký mới nhận được cái giấy phép.
Khi trường tôi muốn mở một ngành học thì cũng phải chờ ít nhất 6 tháng mới nhận được cái giấy phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hàng năm, trường được tuyển bao nhiêu sinh viên cũng phải chờ quyết định của Bộ.
Trong tất cả các trường hợp trên, người "cho" chỉ cho một chữ "đồng ý", ngoài ra không có một thứ gì khác để cho cả. Còn người "xin" thì mất rất nhiều thứ, từ công sức, thời gian, cơ hội và - chẳng nói ra thì ai cũng hiểu - cả tiền "bôi trơn" nữa (đấy là không nói đến chuyện đút lót).
Điều đáng bàn là: cái quyền được trao cho người "cho" có đáng trao không? Có nhiều điều hệ trọng phức tạp cần phải cân nhắc trước khi "cho" không, hay chỉ là những thủ tục rườm rà? Tôi lấy hai thí dụ sau cùng để làm rõ câu hỏi này.
Về việc cấp phép mở ngành đào tạo
Sau 13 năm đào tạo về nhiều ngành kinh tế và kinh doanh, trường tôi phát hiện thấy còn thiếu một loại chuyên gia rất cần cho các doanh nghiệp, đó là chuyên gia về luật kinh doanh. Các nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam đều mang theo một chuyên gia về luật kinh doanh mà ta thường gọi nhầm là luật sư.
Để mở thêm ngành đào tạo về luật kinh doanh, trường đã trình Bộ cả mục tiêu đào tạo, nội dung đào tạo, cả danh sách giảng viên về các môn học thuộc chương trình đào tạo. Sau 7 tháng chờ đợi, vẫn chưa nhận được cái giấy phép. Lý do: Bộ còn phải trao đổi với Bộ Tư pháp.
Ô hay, đào tạo về luật kinh doanh cho các nhà doanh nghiệp sao lại phải có ý kiến của Bộ Tư pháp? Đối với một vấn đề đơn giản như vậy, chẳng lẽ Bộ Giáo dục và Đào tạo không đủ năng lực để quyết định "cho" hay không "cho" ư?
Ở tất cả các nước trên thế giới, các trường đại học đều có quyền tự chủ mở ra các ngành đào tạo và thiết kế nội dung của các chương trình đào tạo ấy. Nói đến quyền tự chủ của trường đại học thì trước tiên là nói đến quyền này. Nếu các ngành đào tạo do trường mở ra không đáp ứng được nhu cầu của xã hội thì sẽ chẳng có ai đến học cả. Như vậy là trách nhiệm xã hội của trường đã bao hàm ngay trong quyền tự chủ.
Nước ta hiện có 200 trường đại học, nếu bình quân mỗi trường đào tạo 10 ngành (thực tế thì nhiều hơn) cà nước sẽ có 2.000 ngành. Trong số các ngành này, có nhiều ngành có tên gọi giống nhau, nhưng nội dung đào tạo thì lại không hoàn toàn giống nhau, vì mỗi trường có điểm mạnh riêng của mình.
Nếu Bộ giữ lấy quyến cho phép mở ngành đào tạo thì Bộ có đủ chuyên gia để thẩm định chương trình đào tạo của 2.000 ngành không? Hẳn là không. Trường hợp mà tôi vừa nêu về ngành luật kinh doanh là một thí dụ.
Có người sẽ hỏi: nếu Bộ không giữ lấy quyền cấp phép mở ngành đào tạo thì quản lý sao được nội dung của giáo dục đại học? Xin thưa: vẫn quản lý được thông qua chức năng giám sát, kiểm tra và kiểm định chất lượng giáo dục của các trường đại học. Có một điều mà nhiều người không để ý đến: quản lý giáo dục đại học không giống quản lý giáo dục tiểu học hay giáo dục trung học phổ thông. 1.000 trường tiểu học chỉ là một trường, vì 1.000 trường đều dạy chung một chương trình, sử dụng chung một hệ thống giáo trình. 1.000 trường trung học phổ thông cũng vậy.
Trong khi đó thì một trường đại học thường ôm trong lòng nó 10 trường (10 ngành nghề đào tạo), 20 trường, 30 trường và nhiều hơn thế. Để thiết kế một chương trình đào tạo cho một ngành học (cũng tức là cho một nghề), trường đại học phải dựa vào kiến thức và kinh nghiệm của một tập thể chuyên gia gồm hàng chục nghề khác nhau. Công việc này, chỉ các trường đại học mới làm nổi, không cơ quan quản lý nào thay thế được họ.
Bộ đã từng xác định cho mình nhiệm vụ ban hành “chương trình khung” cho các ngành đào tạo đại học, và để làm việc này, Bộ đã lập ra một loạt hội đồng, mỗi hội đồng chịu trách nhiệm thiết lập chương trình khung cho một ngành. Dù thành phần mỗi hội đồng gồm cả chục chuyên gia, vẫn không đủ kiến thức và kinh nghiệm bao quát cả một ngành được giao. Kết quả là: nhiều chương trình khung chỉ là một bản phác thảo nghèo nàn, khập khiễng.
Ở các nước có nền giáo dục đại học phát triển, người ta chỉ quy định "khung chương trình". Vì là khung cho nên chỉ quy định trên những nét lớn: một chương trình đào tạo đại học 4 năm thì phải gồm bao nhiêu đơn vị kiến thức (hay tín chỉ), phần kiến thức đại cương phải chiếm tỷ lệ bao nhiêu, phần kiến thức chuyên nghiệp phải chiếm tỷ lệ bao nhiêu. Còn việc quy định sâu hơn đến từng môn học cho mỗi ngành đào tạo thì dành cho các trường đại học, vì khoa học liên tục phát triển, nhu cầu kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên cũng không ngừng biến động.
Nói đến việc cấp phép mở ngành đào tạo thì phải nói đến danh mục các ngành đào tạo mà Bộ dựa vào đó để cấp phép. Danh mục này ở nước ta đã trở nên quá lạc hậu so với sự phát triển của phân công lao động xã hội. Trong khi cả thế giới đổ xô vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thì danh mục các ngành đào tạo của nước ta lại thiếu vắng một ngành thương mại. Trong khi tài chính và ngân hàng đã trở thành những ngành kinh tế độc lập, mỗi ngành đều có quy mô rất lớn và đều phân ra nhiều chuyên ngành thì danh mục các ngành đào tạo của nước ta vẫn ghép tài chính và ngân hàng vào một ngành, điều này khiến cho sinh viên ra trường sẽ không đủ kiến thức sâu về một ngành nào cả. Trong khi du lịch đã trở thành một ngành kinh doanh mũi nhọn của nước ta thì danh mục các ngành đào tạo vẫn buộc nó phải đội cái tên "Việt Nam học" là tên của một nhánh nghiên cứu khoa học, giống như "Đông phương học", "Trung Quốc học"...
Chỉ riêng cái danh mục các ngành đào tạo lạc hậu này đã gây ra biết bao trở ngại cho các trường đại học khi xin phép mở ngành đào tạo. Phải chăng vì cái danh mục này còn thiếu một ngành đào tạo về luật kinh doanh cho nên cơ quan cấp phép của Bộ mới phải trao đổi với Bộ Tư pháp? Danh mục các ngành đào tạo không nên là một danh mục đóng kín. Nó phải sẵn sàng đón nhận những ngành đào tạo mới mà sự phát triển liên tục của phân công lao động xã hội đòi hỏi phải được đáp ứng.
Về việc giao chỉ tiêu tuyển sinh
Đối với các trường đại học công lập, việc giao chỉ tiêu tuyển sinh là điều dễ hiểu. Vì ngân sách Nhà nước phải "bao cấp" tới 70-80% chi phí đào tạo cho mỗi sinh viên.
Còn trường đại học ngoài công lập thì khác: Loại trường này không nhận được một đồng trợ cấp nào từ ngân sách Nhà nước. Toàn bộ chi phí đào tạo, sinh viên phải thanh toán dưới hình thức học phí. Vì vậy, không thể vì lý do ngân sách Nhà nước mà khống chế chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học ngoài công lập.
Có ý kiến phản bác lại rằng: không khống chế chỉ tiêu tuyển sinh thì làm sao bảo đảm được chất lượng đào tạo? Lập luận này dựa trên một sự nhầm lẫn tai hại. Chất lượng đào tạo đâu có phụ thuộc vào số lượng sinh viên nhiều hay ít? Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, chủ yếu là các yếu tố sau đây:
1. Nội dung của chương trình đào tạo có bảo đảm cho sinh viên có đủ những kiến thức, kỹ năng, phẩm chất cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của họ sau khi ra trường hay không?
2. Đội ngũ giảng viên của trường có đủ về số lượng và chất lượng để truyền thụ cho sinh viên những nội dung của chương trình đào tạo hay không?
3. Nhà trường có bảo đảm được cho sinh viên những điều kiện vật chất kỹ thuật cần thiết cho việc học tập của họ hay không? (phòng học, thiết bị dạy và học, thiết bị thí nghiệm, thực hành, thư viện, giáo trình và tài liệu học tập, v.v...)
4. Về phía sinh viên thì có đủ trình độ và quyết tâm để hoàn thành chương trình đào tạo hay không?
Trong 4 yếu tố trên đây thì 3 yếu tố thuộc về trách nhiệm của nhà trường, 1 yếu tố thuộc về trách nhiệm của sinh viên. Trong cả 4 yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến chất lượng đào tạo, không có yếu tố nào thuộc về số lượng tuyển sinh.
Giữa 3 yếu tố thuộc phần trách nhiệm của nhà trường, có mối quan hệ quy định lẫn nhau rất chặt chẽ. Không thể tuyển sinh 1.000 sinh viên nếu trường sở chỉ đủ chỗ cho 900 người hoặc nếu đội ngũ giảng viên chỉ đủ sức giảng dạy cho 900 người. Trong trường hợp ngược lại, nếu trường sở đủ chỗ cho 1.000 người, nếu đội ngũ giảng viên đủ sức giảng dạy cho 1.000 người, mà chỉ tiêu tuyển sinh chỉ cho phép tuyển 900 người thì hậu quả sẽ rất tai hại: 10% cơ sở vật chất kỹ thuật bị lãng phí, 10% năng lực của đội ngũ giảng viên bị lãng phí, trong khi nhu cầu học tập của thanh niên thì không được đáp ứng.
Trường tôi - Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà nội - đã có nhiều năm rơi vào tình trạng đó: phòng học có năm bị bỏ trống tới 3.700 chỗ, không thể bỗng chốc mà đem đi cho thuê; năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên thì chỉ được sử dụng đến mức 75%, còn 25% đành bỏ phí, nhiều giảng viên rơi vào tình trạng "bán thất nghiệp"; trong khi đó thì hàng ngàn thí sinh đủ "điểm sàn" để gọi nhập học nhưng không thể tiếp nhận vì chỉ tiêu tuyển sinh không cho phép. Trong những điều kiện như vậy thì hiệu quả kinh tế của trường gần như bằng không. Không phá sản là may!
Những chuyên viên của Bộ tính toán chỉ tiêu tuyển sinh để giao cho các trường thì chỉ biết mỗi năm tăng giảm bao nhiêu phần trăm, không cần biết đến quan hệ cân đối giữa số lượng sinh viên với đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất kỹ thuật của từng trường. Tính quan liêu của việc giao chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước cách đây nửa thế kỷ vẫn được duy trì nguyên vẹn ở Bộ Giáo dục và Đào tạo!
Để tính chỉ tiêu tuyển sinh cho từng trường, các chuyên viên của Bộ đưa ra một loạt định mức:
Định mức giảng mỗi năm cho một giảng viên (cơ hữu) là 280 tiết, thời gian dành cho việc giảng dạy chiếm 1/3 thời gian làm việc cả năm, còn lại 1/3 thời gian dành cho việc tự nghiên cứu, nâng cao trình độ, 1/3 thời gian dành cho nghiên cứu khoa học. Giảng viên thỉnh giảng thì chỉ được tính bằng 0,2 giảng viên cơ hữu (trong khi ở trường tôi, bình quân mỗi giảng viên thỉnh giảng đảm nhiệm trên 500 tiết giảng/năm). Với định mức giảng như trên thì số lượng giảng viên tính bình quân cho 100 sinh viên phải đạt con số rất cao trong khi thực tế chỉ đòi hỏi 1/2 hay 1/3 con số đó.
Những định mức này hiển nhiên chẳng ăn nhập là bao với thực tế đời sống. Nếu mỗi giảng viên có định mức 280 tiết giảng/năm, nghĩa là 28 tiết giảng/tháng, 7 tiết giảng/tuần, cũng tức là 1 ngày/tuần thì 5 ngày còn lại họ làm gì? Chuẩn bị bài giảng ư? Tự nghiên cứu nâng cao trình độ ư? Nghiên cứu khoa học ư? Tất cả các hoạt động này, chẳng ai trả tiền cho họ. Chỉ duy nhất hoạt động giảng dạy của họ là được trả lương và thù lao. Nhưng với hoạt động giảng dạy chỉ 1 ngày/tuần hay 4 ngày/tháng thì sẽ được hưởng bao nhiêu lương và thù lao?
Ở trường tôi, không giảng viên nào giảng dưới 600- 700 tiết giảng mỗi năm, nếu tính cả việc hướng dẫn sinh viên thực tập, hướng dẫn sinh viên viết luận văn tốt nghiệp... thì bình quân mỗi giảng viên cơ hữu đạt 1.000 tiết giảng/năm (cũng tức là 100 tiết giảng/tháng, 25 tiết giảng/tuần hay là 5 buổi giảng/tuần). Có như vậy, họ mới đạt được mức lương và thù lao 5-6 triệu đồng/tháng là mức tạm đủ sống trong điều kiện hiện nay.
Sử dụng những định mức nêu trên để tính chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường khiến cho nhiều trường không cân đối được giữa chỉ tiêu tuyển sinh với lực lượng giảng viên và cơ sở vật chất kỹ thuật đã chuẩn bị sẵn của họ. Tình trạng vượt chỉ tiêu tuyển sinh vì vậy năm nào cũng xảy ra, giống như tình trạng “vượt rào" trước Đại hội đổi mới.
Đáng lẽ phải nghiên cứu dẹp bỏ cơ chế này ngay từ khi Đảng và Nhà nước dẹp bỏ cơ chế kế hoạch tập trung quan liêu thì Bộ Giáo dục và Đào tạo (dưới thời vị Bộ trưởng tiền nhiệm của vị Bộ trưởng hiện nay) lại cố níu kéo lấy cơ chế lỗi thời ấy bằng cách đề nghị Thủ tướng ký một quyết định xử phạt hành chính đối với các trường vượt chỉ tiêu tuyển sinh do Bộ giao. Không hiểu sao vị Thủ tướng hồi ấy cũng đặt bút ký vào quyết định ấy!
Trở lại với việc giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường đại học công lập. Sau khi nhận được chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với khả năng trợ cấp của ngân sách Nhà nước, nhiều trường đại học công lập vẫn còn thừa năng lực giảng dạy và cơ sở vật chất kỹ thuật. Vì vậy, Bộ đã cho phép các trường này tuyển sinh hệ B, được hiểu là một hệ mà sinh viên phải trang trải toàn bộ chi phí đào tạo dưới hình thức học phí. Điều này cũng có ý nghĩa như là cho phép hình thành một trường đại học ngoài công lập trong lòng một trường công lập.
Đây là một bước tiến có ý nghĩa "giải phóng lực lượng sản xuất" cho các trường đại học công lập. Cần nghiên cứu bước tiến tiếp theo: trao hẳn quyền tự chủ cho các trường này trong việc tuyển sinh hệ B mà không phụ thuộc vào bất cứ chỉ tiêu nào từ cơ quan quản lý.
Khoa học quản lý ngày nay đã khẳng định một nguyên tắc: việc gì, ai làm tốt nhất thì giao cho người ấy. Nền kinh tế và cuộc sống vẫn luôn luôn hướng theo nguyên tắc ấy - một nguyên tắc phản ánh quy luật khách quan.
* Tác giả bài viết là Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung thì mọi hoạt động của cơ sở đều phải đặt trong một kế hoạch chung của ngành, của địa phương, mọi hoạt động của các ngành, các địa phương phải đặt trong một kế hoạch chung của cả nước, gọi là Kế hoạch Nhà nước. Kế hoạch này, do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tổng hợp, cắt xén cho cân đối, rồi trình Quốc hội phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ ký lệnh ban hành.
Kế hoạch Nhà nước gồm hàng triệu chỉ tiêu pháp lệnh giao cho từng ngành, từng địa phương, từng cơ sở sản xuất lớn. Tính chất quan liêu của cơ chế này đã hạn chế và làm triệt tiêu sáng kiến và tính năng động của cơ sở, gây bức xúc cho hàng triệu người lao động ở cơ sở và cả những nhà quản lý các cấp dẫn đến những vụ "vượt rào", "xé rào" kéo dài từ thập kỷ 60 sang thập kỷ 70 và 80, tạo điều kiện chín muồi cho chủ trương "đổi mới" của Đại hội Đảng lần thứ 6.
Qua 25 năm triển khai, chủ trương "đổi mới" thực ra mới chỉ được thực hiện trong lĩnh vực kinh tế là chủ yếu, còn ở nhiều lĩnh vực khác, chủ trương đó mới chỉ dừng lại ở mức khẩu hiệu.
Tại sao như vậy? Vì lĩnh vực kinh tế liên quan đến cuộc sống thiết thân của hàng triệu con người, không đổi mới không sống được, còn các lĩnh vực khác, nếu không "rũ rối ra" thì vẫn có thể tạm sống được với cơ chế cũ. Còn một nguyên nhân quan trọng nữa là: trong bộ máy Nhà nước, không ít quan chức và công chức lại thích sống theo cơ chế cũ, cố bám lấy cơ chế cũ. Đơn giản vì cơ chế này trao cho họ cái quyền "cho".
Trong một bài báo, không thể kể hết những điều bất hợp lý của cơ chế xin - cho, chỉ xin kể ra đây mấy thí dụ có liên quan trực tiếp đến một đơn vị cơ sở một trường đại học - mà tôi là người đại diện.
Khi tôi cùng mấy chục giáo sư nghỉ hưu xin phép thành lập một trường đại học (đương nhiên là trường ngoài công lập) thì phải mất 3 năm, qua rất nhiều cửa mới xin được cái giấy phép.
Khi trường tôi (Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) "xin" một héc-ta đất để xây trường (đây là một khoảnh đất trồng rau muống, những người trồng rau sẵn sàng nhường lại cho trường, tiền đền bù giải phóng mặt bằng thì do trường bỏ ra) vậy mà phải mất 7 năm, qua hơn 100 con dấu và chữ ký mới nhận được cái giấy phép.
Khi trường tôi muốn mở một ngành học thì cũng phải chờ ít nhất 6 tháng mới nhận được cái giấy phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hàng năm, trường được tuyển bao nhiêu sinh viên cũng phải chờ quyết định của Bộ.
Trong tất cả các trường hợp trên, người "cho" chỉ cho một chữ "đồng ý", ngoài ra không có một thứ gì khác để cho cả. Còn người "xin" thì mất rất nhiều thứ, từ công sức, thời gian, cơ hội và - chẳng nói ra thì ai cũng hiểu - cả tiền "bôi trơn" nữa (đấy là không nói đến chuyện đút lót).
Điều đáng bàn là: cái quyền được trao cho người "cho" có đáng trao không? Có nhiều điều hệ trọng phức tạp cần phải cân nhắc trước khi "cho" không, hay chỉ là những thủ tục rườm rà? Tôi lấy hai thí dụ sau cùng để làm rõ câu hỏi này.
Về việc cấp phép mở ngành đào tạo
Sau 13 năm đào tạo về nhiều ngành kinh tế và kinh doanh, trường tôi phát hiện thấy còn thiếu một loại chuyên gia rất cần cho các doanh nghiệp, đó là chuyên gia về luật kinh doanh. Các nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam đều mang theo một chuyên gia về luật kinh doanh mà ta thường gọi nhầm là luật sư.
Để mở thêm ngành đào tạo về luật kinh doanh, trường đã trình Bộ cả mục tiêu đào tạo, nội dung đào tạo, cả danh sách giảng viên về các môn học thuộc chương trình đào tạo. Sau 7 tháng chờ đợi, vẫn chưa nhận được cái giấy phép. Lý do: Bộ còn phải trao đổi với Bộ Tư pháp.
Ô hay, đào tạo về luật kinh doanh cho các nhà doanh nghiệp sao lại phải có ý kiến của Bộ Tư pháp? Đối với một vấn đề đơn giản như vậy, chẳng lẽ Bộ Giáo dục và Đào tạo không đủ năng lực để quyết định "cho" hay không "cho" ư?
Ở tất cả các nước trên thế giới, các trường đại học đều có quyền tự chủ mở ra các ngành đào tạo và thiết kế nội dung của các chương trình đào tạo ấy. Nói đến quyền tự chủ của trường đại học thì trước tiên là nói đến quyền này. Nếu các ngành đào tạo do trường mở ra không đáp ứng được nhu cầu của xã hội thì sẽ chẳng có ai đến học cả. Như vậy là trách nhiệm xã hội của trường đã bao hàm ngay trong quyền tự chủ.
Nước ta hiện có 200 trường đại học, nếu bình quân mỗi trường đào tạo 10 ngành (thực tế thì nhiều hơn) cà nước sẽ có 2.000 ngành. Trong số các ngành này, có nhiều ngành có tên gọi giống nhau, nhưng nội dung đào tạo thì lại không hoàn toàn giống nhau, vì mỗi trường có điểm mạnh riêng của mình.
Nếu Bộ giữ lấy quyến cho phép mở ngành đào tạo thì Bộ có đủ chuyên gia để thẩm định chương trình đào tạo của 2.000 ngành không? Hẳn là không. Trường hợp mà tôi vừa nêu về ngành luật kinh doanh là một thí dụ.
Có người sẽ hỏi: nếu Bộ không giữ lấy quyền cấp phép mở ngành đào tạo thì quản lý sao được nội dung của giáo dục đại học? Xin thưa: vẫn quản lý được thông qua chức năng giám sát, kiểm tra và kiểm định chất lượng giáo dục của các trường đại học. Có một điều mà nhiều người không để ý đến: quản lý giáo dục đại học không giống quản lý giáo dục tiểu học hay giáo dục trung học phổ thông. 1.000 trường tiểu học chỉ là một trường, vì 1.000 trường đều dạy chung một chương trình, sử dụng chung một hệ thống giáo trình. 1.000 trường trung học phổ thông cũng vậy.
Trong khi đó thì một trường đại học thường ôm trong lòng nó 10 trường (10 ngành nghề đào tạo), 20 trường, 30 trường và nhiều hơn thế. Để thiết kế một chương trình đào tạo cho một ngành học (cũng tức là cho một nghề), trường đại học phải dựa vào kiến thức và kinh nghiệm của một tập thể chuyên gia gồm hàng chục nghề khác nhau. Công việc này, chỉ các trường đại học mới làm nổi, không cơ quan quản lý nào thay thế được họ.
Bộ đã từng xác định cho mình nhiệm vụ ban hành “chương trình khung” cho các ngành đào tạo đại học, và để làm việc này, Bộ đã lập ra một loạt hội đồng, mỗi hội đồng chịu trách nhiệm thiết lập chương trình khung cho một ngành. Dù thành phần mỗi hội đồng gồm cả chục chuyên gia, vẫn không đủ kiến thức và kinh nghiệm bao quát cả một ngành được giao. Kết quả là: nhiều chương trình khung chỉ là một bản phác thảo nghèo nàn, khập khiễng.
Ở các nước có nền giáo dục đại học phát triển, người ta chỉ quy định "khung chương trình". Vì là khung cho nên chỉ quy định trên những nét lớn: một chương trình đào tạo đại học 4 năm thì phải gồm bao nhiêu đơn vị kiến thức (hay tín chỉ), phần kiến thức đại cương phải chiếm tỷ lệ bao nhiêu, phần kiến thức chuyên nghiệp phải chiếm tỷ lệ bao nhiêu. Còn việc quy định sâu hơn đến từng môn học cho mỗi ngành đào tạo thì dành cho các trường đại học, vì khoa học liên tục phát triển, nhu cầu kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên cũng không ngừng biến động.
Nói đến việc cấp phép mở ngành đào tạo thì phải nói đến danh mục các ngành đào tạo mà Bộ dựa vào đó để cấp phép. Danh mục này ở nước ta đã trở nên quá lạc hậu so với sự phát triển của phân công lao động xã hội. Trong khi cả thế giới đổ xô vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thì danh mục các ngành đào tạo của nước ta lại thiếu vắng một ngành thương mại. Trong khi tài chính và ngân hàng đã trở thành những ngành kinh tế độc lập, mỗi ngành đều có quy mô rất lớn và đều phân ra nhiều chuyên ngành thì danh mục các ngành đào tạo của nước ta vẫn ghép tài chính và ngân hàng vào một ngành, điều này khiến cho sinh viên ra trường sẽ không đủ kiến thức sâu về một ngành nào cả. Trong khi du lịch đã trở thành một ngành kinh doanh mũi nhọn của nước ta thì danh mục các ngành đào tạo vẫn buộc nó phải đội cái tên "Việt Nam học" là tên của một nhánh nghiên cứu khoa học, giống như "Đông phương học", "Trung Quốc học"...
Chỉ riêng cái danh mục các ngành đào tạo lạc hậu này đã gây ra biết bao trở ngại cho các trường đại học khi xin phép mở ngành đào tạo. Phải chăng vì cái danh mục này còn thiếu một ngành đào tạo về luật kinh doanh cho nên cơ quan cấp phép của Bộ mới phải trao đổi với Bộ Tư pháp? Danh mục các ngành đào tạo không nên là một danh mục đóng kín. Nó phải sẵn sàng đón nhận những ngành đào tạo mới mà sự phát triển liên tục của phân công lao động xã hội đòi hỏi phải được đáp ứng.
Về việc giao chỉ tiêu tuyển sinh
Đối với các trường đại học công lập, việc giao chỉ tiêu tuyển sinh là điều dễ hiểu. Vì ngân sách Nhà nước phải "bao cấp" tới 70-80% chi phí đào tạo cho mỗi sinh viên.
Còn trường đại học ngoài công lập thì khác: Loại trường này không nhận được một đồng trợ cấp nào từ ngân sách Nhà nước. Toàn bộ chi phí đào tạo, sinh viên phải thanh toán dưới hình thức học phí. Vì vậy, không thể vì lý do ngân sách Nhà nước mà khống chế chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học ngoài công lập.
Có ý kiến phản bác lại rằng: không khống chế chỉ tiêu tuyển sinh thì làm sao bảo đảm được chất lượng đào tạo? Lập luận này dựa trên một sự nhầm lẫn tai hại. Chất lượng đào tạo đâu có phụ thuộc vào số lượng sinh viên nhiều hay ít? Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, chủ yếu là các yếu tố sau đây:
1. Nội dung của chương trình đào tạo có bảo đảm cho sinh viên có đủ những kiến thức, kỹ năng, phẩm chất cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của họ sau khi ra trường hay không?
2. Đội ngũ giảng viên của trường có đủ về số lượng và chất lượng để truyền thụ cho sinh viên những nội dung của chương trình đào tạo hay không?
3. Nhà trường có bảo đảm được cho sinh viên những điều kiện vật chất kỹ thuật cần thiết cho việc học tập của họ hay không? (phòng học, thiết bị dạy và học, thiết bị thí nghiệm, thực hành, thư viện, giáo trình và tài liệu học tập, v.v...)
4. Về phía sinh viên thì có đủ trình độ và quyết tâm để hoàn thành chương trình đào tạo hay không?
Trong 4 yếu tố trên đây thì 3 yếu tố thuộc về trách nhiệm của nhà trường, 1 yếu tố thuộc về trách nhiệm của sinh viên. Trong cả 4 yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến chất lượng đào tạo, không có yếu tố nào thuộc về số lượng tuyển sinh.
Giữa 3 yếu tố thuộc phần trách nhiệm của nhà trường, có mối quan hệ quy định lẫn nhau rất chặt chẽ. Không thể tuyển sinh 1.000 sinh viên nếu trường sở chỉ đủ chỗ cho 900 người hoặc nếu đội ngũ giảng viên chỉ đủ sức giảng dạy cho 900 người. Trong trường hợp ngược lại, nếu trường sở đủ chỗ cho 1.000 người, nếu đội ngũ giảng viên đủ sức giảng dạy cho 1.000 người, mà chỉ tiêu tuyển sinh chỉ cho phép tuyển 900 người thì hậu quả sẽ rất tai hại: 10% cơ sở vật chất kỹ thuật bị lãng phí, 10% năng lực của đội ngũ giảng viên bị lãng phí, trong khi nhu cầu học tập của thanh niên thì không được đáp ứng.
Trường tôi - Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà nội - đã có nhiều năm rơi vào tình trạng đó: phòng học có năm bị bỏ trống tới 3.700 chỗ, không thể bỗng chốc mà đem đi cho thuê; năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên thì chỉ được sử dụng đến mức 75%, còn 25% đành bỏ phí, nhiều giảng viên rơi vào tình trạng "bán thất nghiệp"; trong khi đó thì hàng ngàn thí sinh đủ "điểm sàn" để gọi nhập học nhưng không thể tiếp nhận vì chỉ tiêu tuyển sinh không cho phép. Trong những điều kiện như vậy thì hiệu quả kinh tế của trường gần như bằng không. Không phá sản là may!
Những chuyên viên của Bộ tính toán chỉ tiêu tuyển sinh để giao cho các trường thì chỉ biết mỗi năm tăng giảm bao nhiêu phần trăm, không cần biết đến quan hệ cân đối giữa số lượng sinh viên với đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất kỹ thuật của từng trường. Tính quan liêu của việc giao chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước cách đây nửa thế kỷ vẫn được duy trì nguyên vẹn ở Bộ Giáo dục và Đào tạo!
Để tính chỉ tiêu tuyển sinh cho từng trường, các chuyên viên của Bộ đưa ra một loạt định mức:
Định mức giảng mỗi năm cho một giảng viên (cơ hữu) là 280 tiết, thời gian dành cho việc giảng dạy chiếm 1/3 thời gian làm việc cả năm, còn lại 1/3 thời gian dành cho việc tự nghiên cứu, nâng cao trình độ, 1/3 thời gian dành cho nghiên cứu khoa học. Giảng viên thỉnh giảng thì chỉ được tính bằng 0,2 giảng viên cơ hữu (trong khi ở trường tôi, bình quân mỗi giảng viên thỉnh giảng đảm nhiệm trên 500 tiết giảng/năm). Với định mức giảng như trên thì số lượng giảng viên tính bình quân cho 100 sinh viên phải đạt con số rất cao trong khi thực tế chỉ đòi hỏi 1/2 hay 1/3 con số đó.
Những định mức này hiển nhiên chẳng ăn nhập là bao với thực tế đời sống. Nếu mỗi giảng viên có định mức 280 tiết giảng/năm, nghĩa là 28 tiết giảng/tháng, 7 tiết giảng/tuần, cũng tức là 1 ngày/tuần thì 5 ngày còn lại họ làm gì? Chuẩn bị bài giảng ư? Tự nghiên cứu nâng cao trình độ ư? Nghiên cứu khoa học ư? Tất cả các hoạt động này, chẳng ai trả tiền cho họ. Chỉ duy nhất hoạt động giảng dạy của họ là được trả lương và thù lao. Nhưng với hoạt động giảng dạy chỉ 1 ngày/tuần hay 4 ngày/tháng thì sẽ được hưởng bao nhiêu lương và thù lao?
Ở trường tôi, không giảng viên nào giảng dưới 600- 700 tiết giảng mỗi năm, nếu tính cả việc hướng dẫn sinh viên thực tập, hướng dẫn sinh viên viết luận văn tốt nghiệp... thì bình quân mỗi giảng viên cơ hữu đạt 1.000 tiết giảng/năm (cũng tức là 100 tiết giảng/tháng, 25 tiết giảng/tuần hay là 5 buổi giảng/tuần). Có như vậy, họ mới đạt được mức lương và thù lao 5-6 triệu đồng/tháng là mức tạm đủ sống trong điều kiện hiện nay.
Sử dụng những định mức nêu trên để tính chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường khiến cho nhiều trường không cân đối được giữa chỉ tiêu tuyển sinh với lực lượng giảng viên và cơ sở vật chất kỹ thuật đã chuẩn bị sẵn của họ. Tình trạng vượt chỉ tiêu tuyển sinh vì vậy năm nào cũng xảy ra, giống như tình trạng “vượt rào" trước Đại hội đổi mới.
Đáng lẽ phải nghiên cứu dẹp bỏ cơ chế này ngay từ khi Đảng và Nhà nước dẹp bỏ cơ chế kế hoạch tập trung quan liêu thì Bộ Giáo dục và Đào tạo (dưới thời vị Bộ trưởng tiền nhiệm của vị Bộ trưởng hiện nay) lại cố níu kéo lấy cơ chế lỗi thời ấy bằng cách đề nghị Thủ tướng ký một quyết định xử phạt hành chính đối với các trường vượt chỉ tiêu tuyển sinh do Bộ giao. Không hiểu sao vị Thủ tướng hồi ấy cũng đặt bút ký vào quyết định ấy!
Trở lại với việc giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường đại học công lập. Sau khi nhận được chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với khả năng trợ cấp của ngân sách Nhà nước, nhiều trường đại học công lập vẫn còn thừa năng lực giảng dạy và cơ sở vật chất kỹ thuật. Vì vậy, Bộ đã cho phép các trường này tuyển sinh hệ B, được hiểu là một hệ mà sinh viên phải trang trải toàn bộ chi phí đào tạo dưới hình thức học phí. Điều này cũng có ý nghĩa như là cho phép hình thành một trường đại học ngoài công lập trong lòng một trường công lập.
Đây là một bước tiến có ý nghĩa "giải phóng lực lượng sản xuất" cho các trường đại học công lập. Cần nghiên cứu bước tiến tiếp theo: trao hẳn quyền tự chủ cho các trường này trong việc tuyển sinh hệ B mà không phụ thuộc vào bất cứ chỉ tiêu nào từ cơ quan quản lý.
Khoa học quản lý ngày nay đã khẳng định một nguyên tắc: việc gì, ai làm tốt nhất thì giao cho người ấy. Nền kinh tế và cuộc sống vẫn luôn luôn hướng theo nguyên tắc ấy - một nguyên tắc phản ánh quy luật khách quan.
* Tác giả bài viết là Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.