10:40 30/05/2014

Bao nhiêu ngàn tỷ cho quà biếu?

Nguyên Hà

Đại biểu Quốc hội đề nghị cần ban hành một nghị định thống nhất về vấn đề tặng thưởng, tặng quà, nộp lại quà biếu

Hiện nay toàn quốc có 139 ngàn đơn vị, tổ chức thụ hưởng ngân sách nhà 
nước, như thế có 139 ngàn người đứng đầu và cấp phó, chỉ cần 1 năm cấp 
trưởng nộp lại 10 triệu, cấp phó nộp 5 triệu thì tính sơ sơ cũng được 
khoảng 4 ngàn tỷ, đại biểu Quốc hội Trần Đình Nhã ước tính.
Hiện nay toàn quốc có 139 ngàn đơn vị, tổ chức thụ hưởng ngân sách nhà nước, như thế có 139 ngàn người đứng đầu và cấp phó, chỉ cần 1 năm cấp trưởng nộp lại 10 triệu, cấp phó nộp 5 triệu thì tính sơ sơ cũng được khoảng 4 ngàn tỷ, đại biểu Quốc hội Trần Đình Nhã ước tính.
Dẫn quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng nếu cán bộ, công chức được nhận quà có giá trị hơn 500 ngàn đồng thì phải nộp vào ngân sách nhà nước, đại biểu Quốc hội Trần Đình Nhã cho hay ông đã tò mò hỏi xem từ năm 2007 đến nay là 7 năm qua ngân sách nhà nước thu được bao nhiêu tiền nộp lại quà tặng thì không ai trả lời được.

Là người thứ 10, cùng là vị đại biểu phát biểu sau cùng tại phiên thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước 2012 của Quốc hội, chiều 29/5, ông Trần Đình Nhã nói ông quan tâm cho vấn đề quà biếu. Vì tình trạng tặng quà, thưởng từ ngân sách nhà nước rất lộn xộn, không kiểm soát được, không ai biết hàng năm chi ra bao nhiêu ngàn tỷ cho những khoản này.

Đại biểu Nhã cho biết ông có hỏi Bộ Tài chính và không có câu trả lời, nhưng “chúng tôi đồ rằng phải đến hàng ngàn tỷ”.

Hiện nay toàn quốc có 139 ngàn đơn vị, tổ chức thụ hưởng ngân sách nhà nước, như thế có 139 ngàn người đứng đầu và cấp phó, chỉ cần 1 năm cấp trưởng nộp lại 10 triệu, cấp phó nộp 5 triệu thì tính sơ sơ cũng được khoảng 4 ngàn tỷ, ông Nhã ước tính.

Nhấn mạnh rằng đây là nguồn ngân sách không nhỏ, vị đại biểu này đề nghị cần ban hành một nghị định thống nhất về vấn đề tặng thưởng, tặng quà, nộp lại quà biếu.

Cũng tại phiên thảo luận, hầu hết các vị đăng đàn đều tỏ ra sốt ruột trước kỷ luật ngân sách bị vi phạm nhiều nhưng chậm được khắc phục. Trong đó có việc mua sắm sử dụng xe công.

"Một đồng chí bí thư huyện gặp trời mưa gọi lái xe đến nhà riêng để chở đến cơ quan, tôi nghĩ việc đấy không có gì quan trọng lắm, nhưng không đúng chế độ", đại biểu Lê Nam phát biểu.

Nhấn mạnh rằng cần siết chặt kỷ luật chi, đai biểu Võ Thị Dung đề nghị Chính phủ cần xem xét và làm rõ việc mua sắm xe công. Năm 2012 ta còn nhiều khó khăn, Chính phủ cũng chỉ đạo thắt chặt chi tiêu công thế nhưng cũng đã mua trên 1.700 chiếc xe ô tô, trị giá mỗi xe hàng tỷ đồng.

Việc sắm xe công như thế có vi phạm chi ngân sách hay không, nếu có thì ai chịu trách nhiệm và Quốc hội có xem xét quyết toán khoản đó nếu vi phạm?, bà Dung nêu câu hỏi.

Với nhận xét năm nào cũng lập lại bài ca muôn thuở xe công, mua quá định mức, mua chưa được, đưa xe công đi chùa..., đại biểu Lê Nam cho rằng nếu không đổi mới cách làm thì  “bài ca” đó vẫn sẽ tiếp diễn.

Có phải là cán bộ sử dụng không đúng chế độ hay chế độ của chúng ta không còn phù hợp, không đúng thì chúng ta phải sửa, ông Nam đặt vấn đề.

Vị đại biểu này cho rằng, cơ chế quản lý xe công cần có sự thay đổi cho hợp lý như khoán vào lương và cũng đến thời điểm chín muồi để áp dụng.